Tái cơ cấu để đón luồng đầu tư mới, cơ hội mới

Kim Yến - 09:27, 05/07/2020

TheLEADERThách thức lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là thị trường hàng hoá ngưng trệ, không bán được hàng, không có doanh thu, không trả nợ được ngân hàng, buộc phải cho lao động nghỉ việc, thậm chí phá sản.

Đại dịch vẫn đang tiếp diễn, nhiều nước đang dịch chuyển nhà máy xí nghiệp về nước hoặc chuyển sang các thị trường khác tránh sai lầm “bỏ trứng vào một rổ”. Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang kêu gọi hình thành “chuỗi cung ứng thịnh vượng” gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand và Việt Nam.

Bối cảnh đó buộc cả chính phủ và doanh nghiệp đều phải tái cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu lại sản phẩm, tái cơ cấu lại thị trường trong nước và quốc tế… để đón luồng đầu tư mới, cơ hội mới.

Làm thế nào để đón nhận luồng đầu tư mới

Các dự báo về kinh tế vẫn đang vẽ ra bức tranh khá ảm đạm cho kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới tiếp tục có những cảnh báo về các cú sốc có thể xảy ra với thị trường hàng hoá, dầu thô và nguồn cung thực phẩm. Còn IMF thì cho rằng khủng hoảng Covid hoàn toàn có thể dẫn tới thời kỳ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất từ Đại suy thoái năm 1929.

Chính vì lo ngại này, chính phủ các nước nhận ra rằng phải sớm tìm ra cách kích hoạt lại nền kinh tế, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường với tốc độ và cách thức khác nhau. Chính phủ các nước đang đấu tranh để cân bằng giữa việc bảo vệ sự an toàn cho người dân và khởi động lại nền kinh tế.

Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng nhiều tiềm năng. Thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá cao, nền kinh tế chúng ta đang có độ mở lớn tới trên 200%, ổn định kinh tế xã hội, giá nhân công cạnh tranh…

FDI có vai trò rất quan trọng đối với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế Việt Nam. FDI cấp vốn, công nghệ và kỹ năng quản lý. Năm 2005, trước khi gia nhập WTO, FDI có vốn đăng ký trên 10 tỷ USD, đến nay đã lên 323 tỷ USD. Riêng 4 tháng đầu năm 2020, FDI đã đạt 12,33 tỷ USD, tăng 84,5% so với cùng kỳ 2019, giải ngân 5,15 tỷ USD, bằng 90,4%.

Tái cơ cấu để đón luồng đầu tư mới, cơ hội mới
Ông Lương Văn Tự, Nguyên trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam.

Theo ông Lương Văn Tự, Nguyên trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, các tập đoàn may mặc, da giày phụ thuộc 60% vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc, ngành nông nghiệp cũng vậy, trên 26% sản phẩm xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này. Cũng như nhiều nước đã nhận ra, Việt Nam phải từng bước tái cơ cấu lại nền kinh tế.

Từng ngành hàng phải xây dựng chiến lược từng bước, đa dạng hoá thị trường cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, nhất là lĩnh vực may mặc, da giày, nông sản, rau hoa quả, nếu không các lợi thế của các hiệp định thương mại tư do cũng chẳng tận dụng được, vì sản phẩm không đủ điều kiện quy định xuất xứ hàng hoá thì ta vẫn không được hưởng ưu đãi thuế quan…

Để thu hút FDI, trước tiên chính phủ cần thu hút nguồn vốn của kênh đầu tư chứng khoán, sớm đưa TP.HCM thành thị trường chứng khoán trung tâm cả nước. Ưu tiên đầu tư tập trung lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, sản xuất linh kiện cho lĩnh vực này của các tập đoàn Samsung, Apple, Siemen, LuxStar precision Industry… Chú ý tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng các nhà máy xí nghiệp sản xuất nguyên vật liệu phục vụ cho xuất khẩu, nhà đầu tư chế biến nông sản, thuỷ hải sản, thực phẩm phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Muốn biến cơ hội thành hiện thực, Nhà nước cần đẩy nhanh và đơn giản các thủ tục hành chính, tạo các khu vực đất sạch sẵn sàng mọi điều kiện đón nhà đầu tư, hoàn thiện nhanh hạ tầng cơ sở cho logistics, đặc biệt mở rộng nhanh sân bay Tân Sơn Nhất để giảm ùn tắc, hoàn thiện hệ thống 4G và tiến tới 5G gắn liền với an ninh mạng.

Bên cạnh đó, cần khắc phục yếu điểm về nguồn nhân lực. Các lao động tay nghề cao, nhà quản lý giỏi rất cần trong thời gian tới, làm thế nào đào tạo và nâng cao trình độ của họ, và thu hút lực lượng chuyên gia giỏi về phục vụ đất nước. Trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư và thương mại cũng rất cần cán bộ có năng lực giỏi ngoại ngữ…

7 tiêu chí giúp doanh nghiệp tái cơ cấu thành công

Theo TS. Lê Anh Tú, Cố vấn cấp cao PwC Vietnam, Phó chủ tịch CLB Các nhà kinh tế (VEC), trong tháng 5, các nền kinh tế đang mở cửa trở lại và nới lỏng phong toả, tuy nhiên tác động của suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục lan rộng, đòi hỏi các lãnh đạo doanh nghiệp phải tập trung thay đổi chiến lược giúp họ quản lý khi ở trạng thái bình thường mới của xã hội.

Tái cơ cấu để đón luồng đầu tư mới, cơ hội mới 1
TS. Lê Anh Tú, Cố vấn cấp cao PwC Vietnam, Phó chủ tịch CLB Các nhà kinh tế (VEC).

Đánh giá về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trên thế giới, TS. Lê Anh Tú cho biết, “Trong tháng 5, doanh thu giảm vẫn là tình trạng chung của các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề trên thế giới, 85% các CFO dự kiến doanh thu và lợi nhuận sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, mức giảm sẽ lên tới 25%. 

CFO của ngành tiêu dùng dự đoán doanh thu sẽ giảm hơn 50%, CFO ngành y tế là khả quan nhất, họ tin doanh thu có khả năng tăng, và 9% cho rằng doanh thu không bị ảnh hưởng. Phần lớn các CFO cho rằng họ sẽ trì hoãn hoặc cắt giảm chi phí đầu tư vào tài sản cố định, 18% các CFO đang lên kế hoạch cắt giảm cho chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) và 16% dự kiến sẽ thu hẹp khoản đầu tư vào chuyển đổi số…

Khảo sát của PwC cũng phản ánh quan điểm của các CFO về quá trình phục hồi của các doanh nghiệp. Mặc dù 42% các CFO tin rằng công ty của họ có thể quay lại hoạt động bình thường trong vòng 3 tháng nếu Covid-19 kết thúc ngay lập tức, cũng có ý kiến cho rằng mất nhiều thời gian hơn để phục hồi. 40% các CFO ngành công nghệ, truyền thông và viễn thông cho rằng mức thời gian sẽ là từ 3 đến 6 tháng, 8% cho rằng sẽ mất 1 năm, đặc biệt là ngành tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và ô tô….”

Đánh giá về hiện trạng của các doanh nghiệp Việt Nam, CEO Đặng Đức Thành, Chủ tịch CLB Các nhà kinh tế, Uỷ viên ban chấp hành VCCI cho biết thách thức lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là thị trường hàng hoá ngưng trệ, không bán được hàng, không có doanh thu, không trả nợ được ngân hàng, buộc phải cho lao động nghỉ việc, thậm chí phá sản.

Đề cập đến những giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho doanh nghiệp Việt Nam hậu Covid-19, ông Đặng Đức Thành cho rằng tái cấu trúc doanh nghiệp trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Tái cơ cấu để đón luồng đầu tư mới, cơ hội mới 2
CEO Đặng Đức Thành, Chủ tịch CLB Các nhà kinh tế, Uỷ viên ban chấp hành VCCI.

Ông Thành đưa ra 7 gợi ý cho doanh nghiệp để có thể tái cấu trúc thành công:

Thứ nhất, đây là thời điểm cần xây dựng lại chiến lược kinh doanh. Theo các chuyên gia, có đến 80% doanh nghiệp hiện nay đang đấu tranh để sinh tồn và phát triển với những mô hình kinh doanh lỗi thời. Làm thế nào để xây dựng chiến lược kinh doanh khả thi là câu hỏi cần đặt ra.

Ảnh hưởng đại dịch làm cho doanh nghiệp luôn hoạt động trong tình trạng đối phó. Nếu trước tỷ lệ vốn vay theo phương thức tối ưu là 1/1 (tỷ lệ giữa vốn tự có và vốn vay ngân hàng) thì hiện nay tỷ lệ vốn vay theo phương thức tối ưu là 2/1. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp phải tự huy động thêm nguồn vốn từ việc phát hành cổ phần, trái phiếu doanh nghiệp. Đây chính là thời điểm cần tái cấu trúc lại nguồn vốn theo hướng phát triển bền vững. Muốn thế, phải quản trị doanh nghiệp hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, công bố thông tin công khai minh bạch, thực hiện niêm yết sớm trên thị trường chứng khoán.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, đây chính là thời điểm hoàn thiện, chuẩn hoá các quy trình vận hành, quản trị các lĩnh vực cốt lõi như kế toán, tài chính, đào tạo nhân viên, bán hàng… để có thể kinh doanh bài bản hơn, nhằm tạo đà phát triển khi dịch bệnh qua đi.

Đối với các doanh nghiệp ở quy mô vừa và lớn, đây là thời gian tái cấu trúc toàn diện hoặc bộ phận doanh nghiệp của mình trong chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, đào tạo lại lực lượng lao động.

Thứ hai là thực hiện chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp lúng túng trước hàng loạt khái niệm chuyên ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng trên thực tế việc áp dụng khá dễ dàng, tiện lợi thông qua mạng internet, điện thoại thông minh, máy tính bảng với các phần mềm tiện ích.

Chẳng hạn doanh nghiệp có thể bán hàng trên các trang thông tin điện tử của mình hoặc các trang thông tin điện tử chuyên ngành như Amazon, Alibaba, Lazada, Tiki, Sendo…, qua Facebook, Zalo, họp hành trao đổi công việc, giao việc, làm việc nhóm qua Skype, Hangout, Viber, WahatsApp… Chi phí các công cụ này khá thấp, hầu hết miễn phí, tiết kiệm rất nhiều về đi lại, thông tin liên lạc, trụ sở làm việc. Với các doanh nghiệp lớn, chuyển đổi số toàn diện đòi hỏi chi phí cao hơn, nhưng quan trọng nhất là phải tiếp cận được với mô hình và phương thức sản xuất kinh doanh hiện đại, tiên tiến ở phạm vi toàn cầu.

Thứ ba là sử dụng các công cụ quản lý doanh nghiệp hiện đại.

Thứ tư là tìm hướng đi mới, thay đổi cách thức marketing và bán hàng như phục vụ tại nhà, bán online, sử dụng kinh phí quảng cáo để hỗ trợ chống dịch như Coca-Cola, tạo ra sản phẩm hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm như bánh mì thanh long của ACB bakery… Đối với các startup, đây là lúc dựa vào công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, hoặc tập trung R&D nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ…

Thứ năm là chú trọng khai thác thị trường nội địa. Tác động của việc đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu và thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… rất lớn, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác thị trường nội địa kể cả nguồn cung thay thế và thị trường tiêu thụ. Đây là biện pháp “cứu cánh” cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra các hiệp định FTA, EVFTA, CPTPP sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và nguồn cung thay thế.

Thứ sáu là thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí. Đây là biện pháp rất “cổ điển” nhưng hữu ích và bắt buộc phải làm khi khó khăn. Chi phí thuê mặt bằng bán hàng, thuê văn phòng có thể cắt giảm ngay hoặc đàm phán để miễn giảm. Chi phí quảng cáo, marketing có thể tạm dừng. Chi phí hành chính có thể cắt giảm bằng làm việc online và giảm số nhân viên. Tuy nhiên cần tính toán kỹ để giữ lại lao động có chất lượng cho đến khi hết dịch, hoặc luân phiên, thay ca, cắt giảm giờ làm…

Thứ bảy là đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển doanh nghiệp trong tình hình mới.