Tìm lời giải cho 158 tỷ USD vốn FDI chưa được giải ngân

Quỳnh Chi - 08:05, 03/07/2020

TheLEADERĐể đón nhận hiệu quả dòng vốn FDI thế hệ mới đang được kỳ vọng sẽ vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cần sẵn sàng chủ động, bên cạnh đó là sự sát sao và đồng bộ hơn nữa trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài từ các cấp chính quyền.

Tìm lời giải cho 158 tỷ USD vốn FDI chưa được giải ngân
Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào khu vực FDI

Việt Nam hiện đang được đánh giá có lợi thế trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ khả năng khống chế dịch Covid-19 hiệu quả. 

Doanh nghiệp FDI cũng nhìn nhận Việt Nam là một nền kinh tế ổn định, có sức chống chịu cao. Mặt khác, nhân lực của Việt Nam đã được cải thiện nhiều qua thời gian.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà Việt Nam cần chuẩn bị để có thể sẵn sàng đón nhận luồng dịch chuyển này một cách hiệu quả.

Doanh nghiệp chủ động hơn

Theo ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú), Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, một trong những điểm yếu cố hữu của người Việt là tính kỷ luật trong sản xuất còn thấp. Ngoài ra, khi vào Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia thường không muốn dây dưa về mặt pháp lý nên họ mong đợi sự hoàn thiện từ các đối tác Việt.

Shark Phú nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống quản lý chất lượng, phải có đầy đủ điều kiện để sản phẩm có thể phục vụ tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, cần hệ thống quản lý toàn diện từ chăm sóc con người, tuân thủ luật pháp… để đảm bảo đơn vị cung ứng không vi phạm, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, cần tập trung đào tạo, hướng dẫn người lao động.

"Các yếu tố mình có phải đồng bộ, chuẩn bị mặt bằng, con người, hệ thống sản xuất để có thể đạt được 7-8 điểm theo mong ước của họ. Nếu họ cần 10 mình chỉ có 1-2 thì họ sẽ lắc đầu. Đó là điểm cần chú ý và chuẩn bị trước", ông Phú cho biết.

Vị cá mập chương trình Shark Tank cho rằng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào thì phải liên tục đổi mới để có thể tận dụng cơ hội. Doanh nghiệp Việt phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội để thay đổi quy trình, bắt kịp với các doanh nghiệp toàn cầu để có cơ hội làm bạn, hợp tác với họ.

Để sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse

"Nếu cứ làm theo kiểu con hát mẹ khen hay thì không bao giờ biết mình đang ở đâu. Mỗi doanh nghiệp phải luôn so sánh mình với bên ngoài, lấy doanh nghiệp của nước ngoài làm hình mẫu và từng bước tiệm cận với họ về các mặt", ông Phú cho biết.

Hiện tại, Sunhouse đang dần tự chủ toàn bộ trong sản xuất, từ khâu nguyên liệu tới hoàn thiện. Trong thời gian tới, việc hoàn thiện sản xuất vi mạch cho phép Sunhouse có thể tự chủ gần như hoàn toàn trong dây chuyền sản sản xuất.

"Nói về cạnh tranh, chúng ta chạy nhưng người ta thậm chí còn chạy nhanh hơn. Bản thân chúng tôi đã phải thay đổi rất nhiều để có thể tận dụng cơ hội. Sunhouse đã chuyển từ mô hình từ chạy theo số lượng sang chất lượng. Chúng tôi còn phải thuê chuyên gia từng làm nghiên cứu và phát triển của CukCoo sang làm việc với mức lương tương đương lương huấn luyện viên Park Hang Seo để thay đổi toàn diện", ông Phú chia sẻ.

Sát sao từ các cấp quản lý

Trong vai trò một doanh nghiệp, ông Phú nhấn mạnh những cơ hội mất đi do dịch Covid-19 ngay cả khi Việt Nam thành công lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Dẫu vậy, những thành công trong giai đoạn đầu có thể không còn phát huy được hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo nếu Việt Nam chọn cách đóng cửa với thế giới bên ngoài.

Việc đóng cửa giúp Việt Nam tránh được nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhưng ông Phú cho rằng nếu tình trạng phong tỏa kéo dài, Việt Nam có thể sẽ bị tụt hậu. Trong bối cảnh công nghệ tiến bộ vượt bậc từng ngày, ông Phú cho rằng các cơ quan quản lý cần có những biện pháp quản trị dịch bệnh tốt để Việt Nam có thể mở cửa và nắm bắt những cơ hội do dịch bệnh tạo ra.

Ông Phú cũng để ngỏ câu hỏi về năng lực của cán bộ địa phương trong việc đón nhận cơ hội từ dịch Covid-19 dù lãnh đạo cấp cao đã có những tuyên bố và hành động cụ thể và quyết liệt. Chính việc cán bộ thực thi chưa hiểu được cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến thu hút đầu tư so với các doanh nghiệp nước ngoài có thể là rào cản.

Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 850/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu nước ngoài. 

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, điều này khẳng định Việt Nam đang có những thời cơ tốt, phải thay đổi để đạt được mục tiêu đón được dòng vốn có chất lượng, lan toả trong nước.

"Làm thế nào để FDI vào Việt Nam thì doanh nghiệp trong nước lớn lên chứ không chỉ làm thuê, thậm chí làm thuê ở phân khúc thấp như hiện nay. Doanh nghiệp Việt Nam phải lớn lên, cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp FDI", ông Toàn nói.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), vấn đề luật pháp, chính sách không quá quan trọng vì tuy chưa được đồng bộ nhưng cũng đủ điều kiện để cho nhà đầu tư nước ngoài vào. Quan trọng nhất là công tác tổ chức thực hiện ra sao. Vốn đầu tư nước ngoài chưa giải ngân còn 158 tỷ USD vì còn vướng mắc thủ tục hành chính.

Ông Thắng nhấn mạnh: "Các giải pháp không đúng mãi theo thời gian, chỉ đúng trong từng giai đoạn, từng bối cảnh. Nếu áp dụng một giải pháp mãi thì sẽ không đem lại kết quả tốt".

Dịch Covid-19 đã mang lại cho Việt Nam một bài học về huy động nguồn lực toàn dân. Vì thế ông Thắng cho rằng về đầu tư nước ngoài cũng phải có chỉ đạo sát sao. Tổ công tác phải giao nhiệm vụ cụ thể, giống như chống dịch Covid-19; tạo ra sự đồng thuận để toàn bộ hệ thống chính trị hiểu rõ vai trò của đầu tư nước ngoài.

Ông Thắng nói thêm: "Cái khó là doanh nghiệp chúng ta phụ thuộc vào nước ngoài nhiều. Họ cắt đầu ra, không cấp đầu vào là ta cũng khó. Vì thế cần có sự quản lý của nhà nước, trong khi làm vấn đề vĩ mô thì đồng thời phải có tay dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Làm sao tạo điều tiện để họ tiếp cận vốn".

Từ phía doanh nghiệp, Chủ tịch Sunhouse bày tỏ mong muốn những người làm trong bộ máy nhà nước, cơ quan tạo lập chính sách cần hiểu rằng doanh nghiệp phải cạnh tranh với vô vàn khó khăn để có cơ hội thực sự, từ đó tạo điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy.

Theo ông Phú, trước đây, người nước ngoài chỉ đến Việt Nam mượn đất, mượn người để sản xuất. Bây giờ cuộc cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp Việt thì khó khăn, yếu, thiếu đủ thứ. Ông Phú bày tỏ mong muốn các bộ ngành hiểu, có kế hoạch hành động chi tiết với những người thực hiện có tâm và có tầm.

Xúc tiến đầu tư có địa chỉ

Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có 3 yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể thành công trong thu hút FDI hiệu quả hơn như nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.

Để sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI 2
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Thứ nhất, biện pháp quan trọng nhất là nâng cao năng lực của các bộ phận tham mưu bao gồm các sở ban ngành của tỉnh, cơ quan của ban quản lý để tham mưu cho các ban quản lý biết cách lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư phù hợp định hướng mới đã được nghị quyết 50 của Bộ chính trị về đầu tư nước ngoài nêu rất rõ.

Ông Mại lý giải, việc thẩm định cấp giấy đăng ký kinh doanh về đầu tư nước ngoài, trừ những lĩnh vực như dầu khí, bảo hiểm, ngân hàng hiện do Thủ tướng và các cơ quan chuyên ngành quyết định; còn lại các uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất quyết định.

Nghị quyết 50 đã vừa lưu ý đến các yếu tố lợi ích kinh tế, vừa lưu ý đến an toàn, an ninh quốc gia và có một ý gần đây nhiều người nói là sự thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước. 

Tất cả điều này đã được nghị quyết 50 và chỉ thị số 1, số 2 của Thủ tướng chính phủ vào đầu năm và sắp tới đây sẽ có một nghị quyết mới về đầu tư nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chuyển dịch. Tất cả những điều đó phải được kiểm duyệt nghiêm minh nhất.

Thứ hai là yếu tố liên quan đến tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài. Ông Mại cho rằng không cần lo lắm về khu vực châu Á, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hongkong, Hàn Quốc và các nhà đầu tư từ các nước Asean cũng như là từ Trung Quốc và gần đây là Ấn Độ vì hai bên đã hiểu nhau và biết cách làm ăn của nhau.

Điều cần lưu ý trong việc thu hút dòng dịch chuyển vốn ra khỏi Trung Quốc là phải tìm cách tiếp cận được châu Âu và Mỹ vì theo nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, Việt Nam cần những khoản đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), fintech... hiện đang còn rất thiếu.

Vì vậy, ông Mại nhấn mạnh, việc xúc tiến đầu tư cần có định hướng, tránh những xúc tiến đầu tư chung chung. Như kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh thì rõ ràng phải kiếm được các tập đoàn lớn của Châu Âu và Mỹ có tiềm năng và quan tâm. 

Thay vì xúc tiến một cách đại trà như trước đây, cần xúc tiến đầu tư có địa chỉ - hai bên cần nhau và tìm cách gặp nhau, dù xác định cách làm này sẽ tốn rất nhiều thời gian nhưng mang lại hiệu quả thực chất.

Thứ ba là phải đẩy nhanh tốc độ cải cách, thực hiện cải cách đồng bộ hơn để tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh; tránh tình trạng nơi ấm, nơi lạnh, đặc biệt là khi Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp diễn ra để bàn đến chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030 mà cụ thể là kế hoạch 5 năm từ 2021-2025.