Tâm thế trên 'đường đua mới' của Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành

Quỳnh Chi - 15:29, 15/09/2021

TheLEADERĐể không bị tụt lại phía sau khi Covid-19 bị chặn đứng nhờ các loại thuốc đặc trị và độ phủ vaccine đạt tới đỉnh, công tác chuẩn bị ngay từ bây giờ là phương án tốt nhất và duy nhất mà các doanh nghiệp có thể làm.

Tâm thế trên 'đường đua mới' của Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành
Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành

Nhìn lại những thay đổi vĩ mô trong những năm gần đây, Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành nhấn mạnh ba yếu tố đã cấu thành nên khái niệm "kỷ nguyên số" và "kinh tế số".

Năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được khơi mào, tạo nên sự dịch chuyển lợi thế thương mại trong nhiều ngành nghề từ các cường quốc vốn đang có thế mạnh đến các quốc gia đang phát triển khác, đưa nền kinh tế thế giới bước vào chu kỳ tái cấu trúc quy mô lớn. 

Cộng hưởng với đó là sự xoay trục trong chính sách của các cường quốc, làm ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến việc định hình lại nền kinh tế thế giới một cách mạnh mẽ.

Chưa tới hai năm sau, nhân loại đối mặt với đại dịch Covid-19. Con virus Corona nhỏ bé nhưng có sức mạnh làm thay đổi toàn bộ cách thức giao tiếp và sinh hoạt của con người theo cách không tưởng.

Tương tự như những cơn sóng thần, Covid-19 được kích hoạt và mở rộng, gia tăng cấp độ, phủ lên khắp tất cả lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội, đến hầu hết tầng lớp lao động từ phổ thông đến cao cấp, tại tất cả quốc gia trên thế giới ở cùng một thời điểm.

Trong bối cảnh này, quá trình chuyển đổi số được xem là giải pháp cho rất nhiều các lĩnh vực của nền kinh tế.

Đặc biệt là đối với doanh nghiệp, quá trình này làm thay đổi toàn bộ quan điểm về quản trị - kiểm soát - điều hành khi nó mở ra các giải pháp kiểm soát chi phí, mở rộng kinh doanh, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp đối mặt với quy luật "đào thải về ngành nghề" đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu với tốc độ mà theo ông Thành là nhanh chưa từng có.

Ông Thành cho rằng, kỷ nguyên số và kinh tế số là hai khái niệm sẽ gắn chặt với nền kinh tế hiện đại từ nay trở về sau, nhất là khi nền kinh tế thế giới mang trong mình sự cạnh tranh mạnh mẽ và quyết liệt hơn bao giờ hết.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chuẩn bị kỹ càng để tự tin bước vào trạng thái "bình thường mới" sau đại dịch.

Riêng ông Thành thì đặt mình trong tâm thế xuất phát trên một "đường đua mới".

“Nói không sai nếu chúng ta đặt mình trong trạng thái ở vạch xuất phát bởi lẽ chúng ta phải tái khởi động lại trên một chặng đường mà gần như mọi thứ đều mới mẻ”, ông Thành nhận định.

Theo đó, hầu như không dữ liệu nào trong quá khứ có thể giúp dự phóng cho tương lai trong hoàn cảnh này. Cả thế giới chuyển mình, và các doanh nghiệp Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Chính vì vậy, Chủ tịch TTC cho rằng, việc quan trọng nhất là phải chuẩn bị cho mình những nhận thức, tư duy và mô hình mới. Bên cạnh đó, những điều này phải phù hợp với những điều kiện khách quan ở trên đường đua mới phía trước.

Các doanh nghiệp Việt Nam phải học cách thích nghi, đánh giá nội tại để áp dụng cho bằng được những nền tảng phù hợp, những phương pháp được cải tiến theo xu hướng số hóa một cách đồng bộ từ con người cho đến công nghệ.

Để hiện thực hóa được những chính sách này một cách thành công, chính những người đứng đầu doanh nghiệp sẽ đưa ra những phân tích, nhận định và kết hợp với bản lĩnh để đúc kết thành những định hướng phát triển tối ưu nhất cho tổ chức cũng như doanh nghiệp của mình.

Ông Thành cho rằng, con sóng nào rồi sẽ có điểm dừng và bình lặng trở lại. Sóng Covid-19 cũng sẽ được chặn đứng khi những phát minh y học dần mở ra các loại thuốc đặc trị và độ phủ vaccine đạt tới đỉnh. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ bắt lấy cơ hội tăng tốc trên chính đường đua này một cách nhanh nhất.

“Để cho thời điểm đó và không bị tụt lại phía sau, công tác chuẩn bị ngay từ bây giờ là phương án tốt nhất và duy nhất mà chúng ta có thể làm”, Chủ tịch TTC nhấn mạnh.