Nhiều nguồn vốn tài chính cũng như cơ hội kinh tế rộng mở cho doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tận dụng được những cơ hội đó.
Mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp tối ưu hướng đến phát triển bền vững. Không chỉ đảm bảo quay vòng vật liệu, hạn chế phát thải, kinh tế tuần hoàn còn góp phần thúc đẩy sinh kế, duy trì an sinh xã hội, đồng thời có thể tạo tạo ra khoảng 4,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, khi thực hành phát triển bền vững một cách hiệu quả, doanh nghiệp còn có thể tiếp cận nhiều nguồn vốn tài chính xanh trên thế giới.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), cho biết, con đường hướng tới phát triển bền vững đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội. Trên con đường đó, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.
Thực tế, “cuộc đua xanh” đang diễn ra tuy thầm lặng nhưng hết sức khốc liệt ở khắp các châu lục trên thế giới. Để “về đích” trong cuộc đua này, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng.
Từ góc nhìn của cơ quan đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, ông Vinh nêu ra 4 yếu tố giúp cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ xu thế phát triển bền vững.
Đầu tiên là về nhận thức. Hơn 20 năm nói về phát triển bền vững, ông Vinh nhìn nhận, nhận thức của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều, từ khi “không ai hiểu phát triển bền vững là gì”, cho đến ngày nay, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, nhìn chung, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về phát triển bền vững vẫn chưa cao, đặc biệt rất thấp ở nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Mặt khác, nhóm doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam không phải toàn bộ đều là doanh nghiệp lớn, vẫn còn tồn tại những doanh nghiệp cỡ vừa, sẵn sàng “lách luật”, sử dụng công nghệ rẻ, quy trình sản xuất gây phát thải. Do đó, Việt Nam cần phải cam kết rõ ràng về những tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật, quy trình hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thứ hai là nguồn tài chính xanh. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức bởi để nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế về tài chính xanh, Việt Nam cần có những doanh nghiệp xanh, là doanh nghiệp đáp ứng những tiêu chí cụ thể về tăng trưởng xanh.
Về yếu tố này, ông Vinh cho biết, hiện tại Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư đang cùng phối hợp với một số bộ, ngành liên quan để đưa ra quy định cụ thể thế nào là doanh nghiệp xanh, từ đó đáp ứng những khoản đầu tư xanh cho doanh nghiệp.
Thứ ba là hành lang pháp lý. Đánh giá cao những nỗ lực trong thời gian qua của Chính phủ và các bộ, ngành về việc ban hành những chiến lược, chính sách, quy định pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon… tuy nhiên, ông Vinh nhấn mạnh, cần có sự cải thiện nhiều hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để hành lang pháp lý bắt kịp sự chuyển động rất nhanh của nền kinh tế xanh.
Cuối cùng là vai trò của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia trong việc dẫn dắt và quản trị sự phát triển bền vững, thông qua chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.
Chủ tịch VBCSD cho biết, để hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI đều phải liên kết chặt chẽ với các bên liên quan, chẳng hạn như Nestlé phải phối hợp với bà con nông dân thực hiện dự án nông nghiệp tái sinh, Samsung làm việc với khoảng 300 nhà cung ứng Việt…
Thông qua sự dẫn dắt của doanh nghiệp lớn, các thông điệp về kinh tế xanh, phát triển bền vững, kinh doanh có trách nhiệm sẽ được lan tỏa tới toàn thể cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, doanh nghiệp lớn cũng sẽ tiên phong tạo ra những giá trị mới, nắm bắt thị trường mới, mở đường cho những doanh nghiệp khác cùng tham gia vào.
“Đây là lúc doanh nghiệp phải đưa ra được những giá trị mới, đáp ứng nhu cầu mới là nhu cầu phát triển bao trùm, bền vững”
Ông Nguyễn Quang Vinh
Chủ tịch VBCSD
Ông Vinh bổ sung, đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp phải tự nhìn lại, soi mình vào những chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để định vị lại giá trị của mình đóng góp vào bức tranh chung của nền kinh tế xanh.
“Đây là lúc doanh nghiệp phải đưa ra được những giá trị mới, đáp ứng nhu cầu mới là nhu cầu phát triển bao trùm, bền vững”, Chủ tịch VBCSD khẳng định.
ESG dần trở thành một phần bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn nhận vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia khác. Nguồn vốn ESG được dự báo sẽ tăng đến gần 40 nghìn tỷ USD vào năm 2026.
Thực hành ESG một cách phù hợp giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tạo ra lợi nhuận bền vững, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh với những doanh nghiệp, nhà đầu tư tiên tiến trên thế giới.
Sự khuyến khích từ Nhà nước cũng như nhu cầu từ phía nhà đầu tư và tiềm năng sinh lời tốt trong tương lai là những động lực khuyến khích xu thế ESG trong đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch chuyên trách Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), kinh tế tuần hoàn sẽ là tương lai của nền kinh tế. Bên cạnh sự chủ động sáng tạo từ doanh nghiệp, cần có một luật riêng để tạo môi trường pháp lý cho kinh tế tuần hoàn phát triển.
Đầu tư bền vững tương tự cách chúng ta chọn lọc, chỉ đánh bắt con cá đã đủ trưởng thành làm thực phẩm, để lại các con cá nhỏ để chúng tiếp tục sinh trưởng.
Dẫn dắt người tiêu dùng đồng hành cùng phát triển bền vững chính là kim chỉ nam cho các thương hiệu Việt tạo sự khác biệt và nâng tầm trên sân chơi toàn cầu.
Mục đích thương hiệu không chỉ giúp xây dựng niềm tin với khách hàng, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội và môi trường.