Tăng lương sớm sẽ tạo tiền đề khởi động lộ trình cải cách tiền lương

Nhật Hạ - 20:01, 27/10/2022

TheLEADERTrước tình trạng lộ trình cải cách tiền lương đưa ra từ năm 2018 bị lỡ hẹn liên tục phần lớn do Covid-19, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng mỗi tháng càng sớm càng tốt, nên từ đầu năm 2023, thay vì tháng 7/2023 như đề xuất của Chính phủ trước đó.

Chính phủ đã trình Quốc hội tăng lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng mỗi tháng từ ngày 1/7/2023. Với đề xuất này, mức lương cơ sở trong khu vực nhà nước sẽ tăng thêm 20,8% sau 3 năm không điều chỉnh.

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương sớm từ 1/1/2023 nhằm tháo gỡ khó khăn cho công chức, lao động khu vực công nhằm ngăn chặn xu hướng chuyển dịch lớn lao động từ khu vực công sang tư, đồng thời nâng cao đời sống người lao động ở khu vực này trong bối cảnh lạm phát tăng.

Cụ thể, từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Do đó, cùng với mong muốn việc tăng lương, phụ cấp được triển khai càng sớm càng tốt, nhiều đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ bảo đảm việc tăng lương phải gắn với sự thay đổi giá cả, sức lao động trên thị trường, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động, đảm bảo nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13.

Đồng thời, việc tăng lương cơ sở sớm sẽ tạo tiền đề khởi động lộ trình cải cách tiền lương được đề ra từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được một phần do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Chính sách được Trung ương đặt ra trong Nghị quyết 27 năm 2018, dự kiến thực hiện từ tháng 7/2021. Tuy nhiên, lộ trình cải cách lùi sang 1/7/2022 rồi sau năm 2022 và đến giờ chưa rõ thời điểm thực hiện. Mới nhất hôm 20/10 Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội chưa cải cách tiền lương trong năm 2023.

Bốn vấn đề của cải cách tiền lương gồm nguồn ngân sách; tổ chức bộ máy biên chế hợp lý thông qua chọn người năng lực; thiết kế hệ thống lương; cơ chế chi trả.

Tăng lương sớm sẽ tạo tiền đề khởi động lộ trình cải cách tiền lương
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 27/10, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn tỉnh Bạc Liêu) cho rằng tăng lương cơ sở là đáng mừng nhưng chưa phải giải pháp dài hơi để công chức gắn bó với khu vực công. Đẩy nhanh cải cách tiền lương mới là giải pháp căn cơ. Lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng từ 2023 giúp đời sống người làm công ăn lương được cải thiện, song chưa đáp ứng nhu cầu đời sống.

Cán bộ, công chức, viên chức nhận lương thấp sẽ không phản ánh hết những giá trị, đóng góp của họ trong công việc. Lương thấp cũng không đủ bù đắp tái sản xuất và giúp họ toàn tâm toàn ý với công việc.

Do đó, ông Thái đề nghị năm 2023 tăng lương cơ sở, và sang năm 2024, nếu đất nước tăng trưởng kinh tế tốt thì nên cải cách chính sách tiền lương để xóa bỏ chênh lệch lương khu vực công và tư, lương nhà nước và thị trường.

"Nhà nước cần tăng sức cạnh tranh, giữ chân người tài, có năng lực, tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống, cán bộ sẽ làm việc theo đúng giá trị", ông Thái nói.

Tăng lương sớm sẽ tạo tiền đề khởi động lộ trình cải cách tiền lương 1
DDại biểu Thái Thu Xương (đoàn tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Trang tin Quốc hội

Bày tỏ lo lắng về tình trạng người lao động chật vật trong bối cảnh lạm phát, đại biểu Thái Thu Xương (đoàn tỉnh Hậu Giang) đề nghị Chính phủ có giải pháp để kìm giá thị trường, tránh tình trạng lương chưa tăng giá đã tăng, hay lương tăng một đồng, giá cả tăng hai đồng.

Theo bà Thu Xương, gần đây, khi Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thì giá cả mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sách giáo khoa, học phí, viện phí, thuốc, xăng dầu... liên tục tăng.

Trong khi lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng; lương tối thiểu vùng của người lao động cũng chỉ tăng 6%, thấp hơn rất nhiều so với trượt giá.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải chịu áp lực công việc lớn. Có người phải làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày, trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, nguy hiểm tính mạng. Nhiều giáo viên chịu áp lực khi thay đổi cách giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và chính sách tiền lương chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra.

Trước đó, thảo luật tại tổ, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng việc cải cách chính sách tiền lương là thực sự cần thiết, người lao động đã mong chờ điều này từ lâu.

Theo ông, kỹ sư ra trường lương khởi điểm 3,5 triệu đồng, viên chức 2,2 triệu đồng, trong khi đó mức lương tối thiểu vùng thấp nhất cũng đã 3,6 triệu và vừa qua điều chỉnh đã lên 4,2 triệu.

Thu nhập bình quân theo sự khảo sát của bộ tại TP.HCM bình quân để một người dân của thành phố sống được là 6,5 triệu, trong khi kỹ sư ra trường chỉ 3,5 triệu đồng thì rất khó trang trải cho nhu cầu trong cuộc sống. Mức lương của công chức hiện nay thấp hơn mức lương tối thiểu, thì rõ ràng phải cải cách, phải điều chỉnh, ông Dung nhấn mạnh.

Theo tính toán của bộ, nếu cải cách chính sách tiền lương theo như lộ trình Nghị quyết 27 thì cần khoảng 248 nghìn tỷ đồng.