Tăng tốc cho hệ sinh thái khởi nghiệp

Tùng Anh - 10:00, 26/02/2023

TheLEADERQua hội nghị Swiss EP Partner Summit 2023, Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP) đang tạo ra một không gian thiết lập quan hệ đối tác, cho phép những người tham gia tự do xây dựng năng lực cho nhau và cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

Tăng tốc cho hệ sinh thái khởi nghiệp
Hội nghị Swiss EP Partner Summit 2023

Nhìn sâu vào hệ sinh thái

Theo tổ chức nghiên cứu StartupBlink, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đứng thứ 54/100 quốc gia được xếp hạng vào năm 2022, tăng năm bậc so với năm trước đó. 

Số liệu từ Bộ Khoa học và công nghệ tính đến cuối năm ngoái cũng cho thấy, cả nước có 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 43 trường đại học thành lập vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp lâu dài. 

Đặc biệt, Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ, nằm trong cụm các quốc gia khởi nghiệp năng động nhất khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

2022 là một năm đánh dấu sự mở cửa trở lại cho hoạt động giao lưu quốc tế. Do đó, Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP) đã kết nối các chuyên gia trên toàn cầu, còn gọi là các doanh nhân thường trú (EIR) với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam trong hội nghị Swiss EP Partner Summit 2023 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định từ ngày 16-18/2. Thành phố này cũng là nơi các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam bắt đầu triển khai xây dựng các tổ hợp công nghệ, mục tiêu đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo mới của Đông Nam Á.

Các cuộc thảo luận diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khái niệm quỹ cho vay hạng hai, đến hoạt động của mạng lưới nhà đầu tư thiên thần xuyên biên giới, cơ sở pháp lý cho việc thành lập liên minh đổi mới tập đoàn với các công ty khởi nghiệp, và các kinh nghiệm trong xây dựng năng lực cho các startup và tổ chức hỗ trợ.

Hầu hết các trao đổi trong ba ngày hội nghị được thực hiện bằng tiếng Anh với sự tham gia của tất cả các đại diện từ nhà xây dựng chính sách đến nhà sáng lập startup. Một số quy định pháp lý phức tạp đôi khi cản trở quá trình trao đổi này, song mọi người đều sẵn sàng và cởi mở để hòa nhập với các chuyên gia quốc tế, điều mà chúng ta khó có thể thấy vài năm trước.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh hệ sinh thái trong năm qua có những biến chuyển đáng chú ý. Ông Hub Langstaff, giám đốc quốc gia Swiss EP Việt Nam cho biết, ông ngạc nhiên trước dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào Việt Nam mạnh mẽ bắt đầu từ năm 2021. 

Ông cũng ấn tượng với sự chuyển hướng nhanh chóng từ “khởi nghiệp” sang “đổi mới sáng tạo” trong các phiên đối thoại chính sách, và đặc biệt là mức tăng trưởng về số lượng việc làm được tạo ra và nguồn vốn đầu tư các công ty khởi nghiệp trong mạng lưới của Swiss EP. 

Đổi mới, hợp tác, tăng tốc cho hệ sinh thái khởi nghiệp
Ông Hub Langstaff, giám đốc quốc gia Swiss EP Việt Nam

Năm vừa rồi, chương trình trao đổi đồng cấp quốc tế của Swiss EP cũng đã được mở lại sau 2,5 năm tạm dừng, đưa một số thành viên chủ chốt của hệ sinh thái Việt Nam đến thăm hệ sinh thái khởi nghiệp tại Zurich, Thụy Sĩ, báo hiệu sự trở lại bình thường của các hoạt động khởi nghiệp sau đại dịch.

“Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba này trở nên có ý nghĩa hơn và ngày càng trở nên quan trọng so với lần đầu tiên và lần thứ hai khi vẫn còn nhiều hạn chế do đại dịch. Sự kiện năm nay tập trung hơn vào việc để các thành phần trong hệ sinh thái giúp đỡ lẫn nhau, kết nối với nhau”, ông Hub Langstaff nói.

“Những kết nối đáng tin cậy”

Trong những kiến nghị gửi tới Swiss EP Vietnam trong khuôn khổ hội nghị, một ghi chú có nội dung “những kết nối đáng tin cậy” đặc biệt gây chú ý. Một thành viên tham dự đã dùng cụm từ này để mô tả những gì Swiss EP làm tốt cho đối tác kể từ khi có mặt tại Việt Nam từ năm 2015. 

Với vai trò là một cấu phần hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái, Swiss EP mang các bên liên quan chính của hệ sinh thái ngồi gần lại với nhau, vui vẻ chơi trò chơi và chia sẻ cởi mở về tất cả những thách thức mà họ gặp phải trong những năm qua. Nói cách khác, hội nghị nói riêng và những kết nối của Swiss EP nói chung tạo ra một không gian thiết lập quan hệ đối tác, cho phép những người tham gia tự do xây dựng năng lực cho nhau và cho hệ sinh thái.

Tại hội nghị vừa qua, các đại diện và chuyên gia từ các Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thảo luận cùng các công ty đầu tư mạo hiểm (VC), quỹ SME và nhà đầu tư thiên thần về các rào cản trong đầu tư nước ngoài; các vườn ươm thuộc đại học được liên kết với các chương trình tăng tốc kinh doanh để tạo thuận lợi cho hành trình phát triển của các doanh nhân khởi nghiệp; và các công ty startup cũng như các tập đoàn được hòa mình vào một một hệ sinh thái năng động mà họ có thể tận dụng để thúc đẩy những thay đổi tích cực trong lĩnh vực của mình.

Tính riêng trong năm 2022, nhờ những kết nối này, các đối tác của Swiss EP Vietnam đã hỗ trợ 214 công ty, tạo ra hơn 3.000 việc làm (43% cho phụ nữ) và thu hút nguồn vốn lên đến hơn 47 triệu Franc Thụy Sĩ (hơn 1,2 nghìn tỷ đồng), với 12% trong đó là dành cho các công ty do nữ lãnh đạo.

Chuyên gia Maaike Doyer, nhà sáng lập Epic Angels, một trong những mạng lưới thiên thần chỉ dành cho nữ lớn nhất ở châu Á, cho biết, tất cả thành phần hệ sinh thái được kết nối bởi Swiss EP đều quy tụ tại đây và điều đó thật tuyệt vời vì tôi không thấy có sự cạnh tranh nào, mặc dù về mặt lý thuyết, một số có thể đang là đối thủ của nhau. Mọi người đều làm việc để hướng tới một mục tiêu chung: làm thế nào để đưa các công ty khởi nghiệp lên một tầm cao mới và hơn nữa là làm sao để phát triển đất nước Việt Nam.

Đổi mới, hợp tác, tăng tốc cho hệ sinh thái khởi nghiệp 1
EIR Maaike Doyer, nhà sáng lập và Managing Partner tại Epic Angels

Shuyin Tang, nhà điều hành một quỹ cho vay dành cho các công ty do nữ lãnh đạo, nhận thấy công việc của cô và các tổ chức khác tham gia sự kiện có nhiều điểm chung hơn cô mong đợi. Các cơ sở ươm tạo và tăng tốc kinh doanh có nhiều chương trình không chỉ dành cho startup mà còn phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - những công ty cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn vì họ thường không phù hợp với mô hình đầu tư mạo hiểm.

“Chúng tôi cũng làm việc với rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang mở rộng quy mô, những người đang khao khát có thêm kiến thức và lời khuyên từ các chuyên gia. Tôi nghĩ đó sẽ là một chương trình thực sự thú vị mà chúng ta có thể cùng xây dựng trong những năm tới”, Shuyin Tang, đồng sáng lập & CEO tại Beacon Fund và Partner tại Patamar Capital cho biết.

Các cuộc thảo luận nhóm cùng các phiên tham vấn chuyên gia với năm EIR tại hội nghị thượng đỉnh cũng thúc đẩy thêm các ý tưởng chung khác để giải quyết nhiều thách thức hiện tại trong hệ sinh thái. 

Các ý tưởng được đưa ra bao gồm nâng cao nhận thức của startup về quản lý bảng phân phối cổ phần từ sớm; triển khai các chương trình đào tạo để phát triển kỹ năng cho tài năng trẻ làm việc trong các công ty khởi nghiệp; xây dựng vườn ươm tiêu chuẩn quốc tế với sự hợp tác của các tập đoàn toàn cầu; thiết kế khu thử nghiệm chính sách cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào và thoái vốn khỏi Việt Nam dễ dàng và nhanh hơn bằng cách giảm thiểu thủ tục; tăng cường năng lực vận động chính sách của các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp; triển khai các khóa học chứng nhận nhà đầu tư thiên thần đủ điều kiện; và hội nghị thượng đỉnh hàng năm dành cho lãnh đạo các trường đại học để nâng cao hiểu biết về tinh thần doanh chủ và đổi mới trong các cơ sở giáo dục.

Những khoảng trống còn lại

Việc đưa các EIR từ nước ngoài đến Việt Nam cho hội nghị lần này là một cơ hội hiếm có cho Swiss EP nói riêng và các tổ chức trong hệ sinh thái nói chung. Có thể thấy sự ăn ý giữa các chuyên gia và các tổ chức đối tác khi một số EIR chia sẻ rằng họ bắt đầu hiểu và yêu mến hệ sinh thái Việt Nam hơn chỉ sau vài ngày làm việc trực tiếp. Không ít người tham dự hội nghị kêu gọi có thêm nhiều sự kiện tương tự được tổ chức và mong muốn tiếp nối những kết nối và hợp tác xuyên quốc gia này, điều mà trước đây chỉ được thực hiện online do cản trở bởi đại dịch.

Các đại diện cũng cho biết nhu cầu được kết nối với nhiều EIR hơn cho tổ chức của mình, các EIR quốc tế có thể ở lại Việt Nam lâu hơn, cũng như tìm kiếm thêm các EIR là chuyên gia người Việt Nam.

Về dài hạn, các đối tác, khách mời và chuyên gia của Swiss EP đều đồng thuận rằng hệ sinh thái cần phải đạt được sự bền vững bằng cách có thể tự duy trì. Điều đó có nghĩa là mỗi nhân tố cần tập trung xây dựng năng lực của chính mình mà không phụ thuộc vào các tổ chức bên ngoài cung cấp chuyên gia như Swiss EP. 

“Chúng tôi chỉ tạm thời tham gia vào hệ sinh thái này,” ông Langstaff nói.

Đổi mới, hợp tác, tăng tốc cho hệ sinh thái khởi nghiệp 2
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang ngày càng gắn bó chặt chẽ

Trước một hệ sinh thái đang ngày càng gắn bó chặt chẽ, các tổ chức tăng tốc và vườn ươm vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các công ty khởi nghiệp triển vọng. Một số thừa nhận rằng họ nhận thấy số lượng công ty khởi nghiệp được chọn vào chương trình đào tạo của họ giảm sút trong năm qua. 

Việc để EIR hay chuyên gia làm việc chặt chẽ hơn, không chỉ với người sáng lập, mà với các nhân sự trong công ty khởi nghiệp có thể giúp nuôi dưỡng một nhóm nhân tài mới, những người có thể được truyền cảm hứng và sẵn sàng để bắt đầu những dự án mới. Hệ sinh thái cũng nên tận dụng kinh nghiệm của các công ty khởi nghiệp thành công và tăng trưởng tốt để phổ biến chuyên môn cho những người sáng lập thế hệ tiếp theo, cũng như khuyến khích huấn luyện ngang hàng (peer coaching) giữa các founder để cải thiện năng lực vận hành startup.

“Tôi muốn thấy các tổ chức đối tác hợp tác với chúng tôi và làm việc với nhau để xác định nơi mà ngày càng nhiều hơn công ty khởi nghiệp có thể được sinh ra. Việt Nam là một đất nước rộng lớn nên việc xác định một nguồn duy nhất như một tổ chức tăng tốc khởi nghiệp hoặc trường đại học sẽ là không đầy đủ. Bây giờ startup có thể đến từ khắp mọi nơi", Langstaff nói.