Tăng trưởng ngành ngân hàng phân hóa

Trần Anh - 13:52, 04/05/2022

TheLEADERBáo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 cho thấy trong khi các ngân hàng tư nhân hàng đầu tăng trưởng đúng kỳ vọng còn các ngân hàng nhỏ hơn có mức tăng trưởng âm.

Báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính, trong quý I, tăng trưởng tổng thu nhập lãi thuần bình quân của các ngân hàng là 21%, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 36% và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 70%. Cá biệt trường hợp VPBank công bố lợi nhuận tăng trưởng bất thường nhờ khoản phí trả trước bancassurance.

Tăng trưởng của các cấu phần thu nhập cho thấy sự đóng góp lớn của thu nhập ngoài lãi, tối ưu hoạt động và chi phí tín dụng. Thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh mẽ tại các ngân hàng tư nhân lớn do tăng trưởng tín dụng cao so với đầu năm và sự chênh lệch giữa tốc độ mở rộng tín dụng và huy động tiếp diễn.

Các ngân hàng tư nhân lớn đã bổ sung một lượng trái phiếu doanh nghiệp đáng kể. Techcombank, VPBank và TPBank tăng số dư trái phiếu doanh nghiệp thêm 38 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trong hệ thống ngân hàng là 274 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trong số dư trái phiếu doanh nghiệp của ba ngân hàng này tương đương với 14% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn ngành.

VDSC đánh giá, điều này có thể gây ra một số lo ngại do các sự kiện gần đây liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Các ngân hàng được NHNN giám sát chặt chẽ về mặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản. Danh mục trái phiếu đang tư vấn, bảo lãnh phát hành đã bị chậm lại tại một số ngân hàng đầu tư hàng đầu. Hạn mức tín dụng cho các khoản vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã được giới hạn.

Mặc dù vậy, báo cáo phân tích vẫn cho thấy đà ​​tăng trưởng tín dụng bền vững của ngành, với mức tăng trưởng đạt cao nhất kể từ đầu đại dịch. Tăng trưởng mạnh đến từ cả các khoản cho vay ngắn hạn và dài hạn, trong đó các khoản vay mua nhà và ô tô đóng góp đáng kể. Điều này cho thấy hoạt động giải ngân vẫn diễn ra bình thường ở hầu hết các ngân hàng. Tuy nhiên, chính sách tín dụng có thể đã được thay đổi theo định hướng bán lẻ và cho các doanh nghiệp vay không vì mục đích kinh doanh bất động sản.

Trong Báo cáo Chiến lược năm 2022, VDSC dự báo tốc độ tăng trưởng giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục phân hoá mạnh năm 2022 và lợi thế sẽ nghiêng về phía các ngân hàng lớn. Điều này phần nào được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý đầu năm, khi các ngân hàng tư nhân hàng đầu tăng trưởng đúng kỳ vọng còn các ngân hàng nhỏ hơn có mức tăng trưởng âm.

Tính theo năm, hạn mức tăng trưởng tín dụng cao năm 2021 và tốc độ mở rộng tín dụng mạnh mẽ trong quý I/2022 đã mang lại tăng trưởng tín dụng tốt tại các ngân hàng tư nhân lớn, hỗ trợ thu nhập lãi thuần. Mặc dù có sự phục hồi, tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng lớn này vẫn chậm hơn quá trình mở rộng tín dụng. Điều này cũng đã hỗ trợ NIM.

Sự phân hoá trong tăng trưởng lợi nhuận giữa các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục trong các quý còn lại của năm 2022, trước khi toàn ngành được hưởng lợi từ nền so sánh thấp và hạn mức tăng trưởng tín dụng thường được nâng lên trong nửa cuối năm 2022.

Ba tháng đầu năm cũng ghi nhận lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng tư nhân đang tăng lên. Điều này được phản ánh qua việc lãi suất huy động bình quân tăng trong so với quý IV/2021. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì mức lãi suất kể từ giữa năm 2021. Các ngân hàng tư nhân đã tích cực hơn trong việc thu hút tiền gửi do quy mô nhỏ hơn. Tốc độ tăng lãi suất gần đây đã chậm lại, nhưng nhiều khả năng đà tăng sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm 2022.