Tăng trưởng xanh: 'Nói hay nhưng phải thực hiện được'

Phạm Sơn - 16:01, 01/04/2021

TheLEADERCác chuyên gia đề xuất, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050 cần khắc phục những hạn chế từ chiến lược trong giai đoạn trước, đặc biệt là về hiệu quả thực thi, tránh hiện tượng “nói hay nhưng không làm được”.

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Trưởng nhóm tư vấn Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050 nhận xét, chiến lược tăng trưởng xanh là vô cùng cấp thiết với Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.

Mặt khác, những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ cũng đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng thông minh, tiêu dùng bền vững. Đại dịch Covid-19 vừa là nhân tố đẩy nhanh tiến độ áp dụng khoa học công nghệ, vừa đặt ra yêu cầu “phục hồi xanh”, “xây dựng lại tốt hơn” trên phạm vi toàn thế giới.

Nhận xét về chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn mới, ông Nguyễn Bá Ân, nguyên Tổng thứ ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh, chiến lược xanh là một phần của chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Trước đây, Việt Nam đã ban hành chiến lược xanh có tầm nhìn tới năm 2030, tuy nhiên do yêu cầu bức thiết đặt ra trong bối cảnh mới, vấn đề mới nên cần được nghiên cứu ban hành mới.

Rất ủng hộ chiến lược tăng trưởng xanh với tầm nhìn dài hạn, tuy nhiên, theo ông Ân, chiến lược tăng trưởng xanh năm 2012 tồn đọng một số thiếu sót, đặc biệt các mục tiêu, giài pháp đưa ra quá chung chung, khó thực hiện.

“Có các giải pháp nói rất hay nhưng không thực hiện, ví dụ như ngân sách nhà nước phải tạo ưu tiên cho tăng trưởng xanh hay cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển xanh, sử dụng công nghệ, tài chính, thuế để khuyến khích tăng trưởng xanh. Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá, thấy cái gì làm được, chưa làm được, tìm hiểu nguyên nhân và rút ra kinh nghiệm”, ông Ân nhấn mạnh.

Khẳng định tính cấp thiết của chiến lược tăng trưởng xanh trong giai đoạn mới, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) nhận định, tăng trưởng xanh không phải là điều dễ dàng, phải chịu rất nhiều áp lực từ cách nhìn nhận về mô hình phát triển kinh tế xã hội.

“Chiến lược xanh cơ bản là sự đánh đổi”, do đó để thực hiện được chiến lược tăng trưởng xanh, theo ông Thành, Việt Nam cần trả lời được câu hỏi “có dám chơi”, “có dám trở thành hình mẫu về một quốc gia đang phát triển thực hiện tốt nhất ý nghĩa về sự phát triển theo nghĩa rộng”. Để làm được điều này, các mục tiêu, kế hoạch, giải pháp cần phải được đề đạt rõ ràng và cụ thể.

Viện trưởng BCSI cũng đánh giá cao việc vận dụng kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt cần phải có sự lưu tâm, học hỏi nhất định đối với cả những quốc gia đang phát triển như Philippines hay các nước Nam Á.

Tăng trưởng xanh: 'Nói hay nhưng phải thực hiện được'
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Trước những đề xuất của các chuyên gia, đại diện nhóm soạn thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, Bộ cũng như ban soạn thảo đều nhận thức được sự cấp thiết của chiến lược tăng trưởng xanh, tuy nhiên “cấp thiết nhưng chúng ta không được vội, nếu vội sẽ ảnh hưởng đến quá trình sau này”.

Giáo dục trong tăng trưởng xanh

Đóng góp ý kiến cho chiến lược tăng trưởng xanh, theo đại diện của UNICEF, chiến lược cần dành sự quan tâm hơn nữa đến một nhóm đối tượng đặc biệt là trẻ em, tức là những “chủ nhân tương lai” của đất nước, của nền kinh tế, xã hội.

Theo đó, giáo dục là một trong những lĩnh vực vô cùng quan trọng trong việc thích ứng, chống chọi với diễn biến của thiên nhiên. “Giáo dục cho trẻ em là đóng góp cho sự thay đổi, để mọi nguồn lực trong xã hội đều được huy động”, đại diện UNICEF lý giải.

Đồng quan điểm với đại diện UNICEF, ông Phạm Văn Sinh, Phó cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, trong buổi làm việc với ban soạn thảo chiến lược trước đó, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã nêu ra đề xuất về việc thực hiện lối sống xanh trong trường học.

Trước đó, năm 2020 Bộ cũng tuyên truyền về việc xây dựng trường học xanh sạch đẹp, an toàn, thân thiện nhưng chưa được cụ thể hóa do nhiều yếu tố liên quan, đặc biệt là vấn đề cơ sở hạ tầng. Ông Sinh mong muốn chiến lược xanh trong giai đoạn tới lưu tâm đến vấn đề này.

Trả lời đề xuất của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Quốc Phương cho biết, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực rất ý nghĩa, tạo ra nguồn lực về con người, qua đó mong Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo đề đưa ra giải pháp giúp thế hệ trẻ có tư duy xanh ngay từ ban đầu.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là vấn đề liên ngành, cần có sự hài hòa và tích hợp với những vấn đề bền vững khác như giới, dân tộc thiểu số để đạt hiệu quả lan tỏa và bao trùm.