Thà không hưởng chính sách còn hơn chịu rắc rối

Phạm Sơn - 20:03, 16/12/2020

TheLEADERNhiều doanh nghiệp đã chọn cách ứng xử như vậy trước những quy định nhận hỗ trợ quá mức ngặt nghèo.

Thà không hưởng chính sách còn hơn chịu rắc rối
Chậm trễ trong việc điều chỉnh các gói hỗ trợ làm bỏ lỡ thời cơ cứu doanh nghiệp. Ảnh: Luật sư Việt Nam.

Trong bối cảnh khủng hoảng đa chiều, bức tranh kinh tế của Việt Nam có phần tươi sáng hơn đa phần thế giới khi vẫn giữ được mức tăng trưởng dương, các hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư cũng nhận được nhiều tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, cơn ác mộng vẫn còn đang tiếp diễn và có thể kéo dài tới tận năm 2021.

TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lý giải, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt nằm ở sự thu hẹp về thị trường, khiến các doanh nghiệp đánh mất đi khách hàng cũ, khó khăn trong tìm kiếm khách hàng mới, gây ảnh hưởng trong suốt thời gian dài.

Hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ trong dài hạn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, nhiều lao động bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề để duy trì sinh kế, gây ra bất ổn xã hội, tổn thương quá trình phục hồi kinh tế.

Vì vậy, các chuyên gia đề xuất, trong thời gian tới, các gói hỗ trợ cần tiếp tục được kéo dài. Bên cạnh đó, hiệu quả thực thi chính sách phục hồi nền kinh tế cũng là yếu tố cần được lưu tâm.

Theo TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đem lại kết quả không đồng đều, trong đó nhóm chính sách giảm lãi vay, gia hạn vay vốn, cho vay không lãi suất để trả lương được đánh giá là khó tiếp cận nhất.

Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ phải gánh chịu những tổn thương nặng nề do yếu kém về nội lực, tài chính lại rất khó đáp ứng các điều kiện hưởng chính sách, cũng không có tiếng nói, không có khả năng “kêu” như các công ty lớn. Các chuyên gia của VCCI đánh giá, đây là một trong những điểm thiếu sót về việc thiết kế chính sách cứu trợ doanh nghiệp.

“Nỗi lòng” của doanh nghiệp

Chủ trương, chính sách đã được Nhà nước đưa ra rồi. Chúng tôi không mong được ban ơn, chỉ mong cơ quan chức năng thực hiện đúng những gì đã được chỉ đạo thôi!
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Thành công trong công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nhưng chính sách phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước còn nhiều bất cập.

Cụ thể, du lịch là lĩnh vực chịu nhiều tổn thất nhất từ Covid-19, tuy nhiên hầu như các doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ, lao động phi chính thức không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ.

Theo ông Bình, nhiều doanh nghiệp làm du lịch chỉ có mỗi tài sản lớn nhất là uy tín và thương hiệu, do dó không thể đáp ứng được điều kiện thế chấp, không vay được nguồn vốn ưu đãi từ phía ngân hàng.

Ông Chu Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, quy định nhận hỗ trợ quá mức ngặt nghèo, khiến doanh nghiệp “thà không hưởng chính sách còn hơn chịu rắc rối”.

Bất cập trong các gói hỗ trợ nhưng việc sửa đổi lại được tiến hành trong thời gian quá lâu, khiến nhiều doanh nghiệp mất đi thời cơ, đành phải cay đắng chấp nhận rời bỏ thị trường.

Ông Cẩm nhận định, doanh nghiệp đóng cửa, lao động nghỉ việc sẽ đặt ra rủi ro lớn cho quá trình phục hồi và phát triển.

Ông Đường Trọng Khang, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng đánh giá, chính sách đưa ra rất nhân văn và kịp thời nhưng doanh nghiệp được hưởng cũng rất hạn chế.

“Chủ trương đến sớm nhưng thực hiện một cách lúng túng, quá chặt chẽ. Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ không có cơ hội đề đạt ý kiến, chỉ có các hiệp hội đề xuất lên sở, ngành nhưng sở ngành cũng chậm trễ trong việc đề xuất lên trên”, ông Khang cho biết.

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất, điều cần phải thực hiện ngay là tạo ra cơ chế thuận lợi hơn cho tất cả các thành phần trong nền kinh tế được hưởng chính sách khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, theo đúng tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo.

Về dài hạn, các phương án hỗ trợ mới có thể cân nhắc tới miễn giảm những khoản thu mang tính chất kết dư như phí công đoàn, bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, các khoản thuế VAT, thuế thu nhập, phí thuê đất cũng cần được giảm trong khoản thời gian từ 3 – 5 năm để doanh nghiệp thực sự ổn định hoạt động.

“Tổng thu ngân sách có thể bị ảnh hưởng vì giảm thu nhưng doanh nghiệp sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển, đảm bảo khôi phục về dài hạn”, ông Khang nhận xét.

Cùng chung quan điểm với phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, ông Cẩm bày tỏ mong muốn Chính phủ mạnh tay hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, bởi “cứu doanh nghiệp là cứu hàng triệu người lao động”.