Leader talk

Thách thức của nhà quản trị doanh nghiệp thời AI và ESG

Trần Thị Thuý Ngọc* Thứ sáu, 11/10/2024 - 09:09

Những bước nhảy vọt về công nghệ, những hệ quả của biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị trên toàn cầu giờ đã thay đổi cách thức quản trị doanh nghiệp của doanh nhân hiện đại.

Doanh nhân trong thời đại nào cũng có những thách thức, trở ngại của riêng mình. Bên cạnh vai trò chủ chốt trong việc gia tăng vị thế, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà lãnh đạo luôn được yêu cầu phải phản ứng nhanh nhạy để bắt kịp với xu hướng phát triển trong nước và quốc tế, không bị bỏ lại phía sau với dòng chảy phát triển của thị trường.

Trong nhiều năm trở lại đây, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và các yếu tố ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) đã chạm tới doanh nghiệp như những xu hướng không thể bỏ lỡ, đồng thời là những câu trả lời tiềm năng cho hàng loạt câu hỏi trên hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Giai đoạn mới với những xu hướng, cơ hội mới được mở ra cũng là lúc những thách thức ập đến. AI và ESG – những xu hướng không thể đảo ngược sẽ tác động thế nào đến công việc của nhà quản trị doanh nghiệp hiện đại?

AI – Hai mặt của nguồn lực trí tuệ

Theo báo cáo “GenAI: Ứng dụng và Quy định tại châu Á – Thái Bình Dương” của Deloitte năm 2024, AI đang được đánh giá cao với nhiều lợi ích như giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian xử lý tác vụ, giảm thiểu độ phức tạp của công việc, thúc đẩy tính sáng tạo và gia tăng niềm tin. Tuy nhiên, đối xứng với những lợi thế này, AI cũng mang đến những vấn đề không mấy dễ chịu.

Thiếu tính minh bạch, phân biệt đối xử và thành kiến, thiếu tính chính xác, các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và bản quyền... AI đặt người sử dụng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào thế cẩn trọng khi vừa phải tận dụng hiệu quả những năng lực vô hạn của công nghệ nhưng cũng phải tỉnh táo, biết cách kiểm soát công cụ này.

Những cải tiến hấp dẫn của ngày hôm qua có thể là những cơn đau đầu của ngày hôm nay. Khi AI xuất hiện và tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ, cả thế giới trở nên sục sôi và hứng khởi về những tiềm năng không giới hạn. Nhưng khi niềm vui chưa kịp đi qua, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đứng trước những câu hỏi về việc quản lý nguồn lực mạnh mẽ này.

Nhìn lại điện toán đám mây, một trong những dấu ấn công nghệ lớn của thời đại trong ít năm trở lại đây. Không ít doanh nghiệp vội vã ký kết các thỏa thuận đám mây từng phần mà bỏ qua việc xây dựng một trung tâm ra quyết định tập trung, chỉ để sau đó nhận ra sự cần thiết của việc xây dựng một cơ sở dữ liệu và kỹ thuật hoàn chỉnh và toàn diện để xử lý đồng bộ. Nếu không có sự thận trọng và cân nhắc thích hợp, việc áp dụng AI có thể đi theo con đường tương tự.

Các cơ hội chiến lược mà AI hay GenAI mang lại đòi hỏi các CEO phải xem xét, đánh giá hệ thống công nghệ thông tin, quản trị rủi ro của tổ chức. Là người đi đầu xu hướng hay kẻ theo sát suýt sao, chính các CEO cần phải quyết định xem liệu AI có cần thiết cho sự đổi mới, tạo ra sự thay đổi trong năng suất lao động hay không, hay liệu họ có nên xây dựng các khả năng AI theo định hướng nào. Với những gì có thể mang lại, triển vọng đáng kinh ngạc và tác động to lớn của AI cần được quản lý với các CEO là nhân tố trung tâm đưa ra các quyết định quan trọng.

Các CEO phải cân nhắc đến tâm lý của nhà đầu tư và có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhóm lãnh đạo điều hành của mình, đặc biệt là Giám đốc Thông tin (Chief Information Officer) và Giám đốc Công nghệ (Chief Technology Officer), nhằm bao quát cả chiến lược công nghệ và các mục tiêu kinh doanh bao trùm.

Bằng cách theo kịp các tiến bộ công nghệ và xu hướng thị trường, các CEO có thể đưa ra quyết định sáng suốt để bảo vệ cơ sở hạ tầng của tổ chức trong tương lai, ví dụ như để tâm đến các công nghệ mới nổi như điện toán biên (edge computing) mang đến những cơ hội mới cho quá trình xử lý AI phi tập trung.

Khó khăn khi thực thi ESG tại Việt Nam

Bà Trần Thị Thuý Ngọc, Phó tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam. Ảnh: Deloitte Việt Nam

Trên thế giới, các quốc gia phát triển đã giới thiệu các chính sách pháp lý về kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh từ cách đây hơn 30 năm. Có xuất phát điểm chậm hơn, Việt Nam và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vô tình đưa các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI đứng trước những thử thách.

Từ kinh nghiệm tư vấn thực tiễn, Deloitte nhận thấy một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi triển khai ESG là trạng thái phụ thuộc vào hướng dẫn từ cơ chế chính sách. Trong đó bản thân việc thực thi, tuân thủ các chính sách phù hợp theo đúng ngành nghề của doanh nghiệp thôi đã là một sự khó khăn.

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI với đặc thù môi trường và thị trường kinh doanh đang là những nhân tố tiên phong trên hành trình chuyển đổi xanh. Xuất phát từ yêu cầu của thị trường, nội tại doanh nghiệp buộc phải tuân theo nếu không sẽ nhanh chóng bị đào thải và loại bỏ.

Song song, các doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu sang các khu vực, quốc gia như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng cần tuân thủ những tiêu chuẩn về sản phẩm, báo cáo phù hợp. Còn lại, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ khi chưa tìm thấy đủ động lực để bứt tốc tới điểm về đích ESG.

Bên cạnh bài toán tài chính muôn thuở, các nhà lãnh đạo đang đứng trước những câu hỏi lớn về nguồn lực con người. Trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự, doanh nghiệp càng cần tìm cách giữ chân, thu hút những ứng viên ưu tú thực sự hiểu mục tiêu, biết phương pháp, giỏi triển khai quy trình phù hợp với định hướng của doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, áp lực của các thách thức này còn gia tăng nhiều lần khi chưa trả lời được những câu hỏi lớn như làm từ đâu, làm như thế nào, tốn bao nhiêu thời gian, tốn bao nhiêu chi phí. Liệu sau khi thực hiện xanh hóa thi giá sản phẩm liệu có còn cạnh tranh được trên thị trường và người sử dụng đã sẵn sàng đón nhận chưa.

Khi doanh nghiệp bắt tay vào làm, điểm đáng lưu tâm là phải chứng minh được rằng doanh nghiệp đang triển khai đúng phương pháp, không tẩy xanh. Trong quá trình này, những nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập những quy chuẩn về chất lượng dữ liệu, phương pháp báo cáo ra sao, trong các tiêu chí cần báo cáo, bao gồm Phạm vi 1,2,3, cần phải được làm rõ để các bộ phận không lúng túng trong quá trình thu thập dữ liệu. Điểm mấu chốt là xây dựng được một chiến lược bài bản, lâu dài để thu thập các dữ liệu được đo lường, có tính kiểm định để bảo đảm cho doanh nghiệp khi tham gia chuỗi kinh tế tuần hoàn.

Khó khăn vẫn còn đó nhưng đây đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp soi chiếu lại mình, xác định những bước đi trong tương lai để không chỉ bảo đảm hành trình của doanh nghiệp mà còn đồng hành với xu thế chung của thị trường. Gia tăng lợi thế cạnh tranh, giá trị cổ tức, lợi nhuận, cải thiện tiền lương của cán bộ công nhân viên là những trái ngọt đang chờ đợi doanh nghiệp phía cuối hành trình, chưa kể đến sức lan tỏa mạnh mẽ tới các bên liên quan, cộng đồng nhờ những đóng góp tích cực về môi trường, xã hội.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, AI và ESG được coi là những vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ, là bản lề mở ra một chương sản xuất kinh doanh, mô hình kinh doanh mới. Khi những tác động của AI và ESG lên công tác quản trị doanh nghiệp đã trở nên rõ ràng và cần được quan tâm một cách đúng mức, doanh nghiệp càng cần ưu tiên những giá trị cốt lõi, xây dựng nội tại vững mạnh trước khi tiếp cận tới những yêu cầu, xu thế mới của thế giới.

Trong hoàn cảnh đó các nhà lãnh đạo, nhà quản trị càng cần phải ghi nhớ và đảm nhiệm tốt vai trò của mình: gây dựng nên tầm nhìn cho doanh nghiệp, biết cách truyền đạt tầm nhìn với các bên liên quan và triển khai những bước đầu tư đúng đắn để thúc đẩy doanh nghiệp tiến tới thành công.

*Bài viết phản ánh quan điểm tác giả Trần Thị Thuý Ngọc, Phó tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam.

'Dầu bôi trơn' cho thực hành ESG trong doanh nghiệp

'Dầu bôi trơn' cho thực hành ESG trong doanh nghiệp

Diễn đàn quản trị -  4 tuần

Người lao động thực hành ESG căn cứ vào cam kết của lãnh đạo và các giải pháp phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Hội đồng quản trị đối mặt thách thức từ ESG và AI

Hội đồng quản trị đối mặt thách thức từ ESG và AI

Diễn đàn quản trị -  1 tháng

Có kiến thức về ESG, trí tuệ nhân tạo (AI) và làm thế nào áp dụng vào doanh nghiệp để đem lại lợi ích cho cổ đông đang trở thành thách thức đối với các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT).

Doanh nghiệp Việt cần một khung quản trị ESG

Doanh nghiệp Việt cần một khung quản trị ESG

Phát triển bền vững -  1 tháng

Khung quản trị hiệu quả là chìa khóa để doanh nghiệp Việt triển khai hiệu quả các giải pháp ESG nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

EVN lỗ 34,2 nghìn tỷ đồng từ kinh doanh điện năm 2023

EVN lỗ 34,2 nghìn tỷ đồng từ kinh doanh điện năm 2023

Tiêu điểm -  18 giờ

Nhờ hai lần tăng giá bán điện, doanh thu bán điện thương phẩm của EVN năm ngoái là 494.359 tỷ đồng, tăng 8,18% so với năm 2022.

Vietjet nhận tàu bay mới mang biểu tượng 50 năm quan hệ Việt – Pháp

Vietjet nhận tàu bay mới mang biểu tượng 50 năm quan hệ Việt – Pháp

Nhịp cầu kinh doanh -  18 giờ

Tàu bay mới của Vietjet mang biểu tượng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp đã về tới TP.HCM sau hành trình cảm xúc.

Thủ tướng: Doanh nghiệp ASEAN cần tự cường và đổi mới sáng tạo

Thủ tướng: Doanh nghiệp ASEAN cần tự cường và đổi mới sáng tạo

Tiêu điểm -  21 giờ

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp ASEAN tiên phong thúc đẩy tự cường, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để vượt qua thách thức toàn cầu.

Sức hút 'thầm lặng' của bất động sản tâm linh

Sức hút 'thầm lặng' của bất động sản tâm linh

Nhịp cầu kinh doanh -  22 giờ

Là một phân khúc mới nhưng bất động sản tâm linh đang cho thấy sức hút mạnh mẽ đối với cả các khách hàng có nhu cầu thực và nhà đầu tư.

Kinh tế tuần hoàn chờ cú huých đảo chiều

Kinh tế tuần hoàn chờ cú huých đảo chiều

Phát triển bền vững -  22 giờ

Một khung chính sách đồng bộ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án, ý tưởng kinh tế tuần hoàn.

Hệ sinh thái bầu Hiển ủng hộ 20 tỷ đồng khắc phục thiệt hại bão lũ

Hệ sinh thái bầu Hiển ủng hộ 20 tỷ đồng khắc phục thiệt hại bão lũ

Nhịp cầu kinh doanh -  22 giờ

T&T, SHB và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của bầu Hiển ủng hộ 20 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại sau bão.

Doanh thu Hòa Phát vượt 4 tỷ USD

Doanh thu Hòa Phát vượt 4 tỷ USD

Doanh nghiệp -  22 giờ

Chín tháng năm 2024, Hòa Phát ghi nhận hơn 105.000 tỷ đồng doanh thu - tương đương hơn 4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.