Thành lập 7 tổ công tác đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP.HCM

Nhật Hạ - 22:15, 18/07/2021

TheLEADERThủ tướng vừa yêu cầu 7 bộ trưởng thành lập ngay tổ công tác đặc biệt tại TP.HCM để hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng chống Covid-19.

Thành lập 7 tổ công tác đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP.HCM
Thủ tướng chỉ đạo thành lập “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 18/7 có văn gửi bộ trưởng của 7 bộ gồm Bộ Quốc phòng; Công thương; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Thông tin và truyền thông; Lao động, thương binh và xã hội.

Để hỗ trợ, phục vụ kịp thời, hiệu quả việc chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Thủ tướng đề nghị 7 bộ trưởng trên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thành lập ngay tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của từng bộ tại TP.HCM.

Theo đó, một thứ trưởng sẽ phụ trách trực tiếp các tổ công tác này để phối hợp với TP.HCM và các địa phương phía Nam, nhất là các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16.

Các tổ công tác chủ động xử lý, giải quyết ngay những vấn đề phát sinh trong phòng chống dịch và vấn đề liên quan; hàng ngày báo cáo bộ trưởng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, kịp thời đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền.

"Đây là nhiệm vụ, công việc rất quan trọng, cấp bách. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng tập trung chỉ đạo thực hiện, sớm phát huy hiệu quả, vai trò của tổ công tác đặc biệt trong công tác phòng chống dịch tại TP.HCM và các địa phương phía Nam", văn bản nêu rõ.

Cùng ngày, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM và các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 cấp bách tổng hợp nhu cầu hỗ trợ nhân lực y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên để phục vụ phòng chống dịch trên địa bàn.

Đối với các tỉnh thành còn lại, khẩn trương tổng hợp khả năng có thể hỗ trợ về nhân lực y tế để phục vụ phòng chống dịch tại các địa phương khác trên cả nước.

Các báo cáo trên cần đưa lên Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước 17h ngày 20/7/2021.

Trước đó, ngày 17/7, Bộ Y tế đã được giao xây dựng kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng khi tình huống xấu hơn; chuẩn bị kỹ phương án ứng phó theo ba cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra là 100.000 ca Covid-19; 200.000 ca và cao nhất 300.000 ca.

Bộ Quốc phòng được giao huy động lực lượng, trong đó có dân quân tự vệ, tham gia đảm bảo vận chuyển lương thực, hàng thiết yếu; xây dựng bệnh viện dã chiến; triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin. Bộ Giao thông vận tải đảm bảo xe vận tải thông suốt giữa các địa phương, có phương án thống nhất kiểm soát người và phương tiện trên địa bàn giãn cách.

Bộ Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm. Các bộ hỗ trợ tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu kiểm soát người từ tỉnh cách ly xã hội đến nơi khác.

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp, 16 tỉnh thành phía Nam sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bắt đầu tư 0h ngày 19/7 gồm TP. Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương đã thực hiện giãn cách trước đó theo Chỉ thị 16.

Các phương án tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa

Để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống ở TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 18/7 đã lập tổ chỉ đạo sản xuất kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại đây.

Quyết định này được đưa ra khi nông sản các tỉnh thành Việt Nam ùn ứ, còn miền Nam đang bị hụt nguồn cung do khó khăn giãn cách.

Theo đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đứng đầu tổ công tác. Nhiệm vụ của tổ là giúp bộ trưởng chỉ đạo sản xuất kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của bộ. Ngoài ra, sẽ phối hợp với các tỉnh thành khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và các địa phương có liên quan thúc đẩy hoạt động sản xuất thu hoạch nông sản đảm bảo nhu cầu tiêu thụ tại các địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách do Covid-19.

Tổ công tác cũng sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ, đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tổ này xây dựng các phương án tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với Covid-19; nghiên cứu, đề xuất báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền.

Thành lập 7 tổ công tác đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP.HCM
Bộ Giao thông vận tải ngày 18/7 đã thành lập 4 tổ kiểm tra về thực hiện “luồng xanh” trong hoạt động vận tải gắn với phòng, chống dịch Covid-19.

Trong mọi tình huống, ngành Công thương và Nông nghiệp sẽ "chịu trách nhiệm trước dân, Chính phủ nếu để đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu". Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong cuộc họp khẩn với các tỉnh phía Nam sáng ngày 18/7.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị TP.HCM cần xác định rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu.

Các bộ phận thống kê được thành lập và hàng ngày gửi thông tin về 2 bộ để cùng nhau xử lý. Theo ông Hoan, các địa phương cần có trách nhiệm với TP.HCM về việc cung ứng lương thực nhưng TP.HCM cũng phải làm rõ nhu cầu của mình vì bây giờ nhiều doanh nghiệp muốn cung ứng cũng không biết chở hàng đến đâu.

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, nhiều siêu thị cam kết giữ giá bình ổn như Central Group, Saigon Coop... Tại hệ thống chợ, giá hàng hóa thiết yếu thường cao hơn giá tại hệ thống siêu thị từ 5% trở lên, tùy mặt hàng và tùy từng địa phương.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay theo phản ánh của một số doanh nghiệp phân phối, việc tăng giá hàng hóa là không mong muốn nhưng vẫn phải điều chỉnh tăng giá cả một số mặt hàng do chi phí và thời gian vận chuyển tăng, giá xăng tăng và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống cao hơn, chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho nhân viên khi di chuyển giữa các tỉnh thành, chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên…

"Khi áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố từ 0h ngày mai (19/7) nếu không có biện pháp quyết liệt thì rất gay go", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá.

TP.HCM đang dừng hoạt động khoảng hai phần ba chợ truyền thống và đầu mối, 30% nhu cầu còn lại của người dân tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại. Do đó, Bộ Công thương cho biết sẽ tăng giờ bán lên hằng ngày và tính đến việc mở lại một số chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm quy định phòng, chống dịch để tăng đầu mối cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu.

Theo Sở Công thương TP.HCM, dù hệ thống bán lẻ hiện đại đã tăng nguồn cung hàng hóa lên gấp 3 lần bình thường nhưng việc cung ứng thực phẩm cho thành phố vẫn gặp khó do 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn tạm ngưng hoạt động. Hiện thành phố đang thiếu khoảng 1.000 tấn rau củ quả mỗi ngày.

Ngày 17/7, Sở Công thương TP.HCM đã có văn bản về việc bố trí địa điểm và chuẩn bị tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn gửi đến UBND huyện Hóc Môn và chợ đầu mối Hóc Môn.

Như vậy, sau khi điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời tại chợ đầu mối Thủ Đức đưa vào hoạt động nhiều ngày qua, đến nay cơ quan chức năng đề nghị thực hiện mô hình này tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Bên cạnh đó, tuần sau sẽ có 13 chợ truyền thống tại TP.HCM bị tạm ngưng hoạt động tại nhiều quận, huyện được tổ chức mở bán thí điểm các mặt hàng tươi sống. Theo Sở Công thương TP.HCM, để được bán lại, các chợ này phải lên phương án tổ chức hoạt động và tiểu thương có kết quả xét nghiệm âm tính.

13 chợ truyền thống này gồm quận Bình Tân (có chợ Kiến Thành); quận 5 (chợ Xã Tây); quận 6 (chợ Phú Định, Minh Phụng); quận 8 (chợ Phú Lợi 1, Phú Định); quận 10 (chợ Nhật Tảo); huyện Bình Chánh (chợ Bà Lát, Vĩnh Lộc A); huyện Hóc Môn (chợ Hóc Môn); huyện Nhà Bè (chợ Cầu Kinh, chợ Ấp 3).

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án miễn “giấy thông hành” cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu dễ nhận diện như xe chở rau quả, thực phẩm tươi và chỉ di chuyển trong nội vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Người dân Hà Nội chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết

Chiều ngày 18/7, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành công điện khẩn về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 sau khi ghi nhận 167 ca từ ngày 5/7 đến nay và riêng hôm nay có 42 ca.

Theo đó, người dân được yêu cầu ở tại nhà và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, không tụ tập quá 5 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, từ 0h ngày 19/7.

Tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phải dừng; các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang về. Cơ quan, công sở xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc, sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công.

Chính quyền cũng hạn chế tối đa việc di chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại. Các xe khách từ tỉnh khác được phép đi qua Hà Nội, nhưng không được dừng đón, trả khách trên địa bàn.

Lái xe và người trên xe phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR không quá 3 ngày; có cam kết chỉ dừng đỗ và hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp khi giao hàng, tiếp nhiên liệu.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 50.150 ca, ghi nhận ở 58 tỉnh thành. Riêng ngày 18/7, Việt Nam ghi nhận 5.926 ca, gồm 39 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 5.887 ca ghi nhận tại 33 tỉnh thành, chủ yêu ở TP.HCM với 4.692 ca.