Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh

Nhật Hạ - 11:47, 06/09/2022

TheLEADERĐây là tổ chức phối hợp liên ngành có nhiệm vụ đôn đốc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và thực hiện các nhiệm vụ khác về tăng trưởng xanh do Thủ tướng giao.

Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh
Phó thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: Đức Tuân

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh. Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng ban chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư làm phó trưởng ban. 

Đây là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng ký ban hành vào tháng 10/2021.

Đồng thời, ban chỉ đạo giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều hòa hoạt động giữa cơ quan chức năng trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh; giúp Thủ tướng đôn đốc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và thực hiện các nhiệm vụ khác về tăng trưởng xanh do Thủ tướng giao.

Theo quyết định của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và đầu tư là cơ quan thường trực ban chỉ đạo. 

Các ủy viên bao gồm lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Về nội dung của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn mới, có 4 nội dung quan trọng được nhấn mạnh gồm: Giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Đối với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chiến lược đặt ra đến năm 2030 sẽ giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% so với năm 2014, đến năm 2050 giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Thực hiện các mục tiêu xanh hóa ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và xanh hóa quá trình chuyển đổi, một loạt giải pháp khả thi cũng được chiến lược nhấn mạnh, bao gồm giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP bình quân; tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng nguồn cung sơ cấp; nâng cao tỷ lệ kinh tế số trên GDP, tỷ lệ mua sắm công xanh…

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó, Ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân.