Tháo “vòng kim cô” cho đất Chín Rồng

Phạm Sơn - 08:00, 26/01/2023

TheLEADERHột lúa, từ “hạt ngọc trời” rất đỗi thân thương, trân quý, chính bởi tư duy ấy, lại trở thành cái “vòng kim cô” kìm hãm sinh kế người nông dân trên đất Chín Rồng.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Từ nỗi đau miền Tây…

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi dòng Mê Kông huyền thoại tách 9 nhánh chảy ra biển. Được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ, cộng thêm khí hậu thuận lợi, miền Tây trở thành biểu tượng của sự trù phú, ấm no.

Trong ký ức của nhiều người con đất Chín Rồng, nơi này còn được gọi là vùng “trên cơm dưới cá”. Độ ấy, bà con trồng lúa một vụ, đợi đến mùa nước lên lại đánh cá, nhất là năm Thìn, bởi “năm Thìn nước lớn” đã trở thành quy luật. Những cá linh, cá rô, cá lóc đồng, bên cạnh hột gạo, trở thành đặc sản vùng sông nước đi sâu vào tâm tưởng nhiều thế hệ.

Nhưng đó chỉ là chuyện ngày xưa. Năm Thìn 1988, lũ lớn chẳng còn thấy đâu nữa. Đến nay, lưu lượng nước mỗi mùa mưa cũng ngày càng giảm đi. Bà con miền Tây, từ lo lắng về lũ lụt, nay lại trông ngóng nước về, kéo theo biết bao sản vật quý.

Kể từ những năm 1960, “con rồng” Ba Thắc bắt đầu hình thành những cồn cát. Dần dần, sức nước yếu đi, dòng Ba Thắc bị bồi lắng và biến mất. Một minh chứng “nhãn tiền” cho biến đổi khí hậu.

Càng ngày, những hệ lụy từ biến đổi khí hậu càng trở nên rõ rệt. Đó là những đợt hạn mặn kéo dài, những lần xâm nhập mặn diễn ra ngay cả trong mùa mưa. Rồi nước biển dâng, sạt lở đất… khiến canh tác nông nghiệp ngày càng trở nên khó khăn.

Đến những năm 2000, dòng Ba Lai cũng không còn chảy nữa. Tuy nhiên, nếu dòng Ba Thắc cạn do chế độ nước thay đổi thì sự biến mất của “con rồng” Ba Lai lại do can thiệp từ phía con người. Một sự can thiệp có phần thô bạo.

Khởi công từ đầu năm 2000 và chính thức đi vào hoạt động năm 2002, cống đập Ba Lai – “nhát dao” cắt đứt dòng chảy Ba Lai – được xây dựng nhằm mục đích ngăn mặn, duy trì diện tích trồng lúa. Tư duy coi an ninh lúa gạo là an ninh lương thực khiến bà con miền Tây được khuyến khích trồng lúa và phải cố gắng duy trì diện tích trồng lúa, thay vì nuôi tôm, nuôi cá, trồng cây ăn trái.

Hột lúa, từ “hạt ngọc trời” rất đỗi thân thương, trân quý, chính bởi tư duy ấy, lại trở thành cái “vòng kim cô” kìm hãm sinh kế người nông dân.

Biến đổi khí hậu cùng “vòng kim cô” lúa gạo đã khiến miền Tây rơi vào vòng xoáy của suy thoái. Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, trù phú xưa kia nay lại trở thành “vùng trũng”. Trũng của giáo dục, y tế, của đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, logistics. Miền Tây đối diện với những nỗi đau.

Bà con luẩn quẩn trong cái nghèo, ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng chẳng dành dụm được đồng nào. Rồi phong trào “đi Bình Dương” nổi lên cùng với tiến trình công nghiệp hóa. Thanh niên rời đồng ruộng để đi các khu công nghiệp miền Đông tìm kiếm cơ hội sinh kế, để lại làng quê chỉ còn cụ già và sắp nhỏ.

…tới những quyết sách “thuận thiên”

Cuối tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ đương thời là ông Nguyễn Xuân Phúc, đã có chuyến thị sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng máy bay trực thăng. Từ trên cao nhìn xuống, người đứng đầu Chính phủ cảm nhận được những tác động của biến đổi khí hậu tới vùng đất vốn có tiếng trù phú, màu mỡ này.

Tháo “vòng kim cô” cho đất Chín Rồng
Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc thị sát các tỉnh thành ĐBSCL bằng máy bay trực thăng. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngay sau chuyến thị sát là phiên toàn thể của Hội nghị “Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, được coi là “hội nghị Diên Hồng” để bàn phương hướng phát triển mới cho đất Chín Rồng.

Thấu hiểu sâu sắc những “nỗi đau” miền Tây đang gánh chịu, Thủ tướng đề nghị một hội nghị “nói thẳng, nói thật”. Trên tinh thần ấy, các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành đã chỉ ra nhiều điều bất cập.

GS. Trần Thục, chuyên gia về biến đổi khí hậu, thẳng thắn nêu quan điểm về những dự án không phát huy hiệu quả. Điển hình như dự án đê bao Ô Môn – Xà No, tiêu tốn hết hàng trăm triệu USD, chưa biết bảo vệ được bao nhiêu diện tích lúa nhưng lại đẩy ngập lụt sang thành phố Cần Thơ.

GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ, cũng trình bày với Thủ tướng rằng ở những vùng mặn, bắt người dân trồng lúa mà không cho họ nuôi tôm, nuôi cá sinh lời, chính là đang “cãi trời”, là không “thuận thiên”.

Vị giáo sư “cây lúa” cho rằng, Việt Nam không chỉ đảm bảo được lương thực tiêu dùng trong nước mà còn dư ra để xuất khẩu. Như vậy, nông nghiệp cũng như an ninh lương thực không cần phải cứ bám vào lúa gạo.

Tháo “vòng kim cô” cho đất Chín Rồng 1
GS. Võ Tòng Xuân trò chuyện với nông dân tại Đồng Tháp. Ảnh: Tạp chí Nông thôn Việt

Các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra nhận định, nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của miền Tây. Tuy nhiên, phát triển ngành mũi nhọn này, cần tuyệt đối tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên. Đồng thời cần phải tận dụng cả nước mặn, nước lợ thay vì xem nước mặn là “kẻ thù”.

Thực tế, trong khi Chính phủ nỗ lực ngăn mặn, một bộ phận bà con lại đang “khát mặn”. Điển hình như khi xây dựng cống đập Ba Lai, người dân bên bờ Bình Đại phải vay tiền mua máy bơm dẫn nước hay thậm chí là khoan giếng để lấy nước mặn nuôi tôm.

Những đánh giá thẳng thắn, cương trực ấy đã tạo tiền đề cho Nghị quyết 120-NQ/CP về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 nhấn mạnh yếu tố “thuận thiên”, tức là “tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn…”.

Với mô hình điển hình là lúa – tôm, tận dụng chế độ nước mặn, ngọt 2 mùa để phát triển kinh tế, “thuận thiên” mở đường cho người nông dân lựa chọn nuôi tôm, nuôi cá, trồng cây ăn trái thay vì bó hẹp vào cây lúa.

Song song với đó, hoạt động đầu tư hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ cũng được hướng tới nương theo tự nhiên, tận dụng lợi thế nhưng không làm tổn hại tới thiên nhiên.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, đầu năm 2022, Quy hoạch tổng thể vùng đầu tiên dành cho Đồng bằng sông Cửu Long được ban hành, tiếp tục làm rõ quan điểm “thuận thiên”.

Dựa trên quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch miền Tây nhấn mạnh tận dụng lợi thế từ tài nguyên nước bao gồm cả nước mặn, nước lợ. Thay vì can thiệp thô bạo để ngăn mặn, rửa mặn, nước mặn và nước lợ được đưa thành đầu vào cho sản xuất.

Quy hoạch cũng vạch rõ phát triển nông nghiệp theo hướng thủy sản – trái cây – lúa gạo, giảm tỷ trọng lúa gạo, tăng tỷ trọng trái cây và thủy sản. Quy hoạch chia Đồng bằng sông Cửu Long thành 3 tiểu vùng sinh thái, định hướng phát triển kinh tế cho từng tiểu vùng phù hợp.

Nội hàm “không can thiệp thô bạo vào tự nhiên” được mở rộng là không phát triển những ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Công nghiệp sau thu hoạch, chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn được xác định là hướng đi cho ngành công nghiệp miền Tây.

Với quyết sách “thuận thiên”, Đồng bằng sông Cửu Long đang gỡ bỏ những nút thắt, từng bước lột xác với diện mạo mới: phát triển trên nền tảng bền vững, hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, với môi trường, thiên nhiên.

Đi vào đời sống

Đối với Chính phủ, “thuận thiên” là quan điểm chỉ đạo mới cho Đồng bằng sông Cửu Long. Còn đối với bà con nông dân, “thuận thiên” lại là lẽ sống còn, bởi bà con là những người thấu hiểu rõ nhất những “nỗi đau” gây ra bởi “cãi trời”.

Xuất hiện từ năm 2001, mô hình “con tôm ôm cây lúa” ở Bạc Liêu từ manh mún, nhỏ lẻ với chỉ khoảng chưa đến 6 nghìn héc ta, đến nay đã đạt đến con số 40 nghìn héc ta, chiếm khoảng 1/3 diện tích nuôi tôm của tỉnh.

Được “hà hơi tiếp sức” từ chính quyền địa phương cùng với sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, bà con từng bước nâng cao hiệu quả canh tác lúa – tôm. Thu nhập bà con được cải thiện. Ngày ngày, tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười nói rôm rả làm bừng lên sức sống của vùng quê, nơi mà chỉ mấy năm trước, người dân vẫn còn đang nhìn nhau buồn rười rượi vì nỗi lo “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.

Tháo “vòng kim cô” cho đất Chín Rồng 2
Lúc tôm. Ảnh: Thanh Niên

Tại huyện ven biển Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, những năm về trước, nuôi tôm là một canh bạc. Thả tôm giống xuống ao nuôi, đến kỳ thu hoạch được bao nhiêu thì… hên xui, có khi chỉ còn 10 – 15% tôm còn sống.

Giờ đây, bà con nông dân đã có được những con tôm khỏe, sản lượng và chất lượng đều cao, nhờ phát triển hình thức nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn. Mô hình này không tiêu tốn nhiều chi phí đầu tư, lại đem về lãi lớn, giúp đời sống người dân thêm phần ấm no.

Mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn còn được một số nông hộ sáng tạo kết hợp với cả du lịch, điển hình như lão nông Lê Minh Nguyện với vườn sinh thái rộng khoảng 4 héc ta vừa nuôi tôm, vừa mở cho du khách tham quan, trải nghiệm.

Tỉnh Đồng Tháp, thuộc vùng sinh thái nước ngọt, do đó cây lúa vẫn là trọng điểm. Từ khoảng 6 năm trước, hình thức bón lót cho cây lúa được khởi xướng bởi GS. Võ Tòng Xuân và được khuyến khích bởi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (khi đó là Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp).

Nông dân Huỳnh Văn Kham ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, là một trong những người tiên phong thử nghiệm giải pháp bón lót, tức là vùi phân lân vào đất trước khi gieo sạ lúa. Lúa của ông Kham từ đó trở nên khỏe hơn, cho năng suất cao hơn dù chỉ tốn khoảng 40% lượng phân bón so với thông thường. Bên cạnh đó, hình thức này còn giúp hạn chế lượng khí thải metan sinh ra bởi phân bón tiếp xúc với nước và không khí.

Nhờ tấm gương thành công của ông Kham, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang hình thức bón lót. Tính đến năm 2020, toàn huyện Tháp Mười đã có hơn 15 nghìn héc ta lúa bón lót, gấp hàng trăm lần so với con số 20 héc ta thời gian đầu thử nghiệm.

Ngoài chuyển đổi hình thức canh tác, bà con miền Tây cũng phát triển thêm loại hình sinh kế mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nổi bật trong đó phải kể đến ông Dương Văn Tạo ở huyện Trà Cú, tình Trà Vinh, người được trao danh hiệu “nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020. Từ suy nghĩ “nông dân nếu chỉ làm một nghề sẽ không khá lên được”, ông Tạo tận dụng rơm rạ để trồng nấm, trồng dừa, nuôi bò, thu lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Tại Bến Tre, Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre là đơn vị tiên phong áp dụng kinh tế tuần hoàn cho trái bưởi. Sản phẩm cho ra là những quả bưởi thơm, ngon, sạch, quá trình canh tác lại không gây hại tới môi trường. Mới đây, lô bưởi da xanh Bến Tre đầu tiên đã được xuất khẩu sang Mỹ, thị trường có tiêu chuẩn khắt khe bậc nhất thế giới.

Trong những bước chuyển đổi theo hướng “thuận thiên” ở Đồng bằng sông Cửu Long, dấu ấn của cộng đồng doanh nghiệp cũng được ghi đậm.

Khi những thương hiệu “cơm Việt Nam Rice” chính thức lên kệ những hệ thống siêu thị châu Âu, doanh nhân Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, người con mảnh đất An Giang, đã thốt lên: “Gạo Việt Nam không còn vô danh nữa”.

Tập đoàn Lộc Trời là ngọn cờ tiên phong trong việc canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Kết hợp tinh túy quê hương với khoa học công nghệ, ông Thòn đã thành công khẳng định với thị trường quốc tế về một nền nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Một doanh nhân cũng xuất thân từ miền Tây là ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An. Ông Huy nổi tiếng với biệt danh “vua chuối”, xuất phát từ thương hiệu chuối Fohla. Sở hữu hơn 1 nghìn héc-ta chuối được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, Huy Long An không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn tạo sinh kế bền vững cho bà con.

Năm 2017, ngành chuối điêu đứng vì Trung Quốc đột nhiên ngừng nhập khẩu, doanh nghiệp của ông Huy vẫn sống tốt nhờ quả chuối đạt chất lượng cao, xuất khẩu sang Nhật.

Trong lĩnh vực thủy sản, những cái tên như Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh, Minh Phú của vợ chồng ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình từ lâu đã gắn liền với con cá, con tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Góp công lớn đưa thủy sản miền Tây sang Mỹ, Nhật, châu Âu, Vĩnh Hoàn và Minh Phú cũng tiên phong áp dụng kinh tế tuần hoàn chế biến phụ phẩm của thủy sản thành những sản phẩm có giá trị cao cho ngành dược, mỹ phẩm.

Diện mạo mới

Dịp lễ 30/4 vừa qua, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chính thức được thông xe, sau 13 năm triển khai xây dựng. Chứng kiến những chiếc xe lăn bánh trên đường cao tốc mới, có lẽ hân hoan nhất là những người con miền Tây xa quê. Giờ đây, đường về quê hương có lẽ đã phần nào nhanh hơn, bớt kẹt xe hơn trước.

Và hân hoan hơn nữa khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến năm 2030 sẽ có khoảng 830 km đường cao tốc và 4 nghìn km đường quốc lộ được nâng cấp và xây mới. Bên cạnh đó, 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa cũng được nâng cấp và bổ sung, giúp hạ tầng giao thông miền Tây trở nên thuận lợi.

Hạ tầng thủy lợi được chú trọng xây dựng trên tinh thần “chuyển từ đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu về nước”. Sẽ không còn những công trình cắt phăng dòng sông một cách thô bạo, thay vào đó là thủy lợi thuận với tự nhiên, vừa phòng chống thiên tai, vừa đảm bảo nước cho tưới tiêu, nuôi trồng và sinh hoạt.

Bên cạnh đó, hạ tầng giáo dục cũng được chú trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần tập trung đầu tư toàn diện cho giáo dục để nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng nhân lực.

Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói về Đồng bằng sông Cửu Long: “Phải tập trung đầu tư, bù lại cho cả giai đoạn đầu tư nhỏ giọt trước đây, đầu tư kịp thời cho ba mũi đột phá về hạ tầng giao thông, về thủy lợi và về dân trí”!

Lời dặn ấy, đến nay đang được hiện thực hóa, cùng với quyết sách “thuận thiên”, mở ra một diện mạo mới cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là một vùng đồng bằng phát triển hài hòa với thiên nhiên và văn hóa, lấy con người làm trung tâm. Một vùng đồng bằng đáng sống.