Sinh kế và nông nghiệp trước biến đổi khí hậu

Phạm Sơn - 08:02, 31/10/2022

TheLEADERBiến đổi khí hậu tạo ra nhiều tác động tới khu vực nông nghiệp cũng như lựa chọn sinh kế của người dân, theo một số nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo quốc tế dành cho các nhà khoa học trẻ khối trường kinh tế và kinh doanh 2022.

Trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19, nông nghiệp thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu, trụ đỡ này lại là khu vực chịu tác động nặng nề nhất.

Nghiên cứu Tác động của các yếu tố biến đổi khí đến giá trị nông nghiệp tại Việt Nam của nhóm tác giả Đào Lê Trang Anh đến từ Đại học RMIT Việt Nam và tác giả Nguyễn Thị Tú Anh đến từ Học viện Ngân hàng, chỉ ra, nhiệt độ tăng cao làm giảm giá trị đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP. Đây là một minh chứng cho thấy tác động tiêu cực của sự nóng lên toàn cầu đối với nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam.

Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu đề xuất, Việt Nam cần thực hiện nhiều hơn nữa những chiến lược vĩ mô chống chịu biến đổi khí hậu để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, duy trì an ninh lương thực quốc gia trong dài hạn, có thể kể đến như trồng thêm cây xanh, tạo môi trường sống xanh, đảm bảo đa dạng sinh học..

Mặt khác, cũng cần có những giải pháp để đảm bảo sản lượng nông nghiệp trước biến đổi khí hậu, thông qua việc hướng dẫn nông dân canh tác chuyên nghiệp hơn, ứng dụng cây trồng có khả năng chống chịu tốt trước biến động khí hậu.

Một phát hiện đáng chú ý khác của nghiên cứu là đất đai và phân bón có mối tương quan thuận chiều với đóng góp của nông nghiệp vào GDP. Do đó, bón phân an toàn, đảm bảo chất lượng với liều lượng thích hợp là rất quan trọng để đạt được năng suất cây trồng và giá trị kinh tế cao hơn cho nông nghiệp quốc gia.

Không chỉ tác động tới giá trị ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu làm thay đổi lựa chọn sinh kế tại khu vực nông thôn, theo nghiên cứu Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến lựa chọn sinh kế tại các vùng nông thôn Việt Nam giai đoạn 2008 – 2018 của nhóm tác giả Huỳnh Ngọc Chương, Trần Thị Lộc, Trần Lục Thanh Tuyền, Bùi Hồng Ngọc đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người dân thường dịch chuyển ra khỏi khu vực sinh kế nông nghiệp trước tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó việc chuyển từ canh tác nông nghiệp sang di cư tới những nơi khác để làm công ăn lương, hay còn gọi là “đi Bình Dương”, đã trở thành hình mẫu thay đổi sinh kế phổ biển.

Theo ghi nhận của tác giả Huỳnh Ngọc Chương, miền Tây dường như đang thiếu hụt lao động trẻ do một bộ phận không nhỏ người trẻ di cư sang địa phương khác.

Phát hiện này tương đồng với nhận định của báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long khi chỉ ra việc miền Tây đang trở thành “vùng trũng” của dân số. Có thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, dân số miền Tây còn tăng trưởng âm.

Một báo cáo năm 2021 của WB cũng chỉ ra, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành điểm nóng về di cư do biến đổi khí hậu vào năm 2050 do sự suy giảm nguồn nước ngọt, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và canh tác nông nghiệp giảm năng suất.

Tuy nhiên, theo nhóm tác giả trường Đại học Kinh tế - Luật, trước tác động của biến đổi khí hậu, những nông hộ có vốn vật chất cao, tức là sở hữu diện tích đất nông nghiệp rộng, thường sẽ ít lựa chọn thay đổi sinh kế hơn. Bên cạnh đó, vốn xã hội, bao gồm dân cư, tập quán, văn hóa bản địa cũng giúp bà con nông dân tăng cường khả năng chống chịu. Đây là những phát hiện quan trọng để định hướng chính sách bảo vệ sinh kế người dân trước biến đổi khí hậu tại miền Tây.