Thêm 6 tập đoàn lớn của Hàn Quốc sắp tăng đầu tư vào Việt Nam

Nhật Hạ - 15:24, 03/07/2024

TheLEADERSáu tập đoàn lớn gồm CJ, Posco, LG, Daewoo E&C, GS Engineering & Construction Corp, Celltrion và ngân hàng KDB lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực chiến lược như thực phẩm, logistics, năng lượng sạch, công nghệ cao và dược phẩm sinh học.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đến Hàn Quốc, sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp các lãnh đạo của sáu tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc gồm LG, Posco, CJ, Daewoo E&C, GS Engineering & Construction Corp, Celltrion và ngân hàng KDB.

Lãnh đạo các tập đoàn này đều bày tỏ niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương. Họ đánh giá cao môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng được cải thiện tại Việt Nam.

Sáu tập đoàn đều đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam và Thủ tướng đã khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ. 

Như TheLEAER đã đưa tin, bên cạnh sáu tập đoàn này, một số tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc đã bày tỏ trước Thủ tướng về kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Samsung.

LG Display tăng gấp đôi công suất sản xuất tại Việt Nam

Ông Cheoldong Jeong, Giám đốc điều hành của LG Display khẳng định Việt Nam là địa điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu của LG.

Ông cho biết tập đoàn có kế hoạch mở rộng đầu tư giai đoạn tới, trong đó có nhà máy LG Innotek tại Hải Phòng khi hoàn thành sẽ tăng gấp đôi công suất, hình thành tổ hợp sản xuất LG khép kín.

Được biết, LG, thành lập từ năm 1947, là một tập đoàn công nghiệp đa quốc gia của Hàn Quốc, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực hàng điện tử, hóa chất, truyền thông và dịch vụ. Tập đoàn có hơn 270.000 nhân viên và doanh thu vào năm 2023 khoảng 137 tỷ USD.

LG hiện có tổng vốn đầu tư đăng ký 8,02 tỷ USD tại Việt Nam, đã giải ngân hơn 5 tỷ USD. Doanh thu ước tính năm ngoái đạt 13,97 tỷ USD. Các dự án của LG đều đặt tại Hải Phòng. LG cũng đang vận hành trung tâm R&D tại Hà Nội và Đà Nẵng với hơn 1.000 nhân lực.

Sáu tập đoàn lớn Hàn Quốc sắp tăng đầu tư vào Việt Nam
Thủ tướng tiếp ông Cheoldong Jeong, Giám đốc điều hành LG Display. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng mong muốn LG tiếp tục mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực thế mạnh theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Ông cũng đề nghị LG tăng tỷ lệ nội địa hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng; tham gia an sinh xã hội, đóng góp vào chính sách và xây dựng thêm trung tâm nghiên cứu.

Theo đó, coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng trong chiến lược toàn cầu của LG về sản xuất, nghiên cứu - phát triển sản phẩm chủ lực ra thế giới, với kinh tế số, xanh, tuần hoàn, chia sẻ.

Về thuế tối thiểu toàn cầu, ông cho biết hiện các cơ quan xây dựng nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư để đảm bảo môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn.

Posco muốn đầu tư năng lượng sạch và đất hiếm tại Việt Nam

Ông Chang In Hwa, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Posco cho biết đã quan tâm đến lĩnh vực năng lượng sạch, nhiệt điện khí và mong muốn tham gia vào việc khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam.

Họ cũng đề nghị chuyển đổi cảng chuyên dụng của Posco tại Bà Rịa-Vũng Tàu thành cảng thương mại.

Posco, với doanh thu năm 2023 đạt 59 tỷ USD và lợi nhuận 2,7 tỷ USD, là một trong những nhà sản xuất thép cạnh tranh nhất thế giới trong suốt 14 năm liên tiếp.

Tập đoàn đã thành lập 4 chi nhánh về thép tại Việt Nam, đầu tư 1,8 tỷ USD.

Năm 2023, doanh thu của Posco tại Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD với sản lượng thép là khoảng 1,8 triệu tấn/năm và hơn 2.100 nhân viên.

Sáu tập đoàn lớn Hàn Quốc sắp tăng đầu tư vào Việt Nam 1
Thủ tướng tiếp ông Chang In Hwa, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Posco. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng hoan nghênh việc Posco mở rộng đầu tư và hoạt động tại Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.

Về kiến nghị của Posco, Thủ tướng cho biết Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trong lĩnh vực đất hiếm theo hướng công nghệ cao và khai thác bền vững, chế biến sâu, bảo vệ môi trường.

Ông cũng đề nghị Posco nghiên cứu tham gia các dự án nhiệt điện LNG ở Thanh Hóa, Nghệ An.

Về việc chuyển đổi cảng chuyên dụng, theo Thủ tướng, Posco nên nêu ra các đề xuất cụ thể với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xem xét và giải quyết trên cơ sở quy hoạch và các quy định hiện hành, hai bên cùng có lợi, bảo vệ môi trường.

CJ mở rộng đầu tư thực phẩm, logistics tại Việt Nam

Ông Sohn Kyung Sik, Chủ tịch của Tập đoàn CJ cho biết muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như thực phẩm chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu như chả giò và tôm chế biến, đồng thời thúc đẩy văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới và phát triển các lĩnh vực logistics, công nghiệp văn hóa.

Ông cũng đưa ra một số đề xuất liên quan đến hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), thuế trong lĩnh vực chăn nuôi và thủ tục hành chính.

Được biết, CJ là một tập đoàn đa quốc gia, được thành lập vào năm 1953 tại Hàn Quốc và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, công nghệ sinh học, hậu cần trong bán lẻ và văn hóa.

CJ hiện đã đầu tư tại 25 quốc gia và có hơn 80.000 nhân viên trên toàn thế giới, với doanh thu vào năm 2023 khoảng 31 tỷ USD.

CJ đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1998 với tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, hiện tại có 24 công ty thành viên và doanh thu đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2023, với hơn 11.000 nhân viên.

Sáu tập đoàn lớn Hàn Quốc sắp tăng đầu tư vào Việt Nam 2
Thủ tướng tiếp ông Sohn Kyung Sik, Chủ tịch Tập đoàn CJ. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập đoàn này tiếp tục mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực chất lượng cao, coi Việt Nam là thị trường chiến lược và cùng đạt thành công với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thực phẩm theo hướng giảm phát thải và sử dụng công nghệ cao, cũng như trong lĩnh vực logistics, dịch vụ giải trí, văn hóa và công nghệ sinh học.

Ông cũng cho biết các cơ quan chính quyền sẽ nghiên cứu và tiếp thu các góp ý của CJ để hoàn thiện chính sách, khi ban hành chính sách mới sẽ có điều khoản chuyển tiếp đảm bảo cho doanh nghiệp không bị ảnh hưởng và bảo vệ sản xuất trong nước.

Daewoo E&C mở rộng đầu tư năng lượng và đô thị tại Việt Nam

Ông Jung Won ju, Chủ tịch Tập đoàn Daewoo E&C và là Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng nhà ở Hàn Quốc cho biết Daewoo E&C mong muốn tham gia đầu tư vào các dự án năng lượng, nhà máy điện, khu công nghiệp và hạ tầng tại Việt Nam như nhiệt điện Ô Môn số 3 và số 4, khí LNG Hải Lăng, khí LNG Long An.

Tập đoàn cũng muốn phát triển mô hình thành phố thông minh tại khu đô thị Starlake, các dự án khu đô thị mới tại Thái Bình và các địa phương khác.

Đồng thời, Daewoo E&C cũng đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội và thiện nguyện tại Việt Nam, xây dựng các ngôi chùa Việt Nam tại Hàn Quốc.

Thành lập từ năm 1973, Daewoo E&C là công ty đa quốc gia, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Doanh thu năm ngoái đạt 8,4 tỷ USD, đã đầu tư tại 50 quốc gia.

Công ty Daewoo E&C Vina được thành lập tại Việt Nam vào năm 2017 với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, kinh doanh khu đô thị với dự án nổi bật là Starlake City Tây Hồ Tây.

Sáu tập đoàn lớn Hàn Quốc sắp tăng đầu tư vào Việt Nam 3
Thủ tướng tiếp ông Jung Won ju, Chủ tịch Tập đoàn Daewoo E&C, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng nhà ở Hàn Quốc. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng việc phát triển các khu đô thị mới và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa là một chiến lược lâu dài của Việt Nam.

Ông cho rằng sự lựa chọn của Daewoo E&C đầu tư vào khu đô thị Thái Bình là một quyết định đúng đắn, nhấn mạnh vào hệ thống hạ tầng đang được hoàn thiện nhanh chóng và mật độ dân số đông của tỉnh; tranh thủ giá thành nguyên vật liệu xây dựng đang ở mức rất hợp lý, đồng thời thúc đẩy dự án theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường để hạn chế phát thải.

Thủ tướng đề nghị tập đoàn tham gia tích cực vào chương trình xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát tại Việt Nam, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.

GS E&C đề xuất phát triển khu đô thị thông minh Nhà Bè

Ông Huh Yoon Hong, Chủ tịch Tập đoàn GS Engineering & Construction Corp (GS E&C) đề nghị hợp tác hỗ trợ phát triển khu đô thị mới Nhà Bè trở thành khu đô thị thông minh, tập trung vào khu công nghệ thông tin dành cho thiết kế chất bán dẫn và khởi nghiệp công nghệ cao.

Được thành lập vào năm 1969, GS E&C chuyên về đầu tư và xây dựng các khu đô thị mới, hạ tầng dân dụng, nhà máy lọc hóa dầu, bệnh viện, trường học, và các công trình xử lý môi trường. 

GS E&C đã giữ vững vị trí thứ 22 trong danh sách 250 công ty xây dựng hàng đầu thế giới trong suốt một thập kỷ qua và duy trì chỉ số phát triển bền vững Down Jones trong 11 năm liên tiếp.

Tại Việt Nam, GS E&C đã tham gia nhiều dự án lớn như Khu đô thị mới Nhà Bè tại TP.HCM, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. 

Sáu tập đoàn lớn Hàn Quốc sắp tăng đầu tư vào Việt Nam 4
Thủ tướng tiếp ông Huh Yoon Hong, Chủ tịch tập đoàn GS Engineering & Construction Corp. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết ông ủng hộ kế hoạch phát triển Khu đô thị Nhà Bè "4 trong 1", bao gồm đô thị, công nghiệp, công nghệ cao và thương mại. Ông đề nghị GS E&C phối hợp chặt chẽ với chính quyền TP.HCM và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Celltrion: Tiềm năng phát triển ngành dược phẩm Việt Nam

Ông Hyoung Ki Kim, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Celltrion Inc cho biết tập đoàn đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để thành lập công ty nhập khẩu và phân phối dược phẩm sinh học tại Hà Nội và sẽ hỗ trợ Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) thông qua chuyển giao công nghệ và tiếp thị sản phẩm Celltrion.

Được biết, Celltrion, thành lập năm 1991, là tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực dược phẩm sinh học và thuốc biosimilar, nổi tiếng với ba loại thuốc chữa ung thư và viêm khớp. Doanh thu năm 2023 của tập đoàn đạt khoảng 1,65 tỷ USD.

Sáu tập đoàn lớn Hàn Quốc sắp tăng đầu tư vào Việt Nam 5
Thủ tướng tiếp ông Hyoung Ki Kim - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Celltrion Inc. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng phát triển ngành dược là chiến lược dài hạn của Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm sinh học, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

KDB: Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam

Ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng KDB cho biết đã hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, SK, Hyosung, và Daewoo tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các dự án mới và phối hợp với Bộ Tài chính Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

KDB, thành lập năm 1954, là ngân hàng chính sách 100% vốn Chính phủ Hàn Quốc, mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc tại thị trường quốc tế. Năm 2023, lợi nhuận thuần của KDB đạt 1,9 tỷ USD.

Sáu tập đoàn lớn Hàn Quốc sắp tăng đầu tư vào Việt Nam 6
Thủ tướng tiếp ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng KDB. Ảnh: Nhật Bắc

Tại cuộc gặp, Thủ tướng mong muốn KDB tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc và quốc tế đầu tư vào Việt Nam.

Ông khuyến khích kế hoạch hỗ trợ, tài trợ tín dụng của KDB cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hỗ trợ tài chính, chuyên môn, quản trị điều hành để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).