Theo dấu chân Đại tướng chinh phục đỉnh Pú Tó Cọ

Các Ngọc - 08:40, 01/05/2021

TheLEADERPú Tó Cọ cao nhất trong ba ngọn núi của dãy núi Pú Đồn, được Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ - chọn để đặt Đài quan sát, nằm gần Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 1954.

Đã từ lâu, du lịch Điện Biên, hầu như mọi người đều muốn đến những di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ hào hùng năm xưa như: cứ điểm Mường Thanh - nơi diễn ra các trận chiến ác liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng nguyên sinh Mường Phăng. Với giá trị lịch sử đặc biệt, tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định xếp hạng bổ sung 23 điểm di tích vào quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ. Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trên đỉnh núi Pú Tó Cọ là một trong 23 điểm di tích bổ sung ấy.

Mong muốn mở rộng hành trình tham quan, trải nghiệm của du khách với quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, từ năm 2019, ngành du lịch tỉnh Điện Biên đã tổ chức 2 - 3 đoàn khảo sát chinh phục đỉnh Pú Tó Cọ.

Chinh phục núi cao, đặt chân đến chứng tích lịch sử

Núi Pú Tó Cọ nay thuộc bản Khá, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố khoảng 40km. Di tích Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ có diện tích được khoanh vùng khu vực quản lý, bảo vệ là hơn 5.000m2.

Tham gia đoàn Famtrip “Qua miền Tây Bắc – theo dấu chân Đại tướng” vào tháng 4 năm 2021, chúng tôi được trải nghiệm vượt bộ theo con đường mòn nhỏ từ chân núi lên vị trí đài quan sát cách nay 67 năm. Nghĩ được đặt chân tới một chứng tích góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm xưa, chúng tôi thật nhiều cảm xúc nên dù hành trình trải nghiệm không hề dễ dàng, ai cũng cố gắng leo núi.

Theo dấu chân Đại tướng chinh phục đỉnh Pú Tó Cọ
Đường qua bản nhìn thấy núi Pú Tó Cọ

Cán bộ Trung tâm Xúc tiến thông tin du lịch Điện Biên đã đi tiền trạm, dặn dò chúng tôi hành trang hết sức gọn nhẹ mới có thể vượt hơn 4 giờ đồng hồ lên núi và khoảng 2 giờ xuống núi. Thời tiết ủng hộ, ngày hôm ấy nắng dịu, thỉnh thoảng có những cơn gió nên ngay khi xuất phát, ai nấy đều hào hứng, hăng hái băng qua suối, vượt lên những con dốc đầu tiên, di chuyển trên đường mòn rộng khoảng 1m. 

Anh Hoàng, người dân tộc Thái ở địa phương dẫn đường. Khoảng 2 giờ đầu, độ dốc đi lên chưa quá lớn, nên vừa đi, chúng tôi vừa tranh thủ tìm hiểu về núi Pú Tó Cọ. Anh Hoàng cho biết đường mòn từ chân núi lên đến đỉnh khoảng 7km, núi vừa cao, vừa nhiều cây cối rậm rạp, đường càng lên đỉnh càng khó đi nên ít ai đặt chân lên đó, người dân kiếm củi khô cũng chỉ ở đoạn rừng núi phía dưới.

Nhờ chống chiếc gậy tre mà mỗi bước đi của chúng tôi vững chãi hơn. Quả thật, càng lên cao, vào sâu trong rừng, những con dốc tức làm cho mọi người thấm mệt, bước chân nặng nề hơn. Thế nhưng, hai bên đường mòn, các loại cây, hoa rừng, nhiều nhất là hoa sim tím nở quá đẹp làm chúng tôi không cưỡng nỗi, phải dừng lại chụp cho được vài tấm hình, cũng là lúc tận hưởng những cơn gió mát, hít sâu không khí trong lành, nghe tiếng chim muông giúp xua bớt mệt nhọc.

Hơn nửa chặng đường, gặp một khu đất trống lưng chừng núi có một ngôi nhà sàn cũ của người, cả đoàn dừng chân để ăn uống lấy sức, sẵn sàng cho đoạn đường tiếp theo. Dù đã được anh Hoàng báo trước, nhưng chúng tôi không tưởng tượng được từ đây đường đi lên đỉnh núi gian nan hơn nhiều, khi lối mòn chỉ vừa một người đi, có những đoạn phải luồn dưới cây rừng. Càng lên cao, độ dốc càng lớn, mỗi bước đi phải hết sức cẩn thận vì có thể bị trượt chân. Mọi cố gắng được bù đắp, sau hơn 4 tiếng băng rừng, vượt dốc, cuối cùng mọi người cũng đặt chân lên đỉnh Pú Tó Cọ trong cảm xúc hạnh phúc.

Theo dấu chân Đại tướng chinh phục đỉnh Pú Tó Cọ 1
Vượt theo con đường mòn nhỏ từ chân núi

Pú Tó Cọ cao nhất trong ba ngọn núi của dãy núi Pú Đồn, được Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ - chọn để đặt Đài quan sát, nằm gần Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm 1954.

Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn ở vùng rừng núi Tây Bắc. Thấy rõ Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược quan trọng giữa miền Tây Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, tháng 11 năm 1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh đánh chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng tại đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương gồm 49 cứ điểm kiên cố chia thành 8 cụm nằm trong 3 phân khu.

Nhận định Điện Biên Phủ là một chiến dịch lớn, dài ngày tại nơi núi rừng hiểm trở, là điểm quyết chiến chiến lược để tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội Pháp - Mỹ, tháng 12/1953, Trung ương Đảng đã thành lập Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng mặt trận.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng tại hang Thẳm Púa, rồi hang Huổi He, xã Nà Tấu huyện Điện Biên, đến ngày 31/1/1954, được chuyển đến khu rừng Mường Phăng dưới chân dãy núi Pú Đồn, đóng tại đây 105 ngày (từ 31/1 đến 15/5/1954).

Trước khi chuyển tới khu rừng Mường Phăng, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã cùng các chiến sĩ đi thị sát chọn địa điểm đặt đài quan sát toàn mặt trận và đã chọn đỉnh núi Pú Tó Cọ vì vị trí này gần Sở chỉ huy. Với độ cao 1700m so với mặt nước biển, từ đỉnh Pú Tó Cọ có thể nhìn thấy cánh đồng Mường Thanh và Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nên thuận lợi cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Ban tham mưu hằng ngày lên đó quan sát tình hình mặt trận.

Ngày đó đỉnh núi này còn rất hoang sơ, chưa có bước chân người đặt tới. Để lên tới đài quan sát phải đi bộ hàng giờ đồng hồ, theo hướng nhà tác chiến, nhà hội trường của Sở chỉ huy đi lên. Trong đài quan sát có một chiếc mõ tre dùng để báo động khi có máy bay và cháy rừng.

Từ đài quan sát, với một ống nhòm có bội số quang học lớn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã theo dõi tiến triển của chiến hào ta. Buổi trưa ngày 6/5/1954, Đại tướng lên đài quan sát trận địa trước khi quyết định chuyển sang tổng công kích. Sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng vào ngày 7/5/1954. Bộ chỉ huy chiến dịch đóng tại khu rừng Mường Phăng cũng như đài quan sát của Sở chỉ huy đóng trên đỉnh Pú Tó Cọ được giữ bí mật tuyệt đối, từ khi chuyển tới cho đến khi kết thúc chiến dịch.

Để tuyến trải nghiệm thật trọn cảm xúc

Đứng trên đỉnh núi, một số thành viên trong đoàn đã dùng ống nhòm nhìn về lòng chảo Điện Biên Phủ, ngắm lòng hồ Pá Khoang, thấy rõ TP. Ðiện Biên Phủ ngày nay, là những trải nghiệm đầy tự hào. Tuy nhiên, mọi người thấy thật tiếc khi di tích đã không còn giữ được nguyên trạng như xưa để được cảm nhận đầy đủ về một vị trí quan trọng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, cảm nhận được nhịp sống, chiến đấu tại thời điểm lịch sử diễn ra chiến sự ác liệt năm xưa.

Theo dấu chân Đại tướng chinh phục đỉnh Pú Tó Cọ 2
Cảnh đẹp trên đường leo núi

Theo tài liệu từ Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên, trước kia, tại vị trí đặt Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ trên đỉnh Pú Tó Cọ có một tấm bia bằng bê tông rộng khoảng 1m2, trên tấm bia ghi lại sự kiện diễn ra tại đây vào năm 1954, nhưng đã bị người dân đào mất.

Chuẩn bị cho trải nghiệm chinh phục đỉnh Pú Tó Cọ, ban tổ chức Famtrip đã làm sẵn một biểu tượng hình chóp, mang lên cắm đánh dấu độ cao đỉnh núi và vị trí nơi đặt Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ thế, mọi người trong đoàn cũng an ủi có được một hình ảnh lưu niệm ý nghĩa về một chứng tích lịch sử.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ là di tích thành phần nằm trong Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ được giao cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị. Đã được nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2009, mà đến nay Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, trên núi Pú Tó Cọ chưa được tôn tạo, trùng tu, vẫn chưa có tọa độ mốc giới GPS, chưa có bia di tích thì sao có thể nói đến việc phát huy giá trị của di tích cho xứng tầm với giá trị lịch sử.

Về phía ngành du lịch tỉnh Điện Biên, từ năm 2019 đã khảo sát và tổ chức 2 – 3 đoàn trải nghiệm với ý muốn đưa Pú Tó Cọ và Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng thành một tuyến du lịch. Đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp, nhưng đến nay, ngành du lịch tỉnh Điện Biên vẫn chưa phối hợp với địa phương và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo nên một hành trình an toàn cho du khách, đồng thời xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trên đường lên di tích.

Cụ thể, với đoàn khách hơn 20 người mà chỉ có một người dẫn đường phía trước, không có nhân sự phụ hướng dẫn đường, hỗ trợ tốp khách leo núi phía sau, thêm vào đó, đường trong rừng nhiều đoạn có ngả ba rẽ nhưng không biển báo hướng đi, nên trong hành trình, vài thành viên trong đoàn chúng tôi bị bỏ lại phía sau, bị lạc mà không ai hay, phải tự mày mò đường ra, may mà không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Theo dấu chân Đại tướng chinh phục đỉnh Pú Tó Cọ 3
Lưu lại khoảnh khắc lên đến đỉnh núi

Dù chỉ mới 2 – 3 đoàn trải nghiệm, nhưng trên đường lên núi đã có tình trạng chai nhựa, túi nilông do những thành viên tham gia hành trình mang thức ăn, nước uống theo, dùng xong rồi tiện tay vứt vương vãi.

Nếu không xây dựng nội quy, không cắm các biển báo hướng dẫn, báo nơi nguy hiểm, không huấn luyện đội ngũ chuyên nghiệp phục vụ khách leo núi thì liệu di tích có được quản lý, bảo vệ tốt và liệu các công ty lữ hành có mạnh dạn đưa khách tham gia tuyến hành trình chinh phục đỉnh Pú Tó Cọ để lan truyền cảm xúc tự hào về một chứng tích lịch sử.

Hy vọng những điều trăn trở trên sẽ có sự thay đổi để núi Pú Tó Cọ và di tích Đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng sẽ trở thành điểm du lịch trải nghiệm mang giá trị lịch sử đón nhiều du khách trong nước và nước ngoài.