Thị trường Internet Việt Nam đang nằm trong tay ai?

Việt Hưng - 11:26, 05/03/2023

TheLEADERTrong khi Facebook và YouTube đã ghi nhận mức tăng đáng kể, thì TikTok không còn giữ được sự tăng trưởng ổn định như giai đoạn trước đó.

Decision Lab và Mobile Marketing Association Vietnam (MMA Vietnam) vừa công bố báo cáo mới nhất về người dùng số (The Connected Consumer). Theo đó, sau quý 3 ảm đạm, mức sử dụng mạng xã hội đã tăng đột biến vào quý cuối của năm 2022.

Tại Việt Nam, những mạng xã hội được ưa chuộng như Facebook và YouTube đã ghi nhận mức tăng đáng kể về mức sử dụng nói chung và trên nhiều danh mục khác.

Trái lại, quý cuối năm 2022 lại chứng kiến sự sụt giảm về mức độ sử dụng của TikTok, bất chấp sự tăng trưởng ổn định của nền tảng này kể từ lần đầu xuất hiện.

Dường như TikTok không còn là sự lựa chọn của Gen Z khi tìm đến video ngắn. Mức độ yêu thích của thế hệ này với "con gà đẻ trứng vàng" của ByteDance liên tục giảm trong hai quý qua. Xu hướng này cũng đang bắt đầu xuất hiện với Gen Y.

Thị trường Internet Việt Nam đang nằm trong tay ai?
Facebook và YouTube đã ghi nhận mức tăng đáng kể về mức sử dụng nói chung

Xét riêng theo từng hạng mục, ứng dụng mạng xã hội phục vụ cho mục đích giải trí phổ biến nhất trong quý 4/2022 tiếp tục là YouTube, đạt tỷ lệ 93%. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Facebook (65%), TikTok (55%), Zalo (24%),…

Ở hạng mục thương mại điện tử, Shopee dẫn đầu với mức độ phổ biến trong người dùng lên tới 81%. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Lazada (62%), Facebook (36%), Tiki (39%), Sendo (27%), Zalo (14%) và TikTok (22%).

Trong khi đó, tại hạng mục những nền tảng nhắn tin phổ biến hàng đầu Việt Nam, hết quý 4/2022, Zalo dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng là 87%, theo sau là Facebook với 72%, Messenger là 58% và Instagram chiếm 15%.

Báo cáo đánh giá Zalo phá vỡ rào cản vô hình, tăng trưởng với hiệu suất 6% mức độ yêu thích so với quý trước. Đây là mức tăng nhanh hơn cả ứng dụng Youtube và Facebook trong năm qua. Phần lớn mức tăng trưởng này nằm ở nhóm người dùng Gen X (42 - 62 tuổi) và Gen Z (16 - 25 tuổi).

Thị trường Internet Việt Nam đang nằm trong tay ai? 1
Zalo tiếp tục củng cố vị thế là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam

Con số ấn tượng này giúp Zalo tiếp tục củng cố vị thế là ứng dụng nhắn tin phổ biến và được ưa chuộng nhất Việt Nam từ năm 2020 đến nay.

Cụ thể, thống kê năm 2020, Facebook Messenger đạt 75,8% và Zalo là 76,5%. Đây cũng là năm đánh dấu sự "soán ngôi" của Zalo để trở thành ứng dụng nhắn tin có tỷ lệ người dùng cao nhất Việt Nam.

Với lợi thế là nền tảng công nghệ do người Việt sáng tạo dựa trên thói quen sinh hoạt của người Việt, Zalo cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, bài bản của mình khi liên tiếp nâng cấp những tính năng an toàn, bảo mật, mà cụ thể là việc ra mắt tính năng mã hóa đầu cuối E2EE vào tháng 5/2022.

Bên cạnh đó, ứng dụng này còn cho phép người dùng gửi tệp tin chất lượng cao, dung lượng lớn lên tới 1GB thông qua phiên bản Zalo PC và Zalo Web.

Ứng dụng cũng đảm bảo chất lượng liên lạc thông suốt, ổn định dù tập người dùng ngày càng mở rộng. Có thể nói, đây là một trong những ưu thế của Zalo giúp ứng dụng này giữ vững vị thế ngôi đầu của mình trong nhiều năm.

Trước đó, vào năm 2021, Báo cáo "Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021: Chiến lược đón đầu và đột phá" do Adsota phát hành ngày 1/6 cũng cho biết, Zalo hiện là ứng dụng nhắn tin được yêu thích nhất Việt Nam.