Thị trường trái phiếu có thực sự sôi động trở lại?

Trần Anh - 17:40, 14/09/2023

TheLEADERTheo ông Trần Đức Anh, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có phần nhiều đến từ hoạt động tái cơ cấu nợ của các ngân hàng, doanh nghiệp, còn thực chất lượng phát hành mới không lớn.

Thống kê sơ bộ của FiinGroup mới đây ghi nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang có tín hiệu sôi động trở lại khi giá trị phát hành sơ cấp 139 nghìn tỷ từ đầu năm 2023 đến 8/9/2023.

Các ngân hàng chiếm phần lớn trong số này khi 3 ngân hàng lớn nhất là Techcombank, ACB và OCB đã huy động khoảng 30.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu ngân hàng có quy mô lớn, lãi suất coupon khá thấp từ 6 – 7%/năm và kỳ hạn kéo dài.

Với nhóm phi ngân hàng, từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 80 ngàn tỷ là trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành. Ở những doanh nghiệp huy động thực, mức lãi suất danh nghĩa giao động 12-14% cho trái phiếu bất động sản và 9-12% đối với trái phiếu doanh nghiệp ngành khác, kỳ hạn 3-5 năm.

“Hoạt động mua lại trái phiếu cũng rất sôi động. Áp lực đáo hạn theo các tháng cũng cao. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu trong nước không đóng băng như nhiều người lo ngại”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhận định.

Đánh giá về thị trường trái trái phiếu hiện tại, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, sự sôi động của thị trường đến từ 3 nguyên nhân chính.

Đầu tiên, đó là sự dư thừa thanh khoản từ phía hệ thống ngân hàng. Việc hệ thống ngân hàng “thừa tiền” là điều được NHNN nhiều lần nhắc tới. Lãi suất liên ngân hàng hiện cũng đang ở mức rất thấp, do đó các ngân hàng tranh thủ dịp này để mua lại trái phiếu và tái cơ cấu lại tài sản.

Thứ hai là hoạt động đảo trái phiếu doanh nghiệp. Hiện tại, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với thời điểm quý 3 và quý 4/2022, với mức giảm trung bình là từ 1 – 3%/năm. Do đó, các ngân hàng tận dụng cơ hội này để đảo các lô trái phiếu sang mức lãi suất tốt hơn.

Cuối cùng, các ngân hàng còn đảo trái phiếu để thay đổi kỳ hạn. Theo Thông tư 08, từ ngày 1/10 tới đây, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài dạn của các nhà băng sẽ tiếp tục được giảm về còn 30% từ mức 34% như hiện tại. Vì vậy, các ngân hàng tiến hành đảo kỳ hạn trái phiếu, tăng cường các lô trái phiếu có kỳ hạn dài, từ 5 – 10 năm để lấy vốn cho vay ngắn hạn.

“Đấy là câu chuyện của các ngân hàng. Còn với khối phi ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, thực chất không có nhiều các đợt phát hành mới”, ông Đức Anh nhận định.

Thị trường trái phiếu có thực sự sôi động trở lại?
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường KB Việt Nam

Nếu nhìn vào thống kê của FiinGroup, trong số 80.000 tỷ đồng phát hành của nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng từ đầu năm đến nay, đa phần tập trung vào một số ít doanh nghiệp lớn.

Có thể kể tới Tập đoàn Masan phát hành 5.500 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất gần 11%/năm, kỳ hạn 5 năm. Công ty VinFast huy động 5.000 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất trung bình lên đến 14,47%/năm, kỳ hạn 1,59 năm. Công ty Đầu tư và Kinh doanh Nam An huy động 4.700 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất trung bình 13%/năm, kỳ hạn 1,48 năm…

Mặt khác, khá nhiều lô trái phiếu được huy động với mục đích tái cơ cấu lại khoản vay. Như trường hợp của Capitaland Tower, doanh nghiệp phát hành hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất chỉ 1%/năm. Hay như trường hợp của Công ty TNHH phát triển đô thị Hưng Yên phát hành 7.200 tỷ đồng.

Điểm tích cực đó là mức lãi suất trái phiếu phát hành huy động vốn đã giảm đi tương đối so với thời điểm cuối năm ngoái. Điều này cho thấy chi phí lãi vay đã giảm xuống. Mặc dù vậy, theo ông Đức Anh, vẫn còn quá sớm để nói thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi.

Vị chuyên gia này cho rằng, dù lãi suất tiết kiệm đã giảm khá mạnh, nhà đầu tư vẫn chưa mấy mặn mà với trái phiếu doanh nghiệp do e ngại những rủi ro trên thị trường. Mặt khác, nhà đầu tư hiện tại cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn, hiểu rõ hơn về sản phẩm đầu tư và biết cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận.

“Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực sự tốt lên, trở thành kênh huy động vốn, sẽ cần thời gian thêm từ 2 – 3 năm nữa, với đà hồi phục diễn ra từ từ, chứ khó có thể bùng nổ ngay như giai đoạn trước”, ông Đức Anh dự báo.