Thiếu tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Phạm Sơn - 18:45, 20/11/2021

TheLEADERCác chính phủ trên thế giới đang cân nhắc giữa bài toán vực dậy nền kinh tế với việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nền tài chính các quốc gia đang trở nên mong manh do Covid-19.

Thiếu tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Nguồn tài chính nào cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là vấn đề bị bỏ ngỏ sau khi kết thúc COP26.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), nhiều quốc gia đã đưa ra cam kết mạnh mẽ để giảm thiểu lượng khí thải. Tuy nhiên, một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ là nguồn tài chính để thực hiện các cam kết này đến từ đâu và sử dụng như thế nào trong thực tế.

Tài chính đặc biệt quan trọng đối với nỗ lực của các quốc gia đang phát triển, là những nước đang tiêu thụ nhiều nhiệt điện than cũng như còn sử dụng nhiều công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh kém bền vững.

Tại COP26, các nước giàu đã cam kết tăng gấp đôi mức tài trợ tài chính để thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, khoản hỗ trợ có thể lên đến 40 tỷ USD vào thời gian tới.

Tuy nhiên, khoản tiền này vẫn không thấm vào đâu khi theo Ngân hàng Thế giới (WB), để giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, cần phải có khoảng 90 nghìn tỷ USD từ cả khu vực công và tư đến năm 2030.

Tại COP26, đại diện về khí hậu của Liên hợp quốc cũng đưa ra con số 100 nghìn tỷ USD trong 3 thập niên tới.

Tính riêng khu vực ASEAN, theo Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, sẽ cần khoảng 367 tỷ USD từ nay cho tới năm 2025 để thực hiện riêng các kế hoạch về năng lượng nhằm giảm phát thải.

Đây cũng chính là lý do ASEAN kêu gọi cam kết tài trợ ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm từ các nước phát triển cho cuộc chiến khí hậu. Thực tế, con số này cũng từng nằm trong một cam kết của các nước phát triển, nhưng đã nhanh chóng “rơi vào quên lãng”.

Một trong những lý do khiến vấn đề tài chính cho khí hậu trở nên nan giải là các quốc gia đang triển khai những gói cứu trợ với quy mô chưa từng có tiền lệ. Theo Viện Tài chính toàn cầu (IIF), khoảng gần 300 nghìn tỷ USD là tổng số nợ của các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình. Số nợ khổng lồ này khiến nguồn tài chính quốc gia trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Nguồn tài chính cho khí hậu có thể sẽ là một gánh nặng mới với các chính phủ, bắt buộc họ phải cân nhắc giữa mục tiêu vực dậy nền kinh tế với giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, cũng đang ngày càng cấp bách.

Động thái mạnh nhất liên quan đến vấn đề tài chính là cam kết từ bỏ các khoản đầu tư cho nhiệt điện than của khoảng 20 quốc gia và tổ chức tài chính. Tuy nhiên, một số nước giàu cho biết vẫn sẽ xây dựng thêm điện than trong nước, có thể kể đến như Úc hay Nhật Bản.