Thủ tướng đề xuất cách đương đầu với 6 ‘cơn gió ngược’ của kinh tế thế giới

Nhật Hạ - 16:54, 27/06/2023

TheLEADERTăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam đang gặp cản trở bởi 6 “cơn gió ngược”. Thủ tướng cho rằng đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân.

Thủ tướng đề xuất cách đương đầu với 6 ‘cơn gió ngược’ của kinh tế thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Tại phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) các nhà tiên phong năm 2023 hôm nay tại Thiên Tân (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 "cơn gió ngược" đang cản trở sự tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam.

Đó là, suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn;

Hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài; cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu;

Các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

"Đây là vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến người dân, nên để giải quyết cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, Thủ tướng đề xuất loạt giải pháp, như tăng đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, trong đó người dân vừa là chủ thể, nguồn lực và động lực cho phát triển.

Bên cạnh đó, cần tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm. Theo đó, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt ưu tiên các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Theo ông, cần có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực; không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trợ sự phát triển của toàn cầu; sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột; tăng cường hợp tác công – tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lãnh đạo Chính phủ cũng chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong quá trình chống dịch và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hạ tầng - thể chế - nhân lực. "Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần", ông cho biết.

Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp quốc tế, trong nước. Ông đề nghị các nước, tổ chức quốc tế, trong đó có WEF và thành viên hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản trị hiện đại.