Thủ tướng: Miền Trung cần tập trung 5 trụ cột kinh tế

Hạ Vũ - 08:24, 21/08/2019

TheLEADERTrong khi GDP của 28 tỉnh giáp biển đóng góp 74% GDP cả nước vào năm 2018, thì 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chỉ đóng góp gần 20% tổng GDP, chỉ chiếm 1/4 tổng GDP của 28 tỉnh có biển.

Thủ tướng: Miền Trung cần tập trung 5 trụ cột kinh tế
Du lịch tuy là thế mạnh, nhưng doanh thu từ du lịch ở miền Trung chưa được 20% cả nước. (Ảnh: Binhdinh.gov.vn)

Là mặt tiền biển của Việt Nam, miền Trung chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước với chiều dài đường bờ biển 1.900 km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Chính phủ.

Với 14 tỉnh/thành phố, dân số miền Trung có khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước. 

Vùng kinh tế trọng điểm gồm 5 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

'Mặc dù là vùng kinh tế trọng điểm, có bước phát triển tích cực thời gian qua, nhưng do xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển, nên đến nay miền Trung vẫn là “vùng trũng” phát triển so với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung ngày 20/8.

Các con số từ các bộ, ngành cho thấy miền Trung còn nhiều dư địa để phát triển và nâng cao tỉ trọng đóng góp trong cả nước. Như du lịch tuy là thế mạnh, nhưng doanh thu từ du lịch chưa được 20% cả nước.

Do đó, Thủ tướng cho rằng, miền Trung cần tập trung vào 5 trụ cột kinh tế và vận dụng chiến lược kinh tế biển.

Thứ nhất là ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có. 

Thứ hai, du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng Tây của các tỉnh miền Trung. 

Thứ ba, cảng biển và các dịch vụ logistics. 

Thứ tư là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Không có công nghiệp thì khó có thể phát triển bền vững. 

Thứ năm, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung cần rõ hơn, sớm có thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực.

Đồng thời, xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, miền Trung phải thực sự là "đất lành, chim đậu", tạo điều kiện cho sự phát triển. Từng địa phương phải quan tâm tới ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng: Miền Trung cần tập trung 5 trụ cột kinh tế
Khu phức hợp nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đảm bảo chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch

Đề xuất nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, nhất là hệ thống đường ven biển, đường lên Tây Nguyên và các công trình trọng điểm của vùng, các dự án khắc phục khô hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt, đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ Tài chính nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tài chính, thuế, phí để phân cấp quản lý cho các tỉnh, thành trong vùng phù hợp với trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế và cơ sở thuế của từng địa phương.

Bộ Giao thông vận tải cần lập kế hoạch phát triển sân bay lớn trên tinh thần “cái gì Nhà nước phải đầu tư dứt điểm, cái gì thì tư nhân đầu tư” để tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Bộ Công Thương cần ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng - nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ.

Bộ Khoa học và công nghệ nghiên cứu hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng, để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bộ Giao dục và đào tạo; Bộ Lao động, thương binh và xã hội hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực biển chất lượng cao.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố của vùng chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, thực hiện tốt các hoạt động điều phối và liên kết. 

“Miền Trung thì phải bàn tiến chứ không bàn lui, kể cả việc liên kết lẫn nhau và liên kết với các tỉnh Tây Nguyên”, theo Thủ tướng. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, khả năng lan tỏa. Kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường, ngăn chặn từ sớm các nguồn gây ô nhiễm.