Vì sao Luật Quy hoạch vẫn khó thực hiện dù đã có hiệu lực hơn 7 tháng?

An Chi - 20:39, 13/08/2019

TheLEADERUỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thông qua nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Vì sao Luật Quy hoạch vẫn khó thực hiện dù đã có hiệu lực hơn 7 tháng?
Nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong công tác triển khai Luật Quy hoạch

Sau hơn 7 tháng có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong công tác triển khai Luật Quy hoạch

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân là do hiện đang tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về một số điều, khoản của bộ luật này.

Theo đó, trước hết là các cách hiểu khác nhau về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch. 

Cụ thể, Điều 6 Luật Quy hoạch quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. 

Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia. 

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 20, một trong các căn cứ để lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là quy hoạch cấp cao hơn. Việc lập quy hoạch phải theo thứ bậc từ trên xuống dưới như quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch. 

Tuy nhiên, khi triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030, một số bộ, ngành và địa phương cho rằng, các quy hoạch phải được lập đồng thời thì mới đảm bảo tiến độ. Do còn có cách hiểu khác nhau như trên nên đã dẫn đến việc chậm triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021 – 2030.

Một vấn đề nữa là việc thực hiện chuyển tiếp các quy hoạch được phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực. Theo tờ trình, một số bộ, ngành và địa phương cho rằng, quy định tiếp tục thực hiện và kéo dài thời hạn của quy hoạch chưa đủ cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh nội dung của các quy hoạch. 

Song cũng có ý kiến cho rằng việc thực hiện quy hoạch phải gắn với việc điều chỉnh quy hoạch, để điều chỉnh, bổ sung các dự án cần thiết, cấp bách phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thực tiễn. Việc không cho phép điều chỉnh quy hoạch gây khó khăn trong điều hành của các ngành trong thời hạn quy hoạch.

Trước thực trạng này, tại phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần thiết phải ban hành nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch để bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của luật, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Điển hình như việc giải thích quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch để các bộ, ngành, địa phương thống nhất cách hiểu trong việc lập các quy hoạch cấp dưới khi chưa có quy hoạch cấp trên là căn cứ để lập quy hoạch cấp dưới.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng, vướng mắc nêu trên thực chất liên quan đến quy định về các căn cứ lập quy hoạch quy định tại Điều 20. Theo đó, một trong các căn cứ để lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là “quy hoạch cao hơn”. 

Do đó, về thứ tự phê duyệt quy hoạch, việc đề xuất các quy hoạch được phê duyệt độc lập với nhau sẽ không bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống quy hoạch. Mặt khác, quy hoạch cấp dưới nếu được phê duyệt trước có thể sẽ phải điều chỉnh nếu không phù hợp với quy hoạch cấp trên được phê duyệt sau.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị nên giải thích khoản 2 Điều 20 thay vì giải thích Điều 6 của Luật Quy hoạch theo hướng: "Tại thời điểm lập quy hoạch, trường hợp quy hoạch cao hơn quy định tại khoản 2 Điều 20 chưa được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới được lập, thẩm định đồng thời và căn cứ lập quy hoạch phải tuân thủ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 20 Luật Quy hoạch". 

Trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch này, các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải phối hợp và hoàn thiện quy hoạch, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch và mối quan hệ giữa các quy hoạch. 

Đến khi quy hoạch cấp cao hơn được phê duyệt thì cơ quan lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cấp dưới căn cứ quy hoạch cấp cao hơn để hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch.

Qua thảo luận, 100% thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết giải thích một số điều tại Luật Quy hoạch. 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Văn phòng Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.