Thủ tướng: Phòng chống dịch Covid-19 là ưu tiên số 1 của Hà Nội

Nhật Hạ - 08:39, 20/07/2021

TheLEADERTrong bối cảnh hiện nay, phòng chống dịch Covid-19 là ưu tiên số 1 của Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi "tình hình mới đòi hỏi cách tiếp cận mới, giải pháp và nhiệm vụ mới".

Các dự báo cho thấy đợt dịch này còn diễn biến phức tạp và kéo dài, với đặc điểm là tấn công vào các khu đô thị tập trung dân cư lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi giao lưu, đầu mối các hoạt động kinh tế, các khu công nghiêp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… và diễn biến rất nhanh, khó lường với biến chủng mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tại buổi làm việc với TP. Hà Nội ngày 19/7.

Về nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng đề nghị Hà Nội ưu tiên số 1 cho phòng chống dịch Covid-19 trong thời điểm hiện nay, “quyết tâm bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu về dịch”.

“Đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết. Những nơi nào an toàn thì vừa phòng chống dịch, vừa tổ chức sản xuất cho tốt, chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian tới, TP. Hà Nội cần rà soát, rút kinh nghiệm ngay những sơ hở, bổ sung những vấn đề mà thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định. Phong tỏa hẹp nhưng chặt chẽ, xét nghiệm rộng nhưng kỹ càng. Tiêm vắc-xin phải kịp thời, hiệu quả, an toàn, khoa học. Giám sát thực hiện nghiêm 5K+vắc-xin và ứng dụng công nghệ rộng rãi, chặt chẽ. Có các kịch bản cao hơn trong phòng chống dịch. Bảo vệ bằng được các khu công nghiệp.

Đồng thời, tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa các ca tử vong. Bảo vệ thông suốt các dòng cung ứng về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, quân đội phải vào cuộc trong nhiệm vụ này; bảo đảm an ninh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát cấp cơ sở về bốn tại chỗ, phương tiện, lực lượng, điều kiện, phương pháp, cách làm... Coi trọng hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch. Lực lượng quân đội, công an phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Trong phòng chống dịch Covid-19, “tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch đi qua; không được mất bình tĩnh, hoảng sợ, mất kiên định, kiên trì khi dịch trở lại hoặc diễn biến phức tạp hơn, chuẩn bị kịch bản cao hơn bình thường”.

Thủ tướng: Phòng chống dịch Covid-19 là ưu tiên số 1 của Hà Nội
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với TP. Hà Nội ngày 19/7. Ảnh: Nhật Bắc

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực hợp pháp, nhất là đẩy mạnh hợp tác công tư.

Ông lấy ví dụ về huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch, các nhá máy nếu đủ điều kiện thì thực hiện “3 tại chỗ” gồm làm việc tại chỗ, ăn nghỉ tại chỗ, cách ly tại chỗ; hoặc tổ chức chặt chẽ “một cung đường, hai điểm đến” (đưa và đón công nhân từ nơi ở tới nơi sản xuất).

Ba kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm của Hà Nội

Tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội ước tăng 5,91%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,92% cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 5,64%. Con số này cho thấy tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố có nhiều tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm 2020.

Hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách 6 tháng đạt 53,3% dự toán, tăng gần 8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định thành phố vẫn đang đứng trước những thách thức rất lớn.

Trong đó, lớn nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng; hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Hệ thống chung cư cũ đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, trong khi công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thực hiện rất chậm.

Về việc khắc phục các vấn đề môi trường, tắc nghẽn giao thông, quá tải về hạ tầng đô thị, Thủ tướng cho rằng Hà Nội cần sớm có chiến lược được đầu tư bài bản, có chiều sâu, bền vững hơn. Đồng thời, chưa có đột phá lớn về phát triển kinh tế, nhất là trong phát triển bền vững theo chiều sâu. Chuyển đổi số cần phải tập trung quan tâm nhiều hơn, hiệu quả hơn.

Cùng với việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc coi trọng công tác tổ chức thực hiện, nhất là ở cấp cơ sở. Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, đi cùng với bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, môi trường để đánh đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, nhất là cho đầu tư hạ tầng chiến lược theo các phương thức phù hợp như “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”. Thủ tướng lưu ý tăng thu, dứt khoát tiết kiệm chi thường xuyên 10% theo yêu cầu của Chính phủ để dành nguồn lực cho phòng chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng khác.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành được giao trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan liên quan phối hợp để khẩn trương hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng: Phòng chống dịch Covid-19 là ưu tiên số 1 của Hà Nội 1
Hà Nội ghi nhận 208 ca nhiễm Covid-19 từ ngày 5/7 đến nay.

Căn cứ vào tình hình quốc tế và trong nước, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết 3 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm của thành phố.

Kịch bản 1, tăng trưởng quý III đạt 8,59%, quý IV đạt 9,12% và dự báo cả năm đạt 7,5%.

Kịch bản 2, dịch Covid-19 trên cả nước cơ bản được kiểm soát trong tháng 7, không có ổ dịch trên địa bàn thành phố và các khu công nghiệp, không áp dụng giãn cách xã hội. GRDP quý III tăng 7,45%, quý IV tăng 7,85% và cả năm dự kiến đạt 6,85%.

Kịch bản 3, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, quý III mới kiểm soát được dịch, các ngành dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch, phục hồi chậm. GRDP quý III tăng 6,17%, quý IV tăng 6,44% và cả năm đạt 6,12%.

Theo đó, trong những tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công với mục tiêu đạt 60% kế hoạch vốn đã giao trong quý II và 100% trong quý IV; phòng chống dịch Covid-19; xây dựng phương án tiêm vắc-xin Covid-19 sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất cho người dân, phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm mỗi ngày.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung tiếp tục đề nghị Hà Nội triển khai nhanh hơn việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68 (gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Hà Nội cần tập trung 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành kinh tế, tập trung phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh, đi đầu trong chuyển đổi số; chủ động nghiên cứu biện pháp huy động được các nguồn lực…

Theo số liệu của Bộ Y tế, Hà Nội ghi nhận 208 ca nhiễm Covid-19 từ ngày 5/7 đến nay. Riêng ngày 19/7 đã có thêm 41 ca dương tính, cao nhất tính theo ngày trong đợt dịch thứ 4 tại thành phố. Trong đó 3 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 16/7 gồm 90 Nguyễn Khuyến, ghi nhận 45 ca; B8 Tân Mai ghi nhận 18 ca và 132 Bùi Thị Xuân ghi nhận 21 ca nhiễm. Còn chùm lây nhiễm tại Khu công nghiệp Thăng Long đã ghi nhận 61 ca.