Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bằng ứng dụng di động

Phạm Sơn - 09:54, 28/11/2022

TheLEADERDựa trên triết lý về kinh tế tuần hoàn, nhiều đơn vị đã triển khai giải pháp ứng dụng kỹ thuật số để thu gom, phân loại rác ngay trên các thiết bị thông minh, bước đầu cho thấy kết quả khả quan.

Đối với nhiều quốc gia có hệ thống quản lý rác thải tiên tiến, phân loại rác tại nguồn là điều kiện tiên quyết, trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, suốt nhiều năm nay, phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được thực hiện tại Việt Nam. Nhiều dự án thí điểm đã được triển khai nhưng chỉ thành công ở giai đoạn đầu, quy mô nhỏ, đến khi nhân rộng ra là thất bại. Thành ra, suốt nhiều năm, lượng rác phát sinh ngày càng nhiều trong khi chỉ có lực lượng phi chính thức là những người đồng nát, ve chai và làng nghề tái chế là đang thực hiện phân loại rác.

Xuất phát từ trăn trở về thực trạng rác thải rắn tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều sáng kiến liên quan đến phân loại và thu gom rác thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh đã ra đời.

Nổi bật trong đó phải kể đến mGreen, doanh nghiệp xã hội của nữ doanh nhân Trần Thị Thoa. mGreen cung cấp 3 phiên bản ứng dụng tương ứng cho 3 đối tượng là chủ nguồn thải; đơn vị thu gom và các cửa hàng liên kết. Thông qua phân loại và “đặt hàng” để được thu gom rác miễn phí, người dân có thể nhận lại điểm thưởng, sử dụng để đổi lấy quà là các voucher, phiếu mua hàng…

Sau 3 năm triển khai, mGreen đã thu hút được khoảng 50 nghìn người dân tham gia phân loại rác, 10 nghìn người sử dụng ứng dụng; thu gom được hơn 300 tấn rác thải tái chế với tổng giá trị khoảng hơn 50 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xã hội này đặt mục tiêu sẽ thu hút 10 triệu người dân tham gia phân loại, tạo công ăn việc làm cho 10 nghìn nhân viên thu gom rác, đồng thời chuyển giao công nghệ về quản lý rác thải để nhân rộng mô hình ra cả nước, tạo tiền đề triển khai kinh tế tuần hoàn.

VECA cũng là một ứng dụng di động thu gom và phân loại rác gây được sự chú ý trong thời gian qua. Với cái tên là viết tắt của từ Ve chai, VECA hoạt động dựa trên nguyên lý kết nối những người đồng nát, ve chai tới người người bán và với chủ vựa phế liệu, tạo ra liên kết thông suốt để tránh rác thải có giá trị tái chế bị vứt ra bãi rác.

Giá cả các loại phế liệu sẽ được công khai trên ứng dụng và điều chỉnh theo giá thu mua của các vựa ve chai. Đồng thời ứng dụng VECA cũng tối ưu hóa quãng đường di chuyển cho người thu gom, với nguyên lý giống như các ứng dụng đặt xe công nghệ.

Mới đây, dự án thu gom, tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống, phối hợp giữa Tetra Pak, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và BVRio, cũng hướng tới việc xây dựng một ứng dụng kỹ thuật số để thu gom rác thải cho giai đoạn sau. Dự án này dựa trên nghiên cứu của BVRio đối với Việt Nam và Ấn Độ, cho thấy không thể tách rời nhóm thu gom rác thải phi chính thức khỏi các dự án về thu gom, tái chế rác thải.

Bên cạnh mGreen hay VECA, tại Việt Nam đã và đang xuất hiện nhiều sáng kiến sử dụng công nghệ trên điện thoại thông minh để thu gom, phân loại rác tại nguồn và hỗ trợ sinh kế cho lực lượng thu gom rác. Các ứng dụng này bước đầu đã cho thấy hiệu quả ở quy mô nhất định.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, Chủ tịch VietCycle, nhận xét, hiện tại những ứng dụng thu gom rác như vậy chưa thể thay thế được hệ thống thu gom phế liệu phi chính thức là đồng nát, ve chai và làng nghề tái chế, do đó sẽ chưa có hiệu quả trên diện rộng.

Tuy nhiên, trong tương lai, nếu không còn người lao động tham gia vào công việc đồng nát, ve chai nữa, các ứng dụng này có thể trở thành giải pháp quan trọng trong bức tranh quản lý chất thải rắn tại Việt Nam.