Kinh tế tuần hoàn góp phần đảo ngược "vòng xoáy đi xuống" cho miền Tây
Phạm Sơn
Thứ năm, 27/10/2022 - 20:02
Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra giá trị kinh tế cao, đồng thời tôn trọng những giá trị tự nhiên, sẽ là giải pháp quan trọng cho Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh "vòng xoáy đi xuống" của vùng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Miền Tây với đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, đã trở thành biểu tượng của sự trù phú trong tâm tưởng nhiều người.
Tuy nhiên, hình ảnh ấy không còn đúng với thực trạng hiện nay, khi Đồng bằng sông Cửu Long đang trở thành “vùng trũng” của đầu tư, y tế, giáo dục, thậm chí dân số cũng có xu hướng giảm qua các năm.
Những “vòng xoáy đi xuống” về kinh tế, xã hội và môi trường đang hình thành tại vùng, theo Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2022 do Trường Chính sách công và quản lý Fulbright và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ phối hợp thực hiện.
Để đảo ngược những vòng xoáy này, nhiều mắt xích gần được phá vỡ, trong đó có mắt xích về việc “tận khai tới mức thiếu bền vững” những ưu đãi thiên nhiên trong canh tác nông nghiệp.
Quá trình này cần bắt đầu từ sự thay đổi về tầm nhìn, thay đổi thể chế một cách có hệ thống, từ đó khuyến khích tăng năng suất một cách bền vững, hướng tới thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp cơ chế thị trường. Xuyên suốt trong đó là sự thay đổi về khoa học công nghệ mà một trọng tâm là mô hình kinh tế tuần hoàn.
Nói về tiềm năng ứng dụng kinh tế tuần hoàn tại miền Tây, tại hội thảo "Phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long", TS. Nguyễn Hoàng Nam, chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết, mô hình này có thể được ứng dụng và tạo ra giá trị đa ngành.
Trong nông nghiệp, theo định hướng của Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, cơ cấu nông nghiệp của miền Tây đi theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây, giảm tỷ trọng lúa gạo. Định hướng này dựa trên quan điểm “thuận thiên” và sự cởi trói tư duy, không còn gắn chặt an ninh lương thực với an ninh lúa gạo như giai đoạn trước.
Dựa trên định hướng đó, thủy sản đang và sẽ tiếp tục là ngành mũi nhọn của nông nghiệp miền Tây. Ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào thủy sản, đặc biệt trong việc chế biến phụ phẩm để chiết xuất các chất quý collagen, chitosan… sẽ mở ra cơ hội kinh tế lên đến 4 – 5 tỷ USD mỗi năm.
Không chỉ chế biến phụ phẩm, triết lý của nền kinh tế tuần hoàn còn được ứng dụng cho nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả cao, có thể kể đến như mô hình kết hợp trồng rau thủy canh và nuôi cá aquaponics, tận dụng mối quan hệ cộng sinh giữa cá và cây trồng, tránh việc sử dụng chế phẩm hóa học.
Những mô hình như lúa – tôm; xen canh lúa – sen… cũng tạo ra vòng lặp tuần hoàn vật chất trong nông sản, vừa nâng cao giá trị, vừa tận dụng được sự biến thiên của nguồn nước mặn, nước ngọt.
Bên cạnh thủy sản, một số mô hình canh tác trái cây cũng đang được ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Nổi bật trong đó phải kể đến kinh tế tuần hoàn cho trái dừa đang được tỉnh Bến Tre tích cực triển khai, với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, một số điển hình doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho trái dừa có thể kể đến như Công ty TNHH Vĩnh Tiến sử dụng xác cơm dừa làm bánh hóa dừa; Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long tiên phong chế biến nước dừa già làm thạch dừa, mặt nạ dừa, giấy dừa, ống hút dừa…
Ngoài ngành nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho miền Tây trong công cuộc phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. TS. Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia đến từ Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long, từng nhận định, phát triển kinh tế miền Tây cần tuyệt đối tránh những ngành kinh tế bẩn, gây ô nhiễm, nếu không muốn vùng này “chìm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”.
Đồng bằng sông Cửu Long là một đồng bằng trẻ, do đó mọi sự can thiệp thô bạo vào tự nhiên nơi đây đều sẽ phải trả giá rất đắt. Do đó, những tư duy phát triển theo hướng bền vững và tôn trọng tự nhiên như quan điểm “thuận thiên”, kinh tế tuần hoàn sẽ là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh cho miền Tây trong bối cảnh những “vòng xoáy đi xuống” đang ngày càng nghiêm trọng.
Startup trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn có thể là chìa khóa giải quyết những khúc mắc giúp hiện thực hóa mô hình này. Ngược lại, cơ hội thành công cho các dự án này cũng đang rộng mở khi kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu.
Năm 2022 đặt dấu mốc quan trọng cho sự khởi động của kinh tế tuần hoàn, với việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn Việt Nam chính thức được phê duyệt. Tuy nhiên, để thực sự đưa nền kinh tế bước vào quá trình chuyển đổi tuần hoàn, nhiều yếu tố cần được chuẩn bị.
Theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, con đường đến với kinh tế tuần hoàn không hề đơn giản, đòi hỏi sự tham gia của mọi mặt trong nền kinh tế, đặc biệt là vai trò thúc đẩy tiến độ dịch chuyển của Chính phủ.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.