Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn: Từ chính sách tới truyền thông

Phạm Sơn - 08:23, 09/10/2021

TheLEADERBên cạnh các quy định, công cụ chính sách, cần có thêm những hoạt động truyền thông, giáo dục giúp nâng cao trách nhiệm và nhận thức của người tiêu dùng để việc phân loại rác thải tại nguồn đạt hiệu quả cao, tạo thuận lợi cho ngành công nghiệp tái chế.

Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn: Từ chính sách tới truyền thông
Phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả là yếu tố tiên quyết cho hoạt động tái chế đạt hiệu quả cao. ảnh: CNMT.

Tái chế là cấu phần quan trọng của nguyên tắc 3R, cũng là phương án xử lý rác thải tối ưu, vừa hạn chế thải ra môi trường, vừa tận dụng tài nguyên rác để tạo ra lợi ích kinh tế.

Khả năng tái chế có triệt để hay không, có đem lại giá trị cao hay không cũng là yếu tố đặc biệt ảnh hưởng tới thành công của mô hình kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, nâng cao hiệu quả tái chế là mục tiêu mũi nhọn của nhiều công cụ chính sách như mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR)…

Theo ông Tove Andersen, Chủ tịch Tomra, nhà xử lý rác thải đến từ Na Uy cho biết, có nhiều phương pháp để nâng cao tỷ lệ tái chế. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm nhiều thập kỷ, ông Andersen nhận định, việc phân loại chất thải là yếu tố chính quyết định hiệu quả của tái chế.

Theo đó, rác thải được phân loại kỹ lưỡng ngay từ nguồn phát thải giúp tiết kiệm chi phí phân loại cho nhà tái chế, hạn chế hiện tượng trộn lẫn chất thải, làm giảm chất lượng vật liệu thứ cấp.

Thực tế, ở Việt Nam, rác thải nhựa không được phân loại kỹ, đến tay những đơn vị tái chế tự phát, phi chính thức thường chỉ có thể sản xuất ra loại nhựa dùng một lần có chất lượng kém, nguy cơ tồn đọng những chất độc hại gây nguy hiểm cho người sử dụng. Thực chất đây là hoạt động “giáng chế”, làm cản trở kinh tế tuần hoàn.

Giáng chế là tái sản xuất ra những sản phẩm với chất lượng kém hơn so với ban đầu, làm cản trở kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, vật liệu thứ cấp trải qua quá trình giáng chế sẽ bị bào mòn giá trị và trở thành rác thải không thể xử lý triệt để, bắt buộc phải chôn lấp hoặc thải ra môi trường, trái với nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn là giữ vật liệu trong “vòng lặp” càng lâu càng tốt.

Công cụ EPR được quy định chi tiết trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu bắt buộc phải thực hiện công tác thu gom, tái chế hoặc đóng tiền cho hoạt động thu gom, tái chế.

Công cụ này mang ý nghĩa tạo ra động lực để doanh nghiệp thay đổi thiết kế của sản phẩm theo hướng dễ thu gom, tái chế hơn.

Một số cải tiến trong việc thiết kế sản phẩm đã và đang được ứng dụng như nhiều thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) loại bỏ màng co nắp chai khỏi sản phẩm nước uống đóng chai; in ký hiệu phân loại nhựa lên bao bì; tối giản thành phần bao bì…

Tuy nhiên, ngay cả khi các sản phẩm được sử dụng theo hướng dễ thu gom, hoạt động phân loại vẫn vấp phải cản trở từ phía người tiêu dùng.

Trang thông tin của chính quyền thành phố Seoul, Hàn Quốc, sau một chuyến thăm tới trung tâm tái chế ở thành phố này đã cho biết, chỉ khoảng 50% lượng rác thải trong thùng rác tái chế thực sự được tái chế, nguyên nhân lớn nhất đến từ thiếu sót trong hoạt động phân loại rác thải.

Đây là một điều tưởng chừng rất lạ vì Hàn Quốc có những quy định nghiêm ngặt trong việc quy định các nhãn phân loại trên sản phẩm, đặc biệt là bao bì nhựa. Người tiêu dùng cũng bắt buộc phải phân loại rác để tránh trả thêm chi phí bởi công cụ chính sách thu phí rác thải theo khối lượng.

Lý giải về điều này, một người dân ở Seoul cho biết họ “ước rằng không có bất cứ nhãn mác nào trên chai nhựa”, vì dù có nhãn mác đánh dấu rõ ràng, việc phân loại cũng tương đối mất thời gian và thường xuyên gặp nhầm lẫn.

Như vậy, việc phân loại rác thải tại nguồn còn đòi hỏi các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như kiến thức của người tiêu dùng. Hoạt động này không chỉ dừng lại ở phân loại mà còn có thể mở rộng thêm việc khuyến khích người tiêu dùng xử lý sơ rác thải trước khi vứt bỏ.

Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Môi trường và đô thị Việt Nam và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) vừa qua đã phối hợp triển khai Chương trình Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững.

Chương trình nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hướng tới thay đổi hành vi của cộng đồng để phân loại, tái chế, tái sử dụng hiệu quả rác thải.

Chương trình sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho đối tượng là hộ gia đình, trường học, các điểm thu mua phế liệu và được chia sẻ trên phương tiện thông tin đại chúng, có sự phối hợp của các công ty môi trường tại 5 thành phố lớn bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng và Cần Thơ.