Thủy sản Việt Nam sớm gỡ thẻ vàng

16:44, 20/02/2022

TheLEADERSắp tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tổ chức đoàn công tác thực địa để ghi nhận những kết quả của Việt Nam trong nỗ lực chống khai thác thủy sản IUU.

Đây là thông tin được đưa ra bởi ông Frans Timmermans, Phó chủ tịch điều hành EC, trong buổi làm việc mới đây với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thuộc khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam.

Ông Timmermans cũng chia sẻ những khó khăn, khác biệt của Việt Nam gây ảnh hưởng tới việc chống khai thác thủy sản IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Đó là đặc thù phức tạp tại biển Đông; thói quen, tập quán của ngư dân cũng như sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật, năng lực quản lý nghề cá.

Phó chủ tịch EC đồng cảm với khó khăn của Việt Nam vì “ngư dân dù là là người Việt Nam hay Hà Lan, Tây Ban Nha… cũng không chịu được sự quản lý”. Ngư dân trên khắp thế giới luôn có tâm niệm “ra khỏi cảng là thỏa sức vẫy vùng ở biển lớn”, do đó rất khó để áp dụng quy trình theo dõi nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, việc áp dụng những tiêu chuẩn chống khai thác IUU là cần thiết vì chính sinh kế lâu dài của nghề biển. Vì vậy, việc thuyết phục ngư dân chấp thuận quản lý, khai thác thủy hải sản có trách nhiệm là đặc biệt quan trọng.

Trao đổi với đại diện EC, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện những biện pháp bền vững hóa ngành thủy sản, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía đối tác châu Âu.

Đó là việc thực hiện Đề án phòng chống khai thác thủy hải sản IUU đến năm 2025 với 8 nhóm giải pháp trọng tâm; thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU do Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng ban; ban hành Luật Thủy sản; ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp với luật pháp quốc tế.’

Kể từ khi nhận cảnh cáo thẻ vàng từ EU, ngành thủy sản Việt Nam chịu tác động rõ rệt trong hoạt động xuất khẩu. Thị trường EU từ vị trí là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam, đã tụt xuống vị trí thứ 5.

100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc khai thác khi xuất sang EU đều bị giữ lại kiểm tra gắt gao, gây ảnh hưởng đến chất lượng lô hàng, khó khăn cho doanh nghiệp, tác động tiêu cực cả tới sinh kế của ngư dân.

Đối với các thị trường khác, việc bị thẻ vàng khiến thủy sản Việt Nam bị ảnh hưởng phần nào đến uy tín, mất lòng tin từ phía bạn hàng quốc tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, việc tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Không chỉ nhằm mục đích gỡ những khó khăn, vướng mắc mà còn để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững, phù hợp với những cam kết, lập trường của Việt Nam trên trường quốc tế.