Tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn năm 2018 khó đạt kế hoạch

Minh An - 19:34, 19/11/2018

TheLEADERCả TP.HCM và Hà Nội chưa triển khai cổ phần hóa được đơn vị nào trong số các doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018.

Bộ Tài Chính vừa có báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.

Tài liệu này nhằm phục vụ Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước diễn ra ngày 21/11/2018 tới đây.

Theo báo cáo, trong 11 tháng đầu năm 2018 đã cổ phần hóa 12 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp của 12 doanh nghiệp là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.413 tỷ đồng.

Trước đó năm 2016 đã cổ phần hóa 66 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng. Năm 2017 đã cổ phần hóa 69 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng.

Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. Theo kế hoạch này, riêng trong năm 2017 và 2018 phải cổ phần hóa 108 doanh nghiệp. Tuy vậy đến nay mới cổ phần hóa được 27/127 doanh nghiệp trong kế hoạch này.

Về tình hình thoái vốn, báo cáo cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2018 đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng. Trong đó có 18 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng.

Giai đoạn từ 2016 đến tháng 11/2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỷ đồng, thu về 155.735 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 thoái được 3.645 tỷ đồng, thu về 6.839 tỷ đồng và năm 2017 thoái được 9.046 tỷ đồng, thu về 138.327 tỷ đồng (gồm khoản thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Vinamilk).

Bộ Tài chính cho biết, tiến độ triển khai cổ phần hóa và thoái vốn từ đầu năm chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cả TP.HCM và Hà Nội chưa triển khai cổ phần hóa được đơn vị nào trong số các doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018. Theo kết hoạch hai thành phố này phải cổ phần hóa 53 doanh nghiệp chiếm 60% số doanh nghiệp phải cổ phần hóa năm nay.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chính tiến độ cổ phần hóa.

Ngoài ra, tỷ lệ vốn nhà nước trong Phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Báo cáo cũng cho biết, tổng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn (bao gồm thoái vốn nhà nước và thoái vốn tại các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước) trong giai đoạn từ 2016 đến nay đạt khoảng 206.720 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 – 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng theo yêu cầu nguồn vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.

Từ năm 2016 đến ngày 18/11/2018, 135.000 tỷ đồng đã được chuyển từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước theo Nghị quyết trên của Quốc Hội.