Tiếp tục thông qua 4 dự án tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải theo cơ chế JCM

An Nhiên - 09:15, 17/08/2018

TheLEADERThứ trưởng Lê Công Thành cho biết, đến năm 2030, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế.

Tiếp tục thông qua 4 dự án tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải theo cơ chế JCM
Cơ chế JCM được đánh giá là một trong các cơ chế cụ thể hóa định hướng của Thỏa Thuận Paris.

Hôm qua (15/8), cuộc họp thường niên lần thứ 7 của Ủy ban Hỗn hợp triển khai cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được tổ chức nhằm đánh giá tình hình triển khai cơ chế JMC, tháo gỡ vấn đề khó khăn trong quá trình triển khai và thảo luận thông qua các phương pháp luận, hỗ trợ đăng ký và cấp tín chỉ cho các dự án JCM.

Cơ chế JCM được đánh giá là một trong các cơ chế cụ thể hóa định hướng của Thỏa Thuận Paris, có nhiều tiềm năng thành cơ chế toàn cầu với mạng lưới các quốc gia tham gia ngày càng tăng.

Cụ thể, JCM là một cơ chế tín dụng liên kết giữa Nhật Bản và các nước khác, trong đó Việt Nam đã tham gia vào tháng 7/2013 thông qua bản ghi nhớ hợp tác về ‘Tăng cường carbon thấp và xây dựng cơ chế tín chỉ chung JCM’. 

Theo đó, khi doanh nghiệp Nhật Bản tư vấn, chuyển giao các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải cho các doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ được hưởng tín dụng ưu đãi từ phía Nhật Bản, mức tín dụng tối đa lên đến 50% tổng chi phía dự án, đồng thời, lượng CO2 cắt giảm sẽ được tính cho phía Nhật Bản. Nhà thầu thi công, nhà đầu tư hay nhà cung cấp thiết bị đều có thể tham gia dự án này.

Tính đến nay, Ủy ban hỗ trợ đã thông qua 9 phương pháp luận, triển khai 5 dự án và cấp tín chỉ cho 2 dự án JCM tại Việt Nam gồm dự án VN002 thúc đẩy bệnh viện xanh thông qua tăng cường hiệu quả năng lượng/môi trường tại các bệnh viên quốc gia tại Việt Nam và dự án VN003 về Khách sạn các-bon thấp ở Việt Nam nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng của các tòa nhà thương mại thông qua ứng dụng thiết bị hiệu năng cao. 

Trong đó, vấn đề được các ủy viên quan tâm là vẫn chưa có một bộ tiêu chí để áp dụng chung làm cơ sở để phân bổ lượng tín chỉ đạt được của mỗi dự án.

Ngoài ra, tại cuộc họp, Ủy ban hỗ trợ cũng đã phê duyệt đăng ký dự án JCM của 4 dự án gồm VN006 ‘Tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu suất làm việc bằng cách giới thiệu hệ thống đèn LED mới với công nghệ chip trên bo mạch ở Việt Nam’; VN007 ‘Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời ở các Trung Tâm Thương mại tại TP.HCM’; VN008 ‘Đề xuất lắp đặt máy biến áp vô định hình hiệu suất cao trên mạng lưới phân phối điện tại khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam’; VN009 ‘Đề xuất lắp đặt máy điều hòa tiết kiệm năng lượng tại Công ty TNHH Sản Phẩm RICOH Imaging Việt Nam’.

Phía Nhật Bản còn đề xuất triển khai REED+ theo cơ chế JCM. Theo đó, REED+ là cơ chế giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng Các-bon rừng.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, đến năm 2030, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Vì vậy, trong thời gian từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần tăng cường triển khai cơ chế JCM thiết thực, hiệu quả. Cục Biến đổi khí hậu cần phối hợp với các cơ quan có liên quan của Nhật Bản và của các nước, tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động JCM tại các diễn đàn quốc tế, thúc đẩy để JCM sớm thành cơ chế toàn cầu.