Tìm kiếm động lực từ những cực tăng trưởng mới

Phạm Sơn - 08:14, 05/06/2023

TheLEADERCác cực tăng trưởng trong bối cảnh mới không chỉ đóng vai trò làm đầu kéo cho nền kinh tế đất nước, mà còn thuận theo điều kiện riêng để tạo ra động lực mang tính lan tỏa, hướng tới tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững.

Tìm kiếm động lực từ những cực tăng trưởng mới
TP.HCM tăng trưởng thấp trong quý I/2023. Ảnh: Hoàng Anh/TL

Quý I/2023, GRDP của TP.HCM tăng trưởng 0,7%, xếp thứ 56/63 tỉnh thành phố trên cả nước và thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Dù trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng này cũng gây ra nhiều thất vọng bởi TP.HCM luôn được coi là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của khu vực miền Nam nói riêng và cả đất nước nói chung.

Giáp với TP.HCM, tỉnh Bình Dương được xem là thủ phủ công nghiệp của Đông Nam Bộ, với nhiều nhà máy, khu công nghiệp có quy mô, tiếp nhận một lượng lớn lao động từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, quý I/2023, tốc độ tăng trưởng của Bình Dương cũng gây thất vọng không kém, chỉ đạt 1,2%.

Ngược ra miền Bắc, tỉnh Bắc Ninh là “cái tổ” của nhiều đại bàng toàn cầu như Samsung, Intel, Amkor, Pegatron…, vẫn luôn được coi như một hình mẫu về sự “lột xác” toàn diện nhờ chiến lược công nghiệp hóa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Bắc Ninh đã xếp ''đội sổ'' cả nước về tăng trưởng quý I/2023, với tốc độ tăng trưởng -11,85%.

Thực trạng tốc độ tăng trưởng thấp một cách tệ hại tại một số địa phương có nhiều tiềm lực kinh tế có thể lý giải một phần nằm ở bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều biến động và đứng trước bờ vực suy thoái. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra câu hỏi lớn về mô hình tăng trưởng cũng như khả năng chống chịu của những cực tăng trưởng này.

Tìm cực thúc đẩy tăng trưởng mới?

Thực tế, trong suốt gần 40 năm kể từ khi thực hiện Đổi mới, Việt Nam đã dồn lực thúc đẩy một số khu vực kinh tế trọng điểm, từ đó hình thành những địa phương trở thành cực tăng trưởng, dẫn dắt kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu.

Nói với TheLEADER, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Đời sống xã hội, nhận định, mô hình phát triển theo trọng điểm rất phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, tuy nhiên cũng gây ra sự chênh lệch tương đối lớn giữa vùng trọng điểm và “vùng không trọng điểm”. Mô hình này không còn phù hợp bởi “có trọng điểm là sẽ có sự mất cân bằng”.

Mới đây, tại cuộc họp giữa Chính phủ với các địa phương, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố cho biết, kinh tế địa phương đang có chuyển biến tốt. Một số nơi, tiêu biểu như TP.HCM, dự kiến sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong quý II/2023, lấy đó làm nền tảng để phục hồi ổn định vào cuối năm.

Điều này nói lên sự suy giảm trong quý I/2023 ở một số địa phương giàu tiềm năng chỉ mang tính nhất thời. Tuy nhiên, sự nhất thời ấy xuất hiện trong bối cảnh diễn biến kinh tế, chính trị toàn cầu ngày càng khó lường, như một lời cảnh tỉnh cho mô hình tăng trưởng chưa thực sự bền vững ở những địa phương này, cũng như cảnh tỉnh cho mô hình tăng trưởng theo trọng điểm của đất nước đang khiến nền kinh tế thiếu đi sức đề kháng.

Những cực tăng trưởng mới không phải để thay thế các “cực tăng trưởng cũ”, thay vào đó là phối hợp với các cực tăng trưởng cũ để thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời đảm nhận thêm vai trò lan tỏa, phát huy thế mạnh của từng vùng kinh tế.

Sự sụt giảm ấy cũng làm dấy lên câu hỏi rằng liệu đã đến lúc cần tìm kiếm những “cực tăng trưởng mới”? Những cực tăng trưởng mới này không phải để thay thế các “cực tăng trưởng cũ”, thay vào đó là phối hợp với các cực tăng trưởng cũ để thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế, đồng thời đảm nhận thêm vai trò lan tỏa, phát huy thế mạnh của từng vùng kinh tế.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chủ trì tổ chức 6 hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội. Cùng với đó, quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể các vùng và quy hoạch của từng địa phương giai đoạn 2021 – 2030 cũng đã và đang tiếp tục được ban hành, phần nào định hình những trung tâm kinh tế mới, tiềm năng trở thành các cực dẫn dắt tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững.

Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030 cùng Cơ chế đặc thù phát triển TP. Cần Thơ được ban hành thời gian qua xác định Cần Thơ sẽ trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiệm vụ tạo ra tác động lan tỏa về nhiều mặt và là cửa ngõ của miền Tây ra cả nước cũng như ra thế giới.

Đặt vào bức tranh chung của miền Tây, để phát huy vai trò trung tâm, Cần Thơ không được quy hoạch trở thành địa phương trọng tâm sản xuất công nghiệp như Bình Dương. Thay vào đó, Cần Thơ phát triển hạ tầng logistics, đẩy mạnh chế biến nông sản công nghệ cao, từ đó hỗ trợ cho nông nghiệp vùng chuyển đổi theo hướng “thuận thiên” và hiện đại hóa.

Thúc đẩy nền nông nghiệp miền Tây phát triển bền vững cũng là một “liều thuốc bổ” giúp tăng sức đề kháng của kinh tế đất nước. Bởi lẽ, trong bối cảnh những bất ổn liên tiếp gia tăng một vài năm trở lại đây, nông nghiệp nói chung và nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã trở thành bệ đỡ vững chắc cho toàn nền kinh tế.

Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, động lực tăng trưởng chính trong bối cảnh mới không chỉ nằm ở Hà Nội. Hội nghị “3 trong 1” triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết phát triển Đồng bằng sông Hồng được tổ chức tại Quảng Ninh, đã nhấn mạnh vai trò mới của Quảng Ninh và Hải Phòng như một động lực quan trọng.

Tìm kiếm động lực từ những cực tăng trưởng mới 1
Cảng Lạch Huyện, TP. Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Anh/TL

Hải Phòng và Quảng Ninh, cùng với Hà Nội là tam giác tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng là 2 địa phương những năm gần đây có nhiều dấu ấn về tăng trưởng kinh tế, liên kết vùng cũng như cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp. Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định xây dựng Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành những trung tâm kinh tế biển mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, là cửa ngõ của vùng ra thế giới.

Với những tiềm lực riêng, trung tâm kinh tế biển tại Hải Phòng và Quảng Ninh là mảnh ghép hoàn hảo cho hệ sinh thái công nghiệp – dịch vụ tại Đồng bằng sông Hồng, phát huy lợi thế về phát triển công nghiệp của các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cũng như thế mạnh của trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Hà Nội.

Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết phát triển vùng Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được tổ chức tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, một địa phương tiềm năng để cùng với TP. Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng cho vùng.

Với lợi thế có cảng nước sâu, vị trí giao điểm của các trục giao thông và là cửa ngõ ra biển gần nhất cho Tây Nguyên, những năm gần đây, Bình Định đang duy trì vị trí dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tăng trưởng kinh tế. Sự đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống hạ tầng mang tính đột phá như tuyến đường từ cảng hàng không Phù Cát tới khu kinh tế Nhơn Hội, tuyến Quốc lộ 19 mới… giúp Bình Định mở ra những đô thị ven biển có tiềm năng kinh tế lớn, có tiềm năng đảm nhận vị trí trở thành trung tâm logistics, xuất nhập khẩu không chỉ cho Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ mà còn cả vùng Tây Nguyên.

Các quy hoạch cho thời kỳ mới đánh dấu bước chuyển đổi tư duy sang xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách pháp luật và kiến tạo phát triển đã và đang làm lộ diện những cực tăng trưởng mới, với diện mạo hoàn toàn mới, tập trung vào thế mạnh của từng vùng kinh tế - xã hội thay vì dồn lực cho công nghiệp.

Kết hợp với đó, hội đồng điều phối các vùng Thủ đô, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… cũng đã và đang được thành lập, mở ra cơ chế mới giúp tăng cường tính liên kết vùng, từ đó phát huy được tính lan tỏa của các cực tăng trưởng. Mô hình tăng trưởng mới toàn diện hơn, bền vững hơn và có sức chống chịu tốt hơn cũng dần được định hình.