Tin tưởng lẫn nhau để xây dựng kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 18:37, 07/12/2021

TheLEADERChìa khóa cho phát triển kinh tế tuần hoàn nằm ở việc phát triển mối quan hệ đối tác đáng tin cậy của chính những đối thủ cạnh tranh trong ngành, thông qua những quy chuẩn chung.

Tin tưởng lẫn nhau để xây dựng kinh tế tuần hoàn
Khả năng tiếp cận nguồn phế liệu là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một từ khóa “hot”, được nhắc đến bởi nhiều văn kiện, bài phát biểu, bài nghiên cứu về định hướng cho tương lai nền kinh tế, phát triển bền vững hay phục hồi hậu đại dịch.

Những phát biểu chuyên sâu hơn về kinh tế tuần hoàn thường nhấn mạnh quan điểm về tính tất yếu, cương quyết trong vấn đề xử lý rác thải và giữ cho vật chất tồn tại lâu nhất trong chuỗi giá trị. Một cơ hội kinh tế với quy mô hàng nghìn tỷ USD, bao gồm lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng như sinh kế của người lao động cũng được hứa hẹn sẽ là điều kinh tế tuần hoàn đem lại.

Tuy nhiên, theo Trường Kinh doanh INSEAD, những số liệu thống kê liên tục được cập nhật cho thấy, nền kinh tế toàn thế giới dường như đang không đi theo hành trình tuần hoàn. Thậm chí, một số chuyên gia đưa ra quan điểm rằng chúng ta đang đi ngược với những giá trị được đặt ra.

Lý giải về hiện tượng này, ông Atalay Atasu, Chủ tịch về Môi trường và bền vững của INSEAD cho biết, các doanh nghiệp đang “không biết nên bắt đầu từ đâu”, khi kinh tế tuần hoàn đòi hỏi những sự thay đổi quá lớn về quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng, cũng như yêu cầu về công nghệ và sự hỗ trợ từ phía chính sách.

Mô hình VAP và sự cần thiết của hợp tác nội ngành

Với kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp mong muốn chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn, theo INSEAD, có 3 yếu tố đáng để lưu tâm, bao gồm giá trị; khả năng tiếp cận và quy trình, gọi tắt là mô hình VAP.

Trong đó, yếu tố giá trị nhấn mạnh vào vấn đề đảm bảo có thể thu giữ và tạo ra giá trị từ những nguyên liệu thứ cấp.

Khả năng tiếp cận có nghĩa là khả năng đảm bảo nguồn nguyên vật liệu thứ cấp đầu vào, đồng thời sản phẩm tái chế được đón nhận bởi người tiêu dùng.

Yếu tố quy trình cũng rất quan trọng vì hoạt động tái chế không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Ví dụ, việc tách các kim loại, khoáng chất trong phế thải máy móc điện tử có thể tiêu hao chi phí lớn, thậm chí là không thể thực hiện nếu không có quy trình bài bản.

Tuy nhiên, trong thực tế, áp dụng mô hình VAP cho các doanh nghiệp, ông Atasu nhận ra một điều là để đạt được cả 3 yếu tố trong mô hình, doanh nghiệp khó có thể tự tiến hành tuần hoàn hóa chuỗi cung ứng một mình.

“Thực tiễn áp dụng mô hình VAP cho thấy doanh nghiệp phải chấp nhận gạt bỏ “quan điểm thị trường” và bắt tay với chính những đối thủ cạnh tranh”, Chủ tịch INSEAD nhận xét.

Lấy ví dụ về EMMA Safy Footwear, một công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất giày bảo hộ từ nguyên liệu tái chế. Ý tưởng của EMMA rất đột phá, tuy nhiên khi triển khai thực tế vấp phải vô số khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là khả năng tiếp cận với nguồn giày dép đã qua sử dụng. Nếu tiếp tục “đơn thương độc mã”, EMMA sẽ không thể đạt đến quy mô hòa vốn, chưa nói đến là có lợi nhuận.

Thực tế này đưa EMMA đến quyết định bắt tay với đối thủ cạnh tranh là Allshoes Safety Footwear cùng với công ty tư vấn FBBasic, cho ra đời Liên minh Giày dép tuần hoàn (CFA), qua đó đảm bảo được nguồn giày dép qua sử dụng làm nguyên liệu đầu vào. Với sự hợp tác trong CFA, EMMA dự đoán sẽ hòa vốn và có lãi kể từ năm 2022.

Nguyên tắc cho hợp tác nội ngành

Thực tế, nhiều liên minh, tổ chức đã ra đời trên cơ sở những cái bắt tay của đối thủ cạnh tranh trong ngành để hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, có thể kể đến như Sáng kiến Tái thiết kế dệt may của Quỹ Ellen MacAthur với 70 thương hiệu thời trang; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với 19 doanh nghiệp FMCG hàng đầu quốc gia…

Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh, dù sẵn sàng bắt tay nhau nhưng một số vẫn chưa thể thực sự có được sự tin tưởng, dẫn đến các mô hình hợp tác chưa phát huy được hiệu quả.

Mấu chốt để tháo nút thắt này, theo ông Atasu nằm ở nguyên tắc xác định mục tiêu. Theo đó, tính bền vững mới thực sự là mục tiêu chứ không phải khả năng tuần hoàn.

Xác định được điều này, các doanh nghiệp cần đi đến thống nhất về ý nghĩa của tính bền vững trong ngành để tạo ra tiêu chuẩn chung, ví dụ tỷ lệ tái chế bao bì, khả năng bù hoàn nước hay cần tránh sử dụng loại vật liệu nào trong sản xuất sản phẩm.

Những quy chuẩn chung sẽ là thước đo minh bạch cho sự hiệu quả của nỗ lực của mỗi doanh nghiệp trong ngành. Cùng đi đến một mục tiêu chung mà không ai có thể tự tiến hành, trong đó mỗi doanh nghiệp phải tự đánh giá một cách minh bạch nỗ lực của mình. Đây chính là nền tảng cho sự tin tưởng.

Sự điều chỉnh từ phía Nhà nước cũng sẽ đóng vai trò tích cực trong thiết lập những mối hợp tác bền vững và tin cậy lẫn nhau, bao gồm đặt ra quy định cũng như hỗ trợ phát triển các công cụ tài chính hỗ trợ và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho kinh tế tuần hoàn.