TP.HCM xin cơ chế đặc thù cho điện mặt trời mái nhà

Nguyễn Cảnh - 09:17, 20/03/2023

TheLEADERSở Công thương TP.HCM vừa báo cáo UBND đề xuất Chính phủ ban hành về cơ chế đặc thù để được phát triển nguồn phát điện tại chỗ. Trong đó, tập trung năng lượng mặt trời mái nhà để cung cấp cho lượng phụ tải rất lớn tại địa phương.

Cụ thể, TP.HCM đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế mua điện theo giá FIT, cơ chế thực hiện đầu tư điện mặt trời mái nhà được tiếp tục áp dụng theo quy định tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng; cho phép sử dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) để tự sử dụng và bán phần điện dư thừa (nếu có) cho ngành điện.

Nếu được Chính phủ chấp thuận, hệ thống lưới điện của thành phố đảm bảo giải tỏa hết công suất của các hệ thống ĐMTMN lắp đặt trên địa bàn, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải, Sở Công thương TP.HCM đánh giá.

Với lợi thế là địa phương sở hữu lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày, TP.HCM có số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 đến 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc.

Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời mái nhà ở TP.HCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.000MWp, được xác định cho 4 nhóm đối tượng: nhóm cơ quan hành chính chiếm 3,27%; nhóm sản xuất chiếm khoảng 31,3%; nhóm thương mại dịch vụ khoảng 3% và nhóm hộ gia đình chiếm 62,34%.

Việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời mang ý nghĩa về xã hội và môi trường vì thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà. Thêm vào đó là đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững của thành phố và phù hợp chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ.

Đồng thời, không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện hàng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao mà còn có thể tăng thu nhập, chống nóng hiệu quả cho công trình, nhất là các vùng nông thôn ngoại thành.

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP.HCM đã phát triển thêm 4.339 hệ thống điện mặt trời với công suất khoảng 746MWp, đạt 180% so cùng kỳ năm 2019.

Cùng thời gian năm 2020, tại hội thảo “Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng việc phát triển NLTT, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có ĐMTMN vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Cụ thể như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.

Đối với ĐMTMN, dù rất tiềm năng và dễ làm, nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính. Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư.

Để giảm bớt áp lực cho hệ thống điện quốc gia cần bổ sung kịp thời các nguồn điện đang chậm tiến độ, đồng thời phát triển mạnh nguồn NLTT và ĐMTMN.

Không chỉ gia tăng lợi ích kinh tế cho địa phương và tạo việc làm cho người lao động, giúp hình thành ngành công nghiệp năng lượng của đất nước, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là những người dân, doanh nghiệp lắp đặt ĐMTMN, việc phát triển nguồn NLTT và ĐMTMN cũng sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt các nguồn năng lượng này còn góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045.