Tranh cãi trái chiều về quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20

Thu Phương - 08:16, 15/02/2019

TheLEADERQuy định khống chế chi phí lãi vay của Nghị định 20 bên cạnh việc gây khó cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thì cũng có những tác động tích cực, giúp tạo ra áp lực buộc các doanh nghiệp phải sử dụng vốn đầu tư hiệu quả và minh bạch hơn trong kinh doanh.

Tranh cãi trái chiều về quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20
Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang quá phu thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng. Ảnh minh họa

Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết" quy định "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế". 

Đây là một công cụ hữu hiệu để quản lý hiện tượng chuyển giá có thể xảy ra tại các tập đoàn kinh tế đa quốc gia và các doanh nghiệp liên kết, gây thất thu ngân sách. Quy định nhằm mục đích làm tăng tính minh bạch của các giao dịch liên kết, khuyến khích doanh nghiệp khai thác nhiều nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. 

Tuy nhiên, quy định này cũng có tác động đối với cả doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp bất động sản hoạt động theo mô hình "mẹ - con", đa ngành, có nhiều doanh nghiệp liên kết và là vấn đề gây nhiều tranh luận trên thị trường bất động sản thời gian gần đây

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20 không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật doanh nghiệp năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. 

Ông Nam cho rằng, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản.

Quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn nói riêng khiến các doanh nghiệp e ngại khi vay vốn vì lợi nhuận không đủ bù đắp cho phần chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Quy định khống chế chi phí lãi vay đã tạo ra rào cản đối với hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp”, ông Nam nhận định.

Đặc biệt, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Trong các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ sẽ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn vào các các công ty con. Công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.

Trong bối cảnh đó, quy định của Nghị định 20 tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Dưới góc nhìn khác về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM lại không đồng tình với những quan điểm "kêu khó" về quy định của Nghị định 20. 

Theo ông Châu, Luật Nhà ở quy định về vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại, bao gồm: Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư; vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tiền mua, tiền thuê mua, tiền thuê nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và ốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.

Vị chuyên gia này cho rằng, ngoài bốn nguồn vốn phục vụ cho phát triển nhà ở thương mại nêu trên, các doanh nghiệp có thể huy động thêm nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT), hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để giảm dần sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. 

Theo quy định của pháp luật, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng chỉ là một trong các nguồn cấp vốn cho doanh nghiệp mà thôi.

Trong khi đó, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản lại đang dựa vào hai nguồn vốn chính là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Doanh nghiệp rất cần nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện dự án cho đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn từ khách hàng. 

Tuy nhiên, nếu phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính càng lớn thì độ rủi ro cho doanh nghiệp càng cao và có thể dẫn đến "bong bóng" trên thị trường bất động sản. Đó cũng chính là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản. 

Theo đó, kể từ ngày 01/01/2019, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn; và dự báo Ngân hàng Nhà nước còn có thể giảm trần này xuống 35%, thậm chí 30% và cũng có thể nâng hệ số rủi ro trong các khoản nợ bất động sản lên đến 250% hoặc cao hơn (hiện nay, hệ số rủi ro này là 200%). Do vậy, khả năng doanh nghiệp bất động sản sẽ ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng hơn trước.

Không đồng tình với những quan điểm "kêu khó" về quy định của Nghị định 20, ông Châu cho rằng, việc thực hiện quy định "trần tổng chi phí lãi vay được trừ tối đa là 20%" theo Nghị định 20 và lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và sẽ tạo áp lực tích cực, lành mạnh, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải nâng cao uy tín thương hiệu, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng. 

Theo đó, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đều quy định vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp từ 15 – 20%, còn lại là nguồn vốn huy động. Doanh nghiệp có thể tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. 

Ông Châu đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp cần tăng nguồn vốn chủ sở hữu, chuyển đổi thành công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán. Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm kiếm nguồn vốn bổ sung từ các quỹ đầu tư, từ nguồn vốn FDI, hoặc thông qua hợp tác, liên doanh, liên kết, phát hành trái phiếu.

Tranh cãi trái chiều về quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20 1
Ông Lê Hoàng Châu

Mặt khác, trao đổi với TheLEADER, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, các quy định của Nghị định 20 là việc bình thường của Nhà nước trong khâu quản lý để đấu tranh chống chuyển giá.

"Chuyển giá, trốn thuế là một vấn nạn mang tính toàn cầu, Việt Nam luôn nói là đẩy mạnh đấu tranh chống chuyển giá, trốn thuế, tuy nhiên chúng ta lại quên rằng các doanh nghiệp trong nước cũng đang có những vấn đề tương tự như kê khống, kê giá. Trong khi đó, cơ quan nhà nước chưa có những quy chuẩn tiêu chuẩn, cũng như hệ thống để kiểm soát thực trạng này", ông Châu nhận định.

Do đó, vị lãnh đạo này cho rằng, quy định của Nghị định 20 bên cạnh việc chống chuyển giá đối với các tập đoàn đa quốc gia thì cũng có những tác động rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Qua đó, tạo một áp lực buộc các doanh nghiệp này phải sử dụng vốn đầu tư hiệu quả hơn, minh bạch hơn trong kinh doanh, chống tình trạng tương tự chứ không phải hoàn toàn chỉ là những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cũng cho rằng, đối với thị trường bất động sản, các quy định của Nghị định 20 trong việc khống chế chi phí lãi vay cũng là một trong những yếu tố ảnh hướng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những tác động của quy định này không mấy quan trọng, không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Theo ông Đực, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp và thị trường bất động sản hiện nay những vướng mắc về thủ tục hành chính, thủ tục phê duyệt dự án khiến nguồn cung căn hộ đóng băng.

Trong thời gian tới, nếu vướng mắc này không được tháo gỡ, thị trường sẽ thiếu nguồn cung rất lớn gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản và hoạt động của doanh nghiệp, ông Đực nhấn mạnh.