Tránh hiện tượng hãng tàu biển ngoại ‘bắt tay làm giá’

Phạm Sơn - 12:19, 10/09/2021

TheLEADERTheo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, hiện tượng cước phí vận tải biển tăng nhanh trong thời gian qua có dấu hiệu của việc các doanh nghiệp vận tải nước ngoài bắt tay làm giá, cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tránh hiện tượng hãng tàu biển ngoại ‘bắt tay làm giá’
Giá vận tải biển tăng cao gây áp lực cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Cộng đồng doanh nghiệp và toàn nền kinh tế đang phải đối diện với nguy cơ lớn chưa từng có bởi tác động của dịch Covid-19. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021, có đến 85 nghìn doanh nghiệp phá sản, cùng nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng để duy trì đời sống cho người lao động.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cũng như phải duy trì bố trí nhân lực, duy trì sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp phải khó khăn không chỉ đến từ thiếu hụt nguồn cung mà còn là sự tăng giá cước của vận tải biển quốc tế.

Ông Trung cho biết, hiện nay giá cước các tuyến vận tải biển đường xa như đi sang các cảng biển châu Âu, châu Mỹ đều đã vọt lên mức kỷ lục, trên 10 nghìn USD mỗi container. Cá biệt, mới đây một hãng tàu còn công bố giá vận chuyển 1 container sang bờ đông nước Mỹ lên đến 18 nghìn USD.

Không chỉ ở Việt Nam mà tại một số cảng lớn ở châu Á như Cao Hùng (Đài Loan), Diêm Điềm (Trung Quốc) đi các cảng châu Âu, châu Mỹ cũng dao động ở mức cao, tăng gấp khoảng 3 lần so với hồi tháng 6. Tính cả chi phí vận tải nội địa, một số doanh nghiệp thậm chí đã phải chi trả từ 23 – 24 nghìn USD cho mỗi container.

Thực tế, đây là tình trạng chung của thế giới khi thương mại toàn cầu phục hồi, kéo theo nhu cầu vận tải biển tăng cao. Cùng với đó, dịch bệnh và những sự kiện như xung đột, căng thẳng cục bộ diễn ra tại nhiều khu vực cũng góp phần khiến vận tải biển tắc nghẽn. Giá vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2021.

Bên cạnh nguyên nhân do tình trạng trung của thương mại toàn cầu, nhiều ý kiến cho rằng có thể đã xảy ra hiện tượng các hãng tàu biển bắt tay nhau để làm giá.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, hiện nay 100% tuyến vận tải sang thị trường Âu – Mỹ đều do 10 hãng tàu thuộc 3 liên minh khai thác. Do đó, những đợt tăng giá bất thường có thể là dấu hiệu của sự cạnh tranh không lành mạnh.

“Các hãng tàu nước ngoài chiếm lĩnh thị trường vận tải biển quốc tế từ Việt Nam đi các thị trường lớn, do đó dường như họ đang tùy tiện đặt giá, liên kết với nhau để làm giá cũng như thu các phụ phí”, ông Trung nhận định.

Hiện nay, tình trạng giá cước tàu biển tăng cao khiến nhiều ngành hàng rơi vào rủi ro. Có trường hợp, phí vận tải chiếm đến 60% giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, phần lợi nhuận từ việc tăng giá cước đổ hết vào túi của nhóm doanh nghiệp ngoại.

Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có văn bản gửi tới các doanh nghiệp vận tải biển, đề nghị ổn định giá dịch vụ cảng biển trong thời gian dịch bệnh.

Cụ thể, Cục Hàng hải đề nghị doanh nghiệp cảng biển không tăng giá dịch vụ, không phụ thu chi phí phát sinh để đảm bảo bình ổn giá, tránh tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Trong trường hợp tăng giá dịch vụ, phải thực hiện kê khai, niêm yết giá theo đúng quy định của pháp luật.

Đề nghị của Cục Hàng hải được kỳ vọng sẽ phần nào tháo gỡ gánh nặng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Trung, trong dài hạn cần có những biện pháp thích hợp để quản lý thị trường vận tải biển.

Ông Trung đề xuất Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi nhằm ổn định khung pháp lý của Bộ luật hàng hải, tránh hiện tượng độc quyền, thiếu tôn trọng khách hàng, tạo sự công bằng cho doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và aliên kết chặt chẽ với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.