Triển vọng phục hồi bi quan tại ASEAN

08:15, 27/08/2021

TheLEADER5 vị trí cuối cùng của bảng xếp hạng khả năng phục hồi tháng 8 do Bloomberg công bố thuộc về Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Triển vọng phục hồi bi quan tại ASEAN
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng để kiểm soát Covid-19.

Covid-19 chưa thể kết thúc như những gì toàn thế giới đã kỳ vọng vào năm ngoái. Sự xuất hiện và lây lan của biến thể Delta nhanh chóng đẩy nhiều nơi trên thế giới tiếp tục rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Bloomberg nhận định, biến thể Delta của chủng vi rút gây bệnh đã đảo ngược tình thế, đưa những nền kinh tế có triển vọng phục hồi cao nhất trong năm ngoái trở thành điểm nóng của đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, nhiều quốc gia có triển vọng phục hồi cao những tháng trước nhờ triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng như Mỹ và Israel lại tụt hạng nghiêm trọng khi số ca nhiễm vẫn ngày càng tăng cao.

Trung Quốc cũng tụt 15 hạng so với tháng trước dù số ca nhiễm không quá cao. Bloomberg lý giải, những chính sách phòng dịch của Trung Quốc có nguy cơ gây ra thương tổn cho nền kinh tế.

Các quốc gia Đông Nam Á đang trở thành nơi có triển vọng phục hồi ảm đạm nhất khi Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia lần lượt chiếm những vị trí cuối cùng của bảng xếp hạng.

Trong đó, Việt Nam đã từng thành công khống chế dịch bệnh vào năm 2020 và là quốc gia Đông Nam Á duy nhất duy trì mức tăng trưởng kinh tế dương. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 của Việt Nam kéo dài từ cuối tháng 4, đến nay vẫn đang trong tình trạng khó lường. Nhiều tỉnh thành, bao gồm 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đều đang thực hiện giãn cách xã hội.

Số ca nhiễm tại Thái Lan, Malaysia và Philippines đều vượt qua con số 1 triệu vào tháng 7 và tháng 8. Riêng tại Indonesia, số ca nhiễm đã đạt tới hơn 4 triệu người.

Vào nửa cuối tháng 8, một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan được cho là đã đi qua đỉnh dịch. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đường cong dịch tễ có thể sẽ mất khoảng 2 – 3 tháng theo chiều đi xuống, tương đương với khoảng thời gian của chiều đi lên. Như vậy, phải đến cuối năm 2021 khu vực này mới có thể khống chế hoàn toàn dịch Covid-19.

Singapore là điểm sáng duy nhất của Đông Nam Á với 77% dân số đã được tiêm vaccine. Nước này cũng đang tiến hành quá trình mở cửa trở lại một cách thận trọng, bởi tình hình căng thẳng của khu vực khiến nguy cơ bùng phát dịch vẫn tương đối cao. Singapore xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng tháng 8 của Bloomberg.

Bloomberg cho biết, bảng xếp hạng tháng 8 tập trung vào tiến độ tiêm chủng, mức độ nghiêm trọng của các lệnh hạn chế, khả năng di chuyển bằng hàng không và mức độ mở cửa trở lại của ngành du lịch. Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo cũng là nguyên nhân khiến ảnh hưởng của Covid-19 trở nên tồi tệ ở một số quốc gia.

Mặc dù một số quốc gia chứng kiến sự bùng phát trở lại của Covid-19 dù đạt mức tiêm chủng cao, theo Bloomberg, có sự liên hệ rõ rệt giữa tỷ lệ tiêm chủng với tốc độ lây lan và nguy cơ tử vong của người bệnh.

Khẳng định vaccine là giải pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch Covid-19, tuy nhiên ông Bent Hoie, Bộ trưởng Y tế Na Uy, quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng tháng 8 của Bloomberg nhận định, các quốc gia cần có kế hoạch “sống chung” với Covid-19 như đã và đang sống chung với nhiều bệnh truyền nhiễm khác.