T&T Group tạo dấu ấn trên thị trường nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19

Lam Giang - 20:00, 01/04/2020

TheLEADERGiữa cao điểm dịch Covid-19, doanh nghiệp nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi trong nước thi nhau “kêu khó” thì T&T Group vẫn tạo đột biến với thương vụ hơn 115 triệu USD ký kết với đối tác Mỹ. Tập đoàn của “bầu Hiển” có một pha “phản công nhanh ghi bàn” trong lúc ngành nông nghiệp “phòng thủ chặt”.

Vì sao T&T Group có thể “ghi bàn” khi nông nghiệp gặp khó?

Năm 2020 khởi động với rất nhiều thách thức được đặt ra với khối ngành nông nghiệp. Liên tiếp dịch bệnh, thiên tai, hạn mặn ảnh hưởng đến người nông dân. Đầu ra cho các sản phẩm sụt giảm khi một số thị trường lớn phải đóng cửa giao thương do dịch Covid-19. Xuất khẩu thành phẩm đã khó, dịch bệnh như cúm gà, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho nhà nông.

Không chỉ các đơn vị trực tiếp chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi suốt nhiều tháng qua lo lắng vì nguyên liệu sản trong nước phụ thuộc quá lớn vào các nguồn nhập khẩu. Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, Lê Văn Quyết phân tích, hiện thức ăn chăn nuôi đang chiếm từ 70 - 80% chi phí nuôi con gà công nghiệp. 

Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam vẫn theo đà tăng đều mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu đều là do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới tăng. Điều này là rào cản rất lớn để giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi nội địa khi bước vào hội nhập.

Khó khăn là thế, nhưng đâu đó vẫn lóe lên những điểm sáng. Trong số đó có thể kể đến hợp đồng hơn 115 triệu USD của T&T Group với đối tác Marquis Energy Global về nhập khẩu nông sản. Ngay sau ký kết, 48.000 tấn DDGS trị giá 13 triệu USD đã được đối tác Hoa Kỳ chuyển về Việt Nam. Marquis Energy Global từ lâu được biết đến là Tập đoàn hàng đầu nước Mỹ về cung cấp các mặt hàng như dầu, ethanol, DDGS, …

Ở thời điểm khó khăn của thị trường chung, nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi chọn cách “thu mình” chờ thời cơ, một phần vì giá nguyên liệu đang tăng do thiếu nguồn cung từ Trung Quốc thì T&T Group lại mạnh dạn liên kết với đối tác Mỹ. Vì sao doanh nghiệp của bầu Hiển lại có pha “ghi bàn” trong tình hình căng thẳng như hiện nay?

Quay ngược lại mốc thời gian, năm 2015, T&T Group thành lập công ty con tại Mỹ, một thị trường rất khó tính. Âm thầm triển khai và thực hiện, đến nay T&T Mỹ đã có được những thành công ban đầu ở lĩnh vực bất động sản và bây giờ là nông nghiệp.

Một khó khăn lớn trong thương vụ này là T&T Group phải chứng minh được năng lực tài chính, uy tín thương hiệu với đối tác Marquis Energy Global. Sau nhiều buổi làm việc, phía Mỹ hoàn toàn bị thuyết phục bởi tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, hệ sinh thái đa dạng cùng với kinh nghiệm xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp của T&T Group (như vực dậy thành công thủy sản Bình An Bianfisco, ký hợp đồng thu mua điều thô lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới…).

Có được đầu mối tại xứ cờ hoa là lợi thế rất lớn cho tập đoàn của bầu Hiển mạnh dạn triển khai các hợp đồng lớn với đối tác hàng đầu thế giới như Marquis Energy Global. Trong một bài phỏng vấn cách đây không lâu, ông Đỗ Quang Vinh (Tổng Giám đốc T&T Mỹ) cho biết đơn vị này sẵn sàng trở thành cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam làm việc với đối tác Hoa Kỳ và tìm kiếm các cơ hội thành công từ thị trường này. Phải chăng, hợp đồng 115 triệu USD hàng nông nghiệp của T&T Group chính là bước đầu xuất phát cho kế hoạch này?

T&T Group tạo dấu ấn trên thị trường nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19
Năm 2020 khởi động với rất nhiều thách thức được đặt ra với khối ngành nông nghiệp.

Quay lại với nông nghiệp trong nước, từ bài học của T&T Group chỉ ra, trong cái khó cần doanh nghiệp phải chuyển mình tìm ra hướng đi mới. Tiếp tục duy trì quan hệ với đối tác cũ nhưng cũng phải chào hàng thêm các bạn hàng mới để cân bằng cung cầu mỗi khi có sự cố thiên tai, địch họa.

T&T Group đang đầu tư thế nào trong mảng nông nghiệp

Dấu ấn đầu tiên người ta nhớ tới “bầu Hiển” trong lĩnh vực nông nghiệp là lần giải cứu Bianfishco của đại gia Diệu Hiền một thời. Khi Bianfishco đang ngập trong nợ nần thì T&T Group và SHB xuất hiện tái cơ cấu đơn vị này. 

Đây cũng có thể coi là một dấu mốc quan trọng trong việc T&T Group xây dựng công ty con tại Mỹ. Bởi lẽ Bianfishco có giấy phép xuất khẩu cá sang Hoa Kỳ, một giấy phép quan trọng mà không nhiều doanh nghiệp thời điểm ấy có được và đơn vị này cũng có nhiều mối quan hệ với đại gia ngành thủy sản.

Dấu ấn đậm nét của T&T Group trong lĩnh vực nông nghiệp phải là năm 2019 khi nhập khẩu số lượng lớn điều thô và xuất khẩu điều nhân. Trong năm ngoái, T&T Group ký hợp đồng thu mua hạt điều lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới với Hiệp hội ngũ cốc và các sản phẩm khác của Tanzania (The Cereals and Other Produce Board of Tanzania - CPB). Theo đó, Tập đoàn T&T Group mua 176.000 tấn điều thô mùa vụ 2018 trong tổng số 210.000 tấn điều thô mà Chính phủ Tanzania đã mua dự trữ từ nông dân.

Bên cạnh Tanzania, Tập đoàn T&T Group mua thành công hơn 200.000 tấn hạt điều thô từ Bờ Biển Ngà. Sản lượng sẽ tăng dần qua các năm, đạt mức 300.000 tấn vào năm nay và sau đó ước tính tăng lên 400.000 tấn. Doanh nghiệp Việt Nam cam kết đầu tư nhà máy chế biến điều ở Bờ Biển Ngà với công suất giai đoạn 1 là 15.000 tấn và giai đoạn 2 lên tới 50.000 tấn.

Từ hợp đồng kinh doanh trị giá 115 triệu USD với đối tác Mỹ, có thể nhận ra, nông nghiệp đang là hướng đi lâu dài và hiệu quả của Tập đoàn T&T Group. Dù năm 2020 bắt đầu với nhiều khó khăn với sức ép khách quan nhưng việc quyết liệt hợp tác và triển khai các thương vụ với doanh nghiệp hàng đầu thế giới về nông nghiệp, với lợi thế tài chính vững chắc, chắc chắn là hướng đi đúng của T&T Group.