'Tự lực cánh sinh mới giúp doanh nghiệp thoát khỏi thế chân tường'

Thái Bình - 08:10, 13/10/2020

TheLEADERÔng Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNC Group cho rằng, chỉ có tự phát triển nội lực mới giúp doanh nghiệp vững vàng trong khủng hoảng.

'Tự lực cánh sinh mới giúp doanh nghiệp thoát khỏi thế chân tường'
Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNC Group

Ra đời từ năm 2016, VNC International group tập trung hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp thiết bị vệ sinh, vật tư ngành điện nước của 2 thương hiệu uy tín trong nước và thế giới: RHENWARE; KONSHNE. 

Đồng thời, hai mảng chính của VNC là phân phối các sản phẩm nội thất xây dựng (bán lại cho đại lý cấp 1, cấp 2 trên thị trường) và tập trung vào các dự án công trình lớn như khách sạn, chung cư đô thị.

Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19, các hoạt động nêu trên đều dừng hoàn toàn. Lý do là các công trình bị dừng lại do thiếu hụt nguồn vốn cũng như quy định nghiêm cấm hoạt động tập trung đông người. Đồng thời, các cửa hàng phân phối cũng theo đó đình trệ, không tiêu thụ được sản phẩm như kỳ vọng.

Trong trạng thái tê liệt một cách khủng hoảng như vậy, ban lãnh đạo VNC Group đã quyết định phát triển mạnh vào mảng thương mại điện tử - bởi chỉ có như vậy mới giúp đả thông nguồn sản phẩm khỏi những địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Đà Nẵng – thị trường bán hàng trọng điểm của VNC Group (bên cạnh Hà Nội và TP. HCM) lại là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất của dịch, trong khi các tỉnh thành khác vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Do đó, chúng tôi phải tìm cách vượt khỏi ranh giới hạn đó bằng giải pháp đẩy mạnh thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, makerting bán hàng online trên các trang điện tử như Tiki, Shopee, Sendo, Lazada hoặc quảng cáo trên Facebook, Zalo cũng được VNC Group quán triệt tới từng bộ phận vận dụng một cách tối đa. 

Do kho hàng có mặt trên cả nước nên VNC có thể xuất hàng tới từng khách hàng tại các tỉnh thành qua đường giao thông vận tải mà không bị ảnh hưởng bởi dịch.

Đây có thể coi là phao cứu sinh của doanh nghiệp. Thời gian đầu, doanh số của công ty chỉ đạt vài chục triệu đồng, tuy nhiên, dần dần con số này đạt tới cả trăm triệu mỗi ngày.

Thông thường, lợi nhuận mang lại từ mạng lưới phân phối cấp 1, cấp 2 chỉ khá khiêm tốn do bị khấu trừ bởi nhiều yếu tố. Trong tình trạng khó khăn bủa vây, VNC tiếp tục tính tới bài toán bán lẻ tới từng khách hàng cá nhân/hộ gia đình có nhu cầu xây dựng dân dụng nhằm góp phần duy trì, luân chuyển dòng tiền nội tại của doanh nghiệp.

Cụ thể, công ty sử dụng phương án cho các sale xuống từng công trình nhỏ lẻ để tư vấn, giới thiệu các sản phẩm nội thất cho khách hàng – tức, đi tận điểm cuối cùng của chuỗi tiêu dùng. 

Đặc biệt, là VNC đưa ra các chương trình khuyến mại đặc biệt, chiết khấu lên tới 50-60% giá trị sản phẩm để kích cầu, cũng như hỗ trợ người dân vượt qua dịch. 

Ví dụ, mỗi nhà dân dụng có nhu cầu xây 2 tầng, với sản phẩm nội thất được chiết khấu mạnh như của VNC, sale cơ bản hoàn thành được mức giá trị kinh doanh 20 triệu đồng/một khách hàng.

Mỗi nhân viên có thể tư vấn, chăm sóc được khoảng 5-7 deal (khách)/ngày. Như vậy, chỉ khoảng 10 nhân viên thành công 50% số deal thì con số cũng không hề nhỏ. Qua đó, góp phần giải tỏa hàng tồn kho trong tập đoàn (thông thường, mỗi tháng công ty xuất được khoảng 6-8 container sản phẩm nhưng khi dịch xảy đến, hàng buộc phải nằm yên). 

Về các gói hỗ trợ doanh nghiệp thời đại dịch Covid mà các cơ quan thông tấn liên tục nhắc tới thời gian qua. Thú thật, mỗi khi tới các cơ quan công quyền hay nhất là các ngân hàng để hỏi về vấn đề hỗ trợ thì chỉ là… để tham khảo – vì kết quả nhận được luôn là những cái lắc đầu với lý do chưa có nguồn tài chính.  

Chính lẽ đó, tự lực cánh sinh mới giúp VNC Group cũng như những doanh nghiệp khác thoát khỏi thế chân tường.