Tuyển dụng ngành nào vẫn sôi động giữa bão Covid-19?

Phương Anh - 14:36, 07/10/2021

TheLEADERBất chấp những gián đoạn chưa từng có vì làn sóng Covid-19 lần thứ tư, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao ở một số lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng tích cực, như bán lẻ, năng lượng, công nghệ.

Trong những tháng vừa qua, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động. Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, tình trạng giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị số 16 và các chỉ thị phòng dịch khác đã làm gián đoạn nhiều hoạt động thương mại và dịch vụ.

Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc văn phòng Adecco Hà Nội, cho biết nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong quý III vừa qua vẫn có những tín hiệu tích cực ở một số lĩnh vực.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ Adecco Việt Nam cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng 10%, nổi bật là lĩnh vực bán lẻ. Nhu cầu ở lĩnh vực này cao hơn tới 30% so với quý III năm ngoái, tập trung vào các vị trí cấp cao liên quan đến hỗ trợ công nghệ và vận hành thương mại điện tử.

Cùng với đó, bất chấp các hạn chế của mô hình “3 tại chỗ”, các công ty năng lượng và sản xuất vẫn dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia quản lý dự án, đảm bảo chất lượng và vận hành chuỗi cung ứng cấp cao.

Lĩnh vực công nghệ với các nền tảng thương mại điện tử, thuê ngoài, và các hoạt động kỹ thuật số, một lần nữa dẫn đầu về số lượng nhân sự tuyển dụng.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng, Adecco TP.HCM, đánh giá các tín hiệu trên cho thấy ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp xem các diễn biến dịch bệnh là bình thường, và chủ động phản ứng thông qua kế hoạch liên tục kinh doanh (Business Continuity Planning).

Ngoài ra, thị trường phương Tây đã trở lại bình thường, mà Việt Nam với tư cách là trung tâm sản xuất và dịch vụ, sẽ được hưởng lợi.

Theo bà Đặng Thị Thái Hòa, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng, Adecco TP.HCM, ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia tuyển dụng các nhân sự mới tại Việt Nam, thay vì phụ thuộc vào đội ngũ nhân sự vùng hoặc toàn cầu như trước đây.

Ví dụ như các vị trí kiểm toán nội bộ. Nếu như trước đây, các công ty này thường sử dụng các nhóm kiểm toán từ vùng thì gần đây, nhiều công ty đã tuyển các vị trí mới là nhân sự địa phương cho đội ngũ ở Việt Nam.

Bà Hòa nhận định lý do của xu hướng này khá đa dạng. Một số công việc cần phải thực hiện tại chỗ, trong khi vấn đề hạn chế đi lại giữa các nước khiến việc đi công tác nước ngoài gặp nhiều khó khăn, từ đó việc mở các vị trí mới sẽ thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp quyết định mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam, nên việc tuyển người mới với chi phí nhân sự hợp lý là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, do việc áp dụng các chính sách hạn chế di chuyển nghiêm ngặt, mọi hoạt động tuyển dụng và giới thiệu nhân viên mới đều được thực hiện từ xa.

Bà Hoà phân tích: “Mặc dù việc chào đón nhân sự mới hiện gặp khó khăn do doanh nghiệp không thể giao các loại thiết bị làm việc hoặc gắn kết đội ngũ, nhiều công ty vẫn tiến hành tuyển dụng, sau đó hoãn ngày nhân viên mới đi làm cho đến khi đại dịch được kiểm soát”.

Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ các vị trí chuyên biệt đòi hỏi việc thể hiện kinh nghiệm và đánh giá tại chỗ, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển, hoặc kỹ thuật và phát triển sản phẩm, đành tạm dừng tuyển cho đến khi có thể thực hiện phỏng vấn và đánh giá trực tiếp.