Ưu và nhược điểm khi đưa Blockchain vào ứng dụng trong doanh nghiệp

Việt Hưng - 15:54, 08/10/2018

TheLEADERDù được nhắc tới thường xuyên, nhưng thực tế, khả năng áp dụng Blockchain ở Việt Nam vẫn là một dấu hỏi lớn với nhiều doanh nghiệp.

Blockchain là công nghệ mới đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam thời gian gần đây. Các chuyên gia cho biết, Blockchain có thể áp dụng trong các lĩnh vực như: tài chính - ngân hàng, fintech, logistics, y tế…và hiện đang được các cơ quan Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm.

Dù được nhắc tới thường xuyên, nhưng thực tế, khả năng áp dụng Blockchain ở Việt Nam vẫn là một dấu hỏi lớn. Góp mặt tại sự kiện: "How will Vietnam change with Blockchain", ông Triệu Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Blockchain QNET cho biết, có 2 bất cập mà Việt Nam đang gặp phải.

Đầu tiên là bất cập về kiến thức. Nhóm đối tượng hiểu biết về Blockchain hiện nay chỉ chiếm thiểu số. Không nhiều người nắm được cốt lõi của công nghệ Blockchain, mà chỉ biết qua các ứng dụng như: tiền kĩ thuật số.

Theo ông Dũng, Blockchain nổi bật với tính tin cậy cao. Các dữ liệu giao dịch được ký số (ECDSA)​, toàn bộ các giao dịch được tóm lược đặc trưng trong blockheader​, hàm băm mật mã được sử dụng từ lúc sinh giao dịch tới lúc vào sổ​.

Thực tế, khả năng giả mạo chữ ký số ECDSA là rất thấp, đòi hỏi tài nguyên tính toán cực lớn​. Quá trình kiểm tra giao dịch và block diễn ra nhiều lần và đa lớp, giúp Blockchain trở nên đáng tin cậy.​

Bên cạnh đó, Blockchain ghi điểm nhờ tính không thể đảo ngược. Dữ liệu giao dịch sau khi vào sổ xác nhận đủ lâu sẽ không thể đảo ngược vì các block trong sổ cái được liên kết lồng nhau​, trong mã ID của một block có ‘dấu vết’ của toàn bộ các giao dịch từ đầu cộng thêm các yếu tố ngẫu nhiên.​

Ngay cả khi làm được, đòi hỏi tài nguyên tính toán rất lớn để có thể làm lại sổ vì một block phụ thuộc vào toàn bộ các block trước đó và chi phối toàn bộ các block phía sau.​

Ngoài ra, Blockchain còn có tính bền vững, khi đã phát triển đủ số lượng nút mạng blockchain trở nên không thể bị phá vỡ​, không có nút cổ chai trên blockchain dẫn đến việc tấn công DDoS từ chối dịch vụ rất khó xảy ra​.

Trong trường hợp nếu một hoặc vài nút mạng gặp trục trặc, các nút khác có thể thay thế vì tính chất ngang hàng và dữ liệu luôn đồng bộ​. Dữ liệu trong sổ cái có tính nối chuỗi lồng nhau cũng làm cho việc sửa đổi những giao dịch đã "vào sổ" gần như không thể vì đòi hỏi thời gian và năng lượng tính toán khổng lồ​. Dữ liệu một khi đã lưu lên blockchain gần như không thể bị xóa đi.

Đặc biệt, Blockchain cũng có tính sẵn sàng cao. Các máy trạm blockchain thường rải rác nhiều khu vực địa lý​, hoạt động sinh block thường được hưởng tiền thưởng nên luôn có nhiều máy online liên tục cho phép xử lý giao dịch​, việc tham gia mạng không đòi hỏi cấp phép của một đơn vị quản lý tập trung thường dẫn tới số nút mạng đông đảo.​

Giả sử, một sự cố tại một vài nút không thể làm ngưng trệ mạng, nhờ các nút có thể thay thế nhau và phần mềm trên các trạm được cài đặt tự khôi phục kết nối khi phát hiện lỗi.​

Đặc biệt, Blockchain còn giúp phát huy tính cộng đồng, bởi mỗi nút chỉ cần đóng góp lượng nhỏ tài nguyên là có thể tạo ra lượng tài nguyên khổng lồ về: tính toán, lưu trữ, kiểm tra / xử lý​. 

Việc làm ngưng trệ hoạt động của toàn mạng gần như bất khả thi​, và các doanh nghiệp có thể thiết kế những kịch bản giảm chi phí xuống tối thiểu cho các bài toán phù hợp xử lý kiểu số đông.​

Do đó, nếu doanh nghiệp đang cần giải các bài toán về tính tin cậy, cần lưu dữ liệu lâu dài​, cần luôn dùng được, cần liên thông rộng, đa ngành​, cần truy cập không qua cấp phép, thiết lập phức tạp​, cần tiết kiệm chi phí đầu tư trung tâm dữ liệu tập trung​, cần tính minh bạch, công cộng sẽ phù hợp với Blockchain.

Ưu và nhược điểm khi đưa Blockchain vào ứng dụng trong doanh nghiệp
Ông Triệu Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Blockchain QNET

Bất cập thứ hai được ông Triệu Anh Dũng đề cập liên quan tới nguồn nhân sự phục vụ công nghệ Blockchain. Có thể nói, nhu cầu đào tạo nhân sự IT trong làn sóng Blockchain và cũng như các thay đổi chóng mặt của ngành CNTT trong thời gian sắp tới đang diễn ra chóng mặt. Và cuộc chạy đua để đào tạo và thu hút nhân tài đang diễn ra mạnh mẽ.

Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ trở thành Blockchain-hub của khu vực trong thời gian tới. Với số lượng việc làm được tìm kiếm đạt mốc cao nhất trong 3 năm trở lại đây, các công ty công nghệ đang đẩy mạnh việc tận dụng nguồn nhân lực dồi dào với khả năng nghiên cứu tốt tại thị trường Việt Nam.

Dựa trên những số liệu của TopDev, hiện đang có hơn 100 công ty công nghệ và hơn 5.000 lập trình viên tại Việt Nam đang phát triển các sản phẩm công nghệ dựa trên nền tảng blockchain.

Theo Navigos Search, do tuyển kỹ sư IT Việt rất khó, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này phải tuyển các chuyên gia từ nước ngoài, chủ yếu ứng viên đến từ Nga, Ucraina và Mỹ và dù mức lương trả cho ứng viên người Việt và người nước ngoài tương đương nhau (khoảng từ 2.000 USD/tháng đến 3.000 USD/tháng).

Hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang muốn tham gia đầu tư mạnh vào thị trường Blockchain tại Việt Nam. Có thể nói rằng 99% nhân sự trong các công ty công nghệ Blockchain của Việt Nam đều đến từ ngành CNTT trong nước, do đó, sẽ có sự thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực Blockchain nếu chúng ta không có những bước chuẩn bị tốt nhất để đón đầu kịp với xu hướng này.

Tính tới Q2/2018, thị trường tuyển dụng IT tiếp tục tăng trưởng ở những nhóm kỹ năng có liên quan đến blockchain và cả lẫn những nhóm CNTT thông thường khác. Lượng việc làm IT đã tăng đến 74% so với năm 2012, và tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, chúng ta sẽ cần đến 350.000 nhân lực IT đến trước cuối năm 2021, nhưng cho đến hiện tại chỉ có khoảng 200.000 nhân lực đủ sức đáp ứng yêu cầu công việc.

Sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao và các kiến thức bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường công nghệ là nguyên nhân khiến cho developer cấp cao ngày càng trở nên khan hiếm, dẫn tới sự cạnh tranh về lương để thu hút nhân tài giữa các công ty.

Đặc biệt, nếu các lập trình viên có kiến thức và kinh nghiệm về blockchain thì mức lương trung bình có thể sẽ tăng lên gấp 3 lần do nhu cầu của thị trường đang tăng mạnh. Tuy nhiên những nhân sự này vẫn rất khan hiếm chỉ chiếm khoảng 2-5% trên toàn thị trường.