Việt Nam cần làm gì để đi tắt đón đầu trong làn sóng công nghệ blockchain?
Kiều Mai
Thứ ba, 03/07/2018 - 16:00
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng điều quan trọng là nhận thức, hiểu biết về blockchain bởi một sản phẩm hiện đại không được biết và sử dụng sẽ trở thành vô nghĩa.
Những ngày đầu tháng 7, cả thế giới dường như đều hướng về World Cup, hướng về nước Nga nơi những trái bóng lăn tròn. Không khí bóng đá ngày càng nóng lên giữa mùa hè Hà Nội khi World Cup đang bước vào những trận đấu cuối cùng của vòng loại trực tiếp.
Sự quan tâm của người hâm mộ dành cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh cũng không khác mấy cách người ta dành sự chú ý cho Bitcoin và tiền ảo cách đây hơn 6 tháng.
Vào thời điểm quý cuối cùng năm ngoái, đặc biệt là tháng 12/2017, bất cứ sự thay đổi nào trong giá Bitcoin cũng được bàn tán sôi nổi. Chưa bao giờ, ngay cả những người ngoại đạo với ngành tài chính cũng biết đến Bitcoin, bàn tán về Bitcoin.
Không khó để có thể nghe được câu chuyện liên quan đến cụm từ này, ngay cả tại những khu vực nông thôn và thậm chí từ những người lao động bình dân. Những bà nội trợ, những người lao động chân tay không mấy khi tiếp xúc với lĩnh vực tài chính và công nghệ cũng tham gia vào các câu chuyện xung quanh.
6 tháng qua đi kể từ khi giá Bitcoin đạt đỉnh, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng khi không còn mấy người bàn tán về chủ đề này. Sự quan tâm trước đó dần như đã biến mất và quay trở về điểm xuất phát.
Theo dữ liệu từ Google Trends, mức độ quan tâm dành cho Bitcoin hiện tại đã suy giảm tới 90% so với thời kì đỉnh điểm và quay trở về đúng vạch xuất phát cách đây 1 năm.
Tuy vậy, nền tảng đứng sau đồng tiền này, công nghệ blockchain vẫn đang thu hút sự quan tâm và đầu tư từ cấp độ doanh nghiệp đến quốc gia dù tần suất tìm kiếm trên Internet có sự sụt giảm.
Tỷ phú Jack Ma, người đứng đầu gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc đánh giá: “Công nghệ blockchain có thể thay đổi thế giới nhiều hơn những gì chúng ta tưởng tượng”.
Không chỉ là lời nói suông, Jack Ma đã cho ứng dụng công nghệ này vào việc chuyển tiền giữa Hongkong và Philippines tại Ant Financial của ông.
Ở cấp độ quốc gia, Hàn Quốc gần đây đã tiết lộ chiến lược phát triển công nghệ blockchain với vốn đầu tư khoảng 230 tỷ Won, tương đương hơn 200 triệu USD với mục tiêu tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực này.
Giám đốc cơ quan giám sát tài chính của Đức, Felix Hufeld giữa tháng 6 đánh giá blockchain mang tính cách mạng và việc ứng dụng công nghệ này có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể, đặc biệt trong ngành tài chính.
Trong buổi chia sẻ với phóng viên TheLEADER, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: “Blockchain là một nền tảng công nghệ có rất nhiều ưu việt”.
Ông cho biết hiện nay đã có một số lĩnh vực tại Việt Nam manh nha ứng dụng công nghệ này như y tế, ngân hàng, nông nghiệp, logistic.
Trong y tế, một số bệnh viện đã có hướng chia sẻ thông tin dữ liệu bệnh nhân hay bệnh viện Bạch Mai áp dụng trí tuệ nhân tạo vào việc chuẩn đoán ung thư. Theo ông Cấn Văn Lực, để làm tốt được trong một thời gian dài, các bệnh viện cần chỗ lưu trữ thông tin cũng như chia sẻ và “blockchain có thể hoàn toàn đáp ứng được” nhu cầu này.
Một số ngân hàng, công ty chứng khoán đang tiếp cận và tìm hiểu về Bitcoin nhằm 2 mục đích. Thứ nhất, coi đây là một cấu phần quan trọng trong chiến lược tài chính số hay ngân hàng số. Thứ hai là tìm hiểu để kết nối, cùng giao dịch trên nền tảng công nghệ blockchain như một số quốc gia đã làm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) cũng được thành lập, kinh doanh trong lĩnh vực này và thành công trong việc huy động vốn từ nước ngoài.
Ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Việt Nam không nên đi quá trễ trong công nghệ blockchain. Là một nước đi sau, chúng ta có thể rút kinh nghiệm và đi tắt đón đầu”.
Tuy nhiên, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng để blockchain có thể “thành hình”, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề.
Thứ nhất, nhìn nhận, đánh giá blockchain là một xu thế, là nền tảng công nghệ có tính ưu việt để sớm tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng và triển khai. Mặc dù vậy, không nên tách rời blockchain khỏi chiến lược tổng thể về cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Lực khuyến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện chiến lược quốc gia về ứng dụng công nghệ 4.0, trong đó có blockchain bởi nếu làm tách rời sẽ gây ra tình trạng manh mún.
Thứ hai, sớm tạo ra khuôn khổ pháp lý và hệ sinh thái để người dân, doanh nghiệp và Chính phủ tăng cường ứng dụng.
Thứ ba, lựa chọn một số lĩnh vực để nghiên cứu và ứng dụng trước như tài chính ngân hàng (thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, giao dịch chứng khoán…), y tế, giáo dục (đẩy lên một số chương trình đào tạo chuẩn, cấp chứng chỉ, bằng cấp), nông nghiệp (truy xuất hàng hóa, hỗ trợ thông tin dữ liệu làm chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng) và logistic.
Thứ tư, Chính phủ cần sớm chỉ đạo để hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cá nhân dùng để xác thực bởi “muốn làm đc 4.0, làm được blockchain thì phải có cơ sở dữ liệu”. Bên cạnh đó, cần xây dựng, phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng về công nghệ và viễn thông, tăng cường an ninh mạng, đảm bảo an toàn và bảo mật cho người dân, cho khách hàng.
Điều quan trọng là cần nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý về cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và blockchain nói riêng, bởi “nếu một sản phẩm công nghệ hiện đại đến mấy mà người ta không hiểu, không biết, không dùng, sản phẩm đó sẽ trở nên vô nghĩa”. Do vậy, cần một chiến lược để tăng cường nhận thức và hiểu biết qua nhiều kênh khác nhau, ông Lực khẳng định.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm từ những ngước đang triển khai. Việc hợp tác sẽ giúp xử lý các vấn đề xuyên biên giới như an ninh mạng, giao dịch xuyên biên giới, hoạt động về thương mại, đầu tư quốc tế gắn với blockchain. Ngoài ra, Việt Nam còn có thể cùng các nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý ở tầm khu vực nhằm tránh sự mâu thuẫn với các hiệp định đã kí kết.
Năm 2017, tiền ảo trở thành xu hướng chủ đạo của thế giới. Nhưng điều thú vị hơn rất nhiều đối với những người đã đầu tư vào lĩnh vực này vài năm trở lại đây chính là sự phát triển của những công nghệ đằng sau đó.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực