VAMC xử lý 78.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2018

Trần Anh - 12:09, 16/01/2019

TheLEADERSau khi có Nghị quyết 42, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong 2 năm gần nhất đạt 68.103 tỷ đồng, bằng gần một nửa tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ 2013 đến nay.

Theo thông tin từ VAMC, trong năm 2018, công ty đã triển khai hoạt động mua và xử lý nợ xấu đã mua của các tổ chức tín dụng với hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường đạt 2.819 tỷ đồng giá mua nợ; mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt 29.812 tỷ đồng giá mua nợ; xử lý các khoản nợ xấu đã mua đạt 78.000 tỷ đồng dư nợ gốc (đạt 226% kế hoạch) với giá trị thu hồi nợ đạt 37.250 tỷ đồng.

Sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017 và 2018 đạt 68.103 tỷ đồng, bằng gần một nửa tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ 2013 đến nay.

So với kế hoạch đặt ra từ đầu năm, về cơ bản VAMC đã hoàn thành mục tiêu. Chỉ có kế hoạch mua nợ theo giá trị thị trường VAMC chưa đạt mục tiêu 3.500 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do vốn điều lệ của công ty chưa được cấp đủ.

Trong năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm của VAMC đó là tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác mua nợ theo giá trị thị trường như phương án được NHNN phê duyệt. VAMC đặt mục tiêu mua nợ theo giá trị thị trường khoảng 4.000 tỷ đồng.

Trong trường hợp được cấp đủ vốn, VAMC có thể mua số nợ cao hơn. Tiếp tục mua nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt theo chỉ đạo của NHNN. Đồng thời tiếp tục triển khai các mục tiêu tại Đề án tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC cho biết, VAMC đặt mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản xử lý xong nợ xấu các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC.

Năm 2018, VAMC đã thành lập Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh và chính thức hoạt động ngay từ tháng 1/2019 nhằm thúc đẩy hiệu quả của VAMC. Thực hiện nhiệm vụ định hướng xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung tại Việt Nam, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm của thị trường.

VAMC cũng sẽ phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ tối đa từ các Bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương trong xử lý các khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, đặc biệt là công tác thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo.