Văn hoá 'quan hệ' có ảnh hưởng đến việc liên kết với các doanh nghiệp FDI?

Quỳnh Chi - 07:11, 28/04/2019

TheLEADERTS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nhận định, mục tiêu cuối cùng của việc liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt vẫn luôn là doanh thu, lợi nhuận trong dài hạn. Trong quá trình đó, yếu tố niềm tin vẫn là trên hết.

Văn hoá 'quan hệ' có ảnh hưởng đến việc liên kết với các doanh nghiệp FDI?
TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Hiện nay, đẩy mạnh liên kết ngược (doanh nghiệp trong nước bán đầu vào trung gian cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài) được đánh giá là một nhiệm vụ quan trọng bởi nó có ý nghĩa về mặt kinh tế hơn rất nhiều so với liên kết xuôi (doanh nghiệp trong nước mua đầu vào trung gian từ doanh nghiệp nước ngoài).

Tuy nhiên, lan toả từ chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước nhờ liên kết ngược vẫn còn yếu, đặc biệt là trong các tiểu ngành công nghệ cao và trung bình. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có rất ít doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI).

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia liên kết ngược với các doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là có công nghệ nhưng chưa chắc vào được, đặc biệt kinh doanh ở châu Á lại liên quan đến yếu tố văn hoá, dựa nhiều vào các mối quan hệ.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng mối quan hệ trong liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm mục đích tạo lợi thế bởi mục tiêu cuối cùng của cả hai bên vẫn là lợi nhuận trong dài hạn. Như vậy, yếu tố niềm tin luôn được đặt lên hàng đầu.

“Do yếu tố niềm tin nên các doanh nghiệp FDI thường chọn lựa những doanh nghiệp vốn đã nằm trong mạng lưới của họ. Muốn vượt được các doanh nghiệp này và liên kết với các doanh nghiệp FDI thì phải có được lợi thế hơn hẳn”.

Các tập đoàn FDI cũng thường yêu cầu đơn hàng đúng giờ với số lượng lớn và chính xác về kỹ thuật, công nghệ… Nếu chỉ một lý do mà doanh nghiệp Việt không đáp ứng được, họ sẽ sẵn sàng từ chối, đó cũng là rủi ro.

Ông Bùi Sỹ Tân, Phó tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Vietcombank nhìn nhận, trong vòng ít nhất 5-10 năm tới, doanh nghiệp FDI vẫn sẽ là động lực cùng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Như vậy, nhiệm vụ trọng tâm là phải có được các nhà đầu tư nước ngoài tốt, có chất lượng và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Để làm được điều đó, trước hết cần đặt tiêu chuẩn chặt chẽ trong quá trình xét duyệt đầu tư để loại các doanh nghiệp làm ăn chộp giật, tránh các dự án có tác động xấu đến môi trường.

Muốn thu hút được các doanh nghiệp FDI chất lượng, việc rà soát chính sách FDI là yếu tố cần làm, song phải đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư chất lượng.

Cụ thể, cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào Việt Nam trong dài hạn; sẵn sàng đáp ứng cho các nhà đầu tư FDI chất lượng cao về hạ tầng cơ sở, logistics; thuận lợi hóa thương mại cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Thắng cho rằng, các doanh nghiệp cũng không thể quá kỳ vọng vào việc sẽ tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI ngay từ đầu mà phải kiên trì đi từng bước, từ những giai đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất và leo dần lên. Việc này được ông ví von như quá trình đi học tiểu học, lên trung học và sau đó là đại học.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, cần tạo được một hệ sinh thái giảm thiểu rủi ro và tăng lợi ích. Một trong những lý do các doanh nghiệp Việt chưa dám đầu tư vào công nghệ là do nhìn nhận được nhiều rủi ro nhưng lãi không cao.

“Do đó, cần giải quyết được bài toán bong bóng tài sản để nguồn vốn đi vào công nghệ. Hệ sinh thái thụ thuộc nhiều cấu phần, như chủ trương và nguồn lực. Điều này cũng giống như một đơn thuốc sẽ không có tác dụng nếu thiếu đi một loại thuốc”, ông Thắng nhận định.

Việc có được các doanh nghiệp FDI chất lượng vào Việt Nam cũng như thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp trong nước được đánh giá là sẽ góp phần thúc đẩy năng suất lao động của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Dù khoảng cách về năng suất lao động trong ngành này tuy đang thu hẹp nhưng vẫn còn lớn giữa Việt Nam và các nước thu nhập trung bình trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia và Malaysia và rất lớn so với các nước công nghiệp như Nhật Bản và Hàn Quốc.