Chủ tịch HAMEE: 'Nói doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ là không đúng'

Quỳnh Như - 10:51, 01/01/2019

TheLEADERTheo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TP. HCM (HAMEE), không phải ngành phụ trợ của Việt Nam không đủ khả năng làm nhà cung cấp cho các tập đoàn FDI mà bởi rủi ro quá cao nên các doanh nghiệp Việt không làm.

TheLEADER đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch HAMEE, đồng thời là Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí chính xác ở Việt Nam.

Là người trong cuộc, ông Đỗ Phước Tống cho rằng, vài câu chuyện trong ngành công nghiệp hỗ trợ như chuyển giao công nghệ hay nhà cung cấp Việt Nam không đủ năng lực phục vụ các doanh nghiệp FDI lớn mà giới truyền thông và cả các chuyên gia kinh tế nói là chưa chính xác.

Ông có nhìn nhận gì về những thành tựu mà các doanh nghiệp thành viên HAMEE nói riêng và ngành cơ khí – điện Việt Nam nói chung đã đạt được trong năm 2018?

Ông Đỗ Phước Tống: Nói chung, năm 2018 này, ngành cơ khí – điện đã có những bước phát triển nhất định mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất tốt, như thống kê vừa qua là tới 7,08% - cao nhất trong 10 năm trở lại đây, theo đó, các doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài có nhu cầu mua các sản phẩm Việt Nam nhiều hơn, nên cơ hội của các doanh nghiệp cơ khí - điện Việt Nam cũng nhiều hơn.

Chủ tịch HAMEE: 'Nói doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ là không đúng'
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TP. HCM

Trong năm 2018, các doanh nghiệp cơ khí – điện mạnh dạn đầu tư, khả năng phát triển là có, dù cũng không dễ dàng. 

Mặt khác, vì bản thân ngành cơ khí – điện có xuất phát điểm tương đối thấp, cho nên tốc độ tăng trưởng, cho dù cao hơn những năm khác, nhưng so với nhiều ngành thì vẫn chưa khả quan. Trong đó, có những doanh nghiệp có mức phát triển ấn tượng do họ dám đầu tư và quan trọng là xây dựng được hệ thống quản trị tốt.

Có vẻ trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp trong ngành điện – cơ khí Việt Nam đã xây dựng được hệ thống quản lý tốt?

Ông Đỗ Phước Tống: Đúng vậy, hiện tại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong ngành quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng hệ thống quản lý. Càng ngày, càng có nhiều doanh nghiệp Việt ý thức được rằng: muốn kinh doanh tốt, phải đầu tư cho hệ thống quản trị của mình, bên cạnh chuyện đầu tư công nghệ và máy móc thiết bị.

Thật ra, trước đây, không phải các doanh nghiệp Việt không muốn đầu tư hệ thống quản lý, chỉ là họ chưa có khả năng đầu tư cũng như nhu cầu đầu tư chưa bức thiết. Bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư quá nhiều tiền vào sản xuất – công nghệ, thì buộc phải đầu tư thêm vào mặt quản trị. Ngoài ra, kể cả các doanh nghiệp chưa đầu tư lớn vào mặt sản xuất – công nghệ, nhưng nếu có hệ thống quản lý tốt cũng sẽ mang lại năng suất và hiệu quả cao hơn.

Thêm nữa, bây giờ, khi các doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng, ngoài yêu cầu doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được về mặt công nghệ - sản phẩm; còn phải đáp ứng được về mặt hệ thống thì họ mới tham gia sâu. Đặc biệt, những doanh nghiệp đầu cuối lớn tại Việt Nam, họ luôn đòi hỏi các nhà cung cấp bản địa phải có hệ thống quản lý đạt những tiêu chuẩn cao mà họ đưa ra, với mục đích đảm bảo tính ổn định của chất lượng và sản lượng của sản phẩm cung ứng.

Tuy nhiên, chuyện xây dựng hệ thống tốt cũng phải có lộ trình, chứ không thể ngay lập tức, tất cả các doanh nghiệp Việt đều có hệ thống quản lý tốt.

Nguyên do nào dẫn đến những điểm sáng đó của ngành cơ khí – điện trong năm qua, thưa ông?

Ông Đỗ Phước TốngThật ra, khi nào Nhà nước cũng quan tâm tới ngành cơ khí – điện, nhưng trong những năm gần đây, mức độ quan tâm đến ngành công nghiệp hỗ trợ thật sự tăng lên, thể hiện cụ thể thông qua các quyết định 20/QĐ, 30/QĐ, 33/QĐ, 38/QĐ và 50/QĐ và 15/QĐ của UBND TP. HCM, chúng thực sự đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành cơ khí điện và ngành công nghiệp hỗ trợ rất nhiều. Ngoài ra các chính sách của chính phủ như nghị định 111/2015, quyết định 68/QĐ của Thủ Tướng cũng có nhiều nội dung hỗ trợ Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhưng chưa sâu rộng vì còn nhiều rào cản.

Hẳn ông đã nghe rất nhiều lý do khác nhau về sự thất bại của quá trình chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, ví dụ: nhiều công ty nước ngoài nói, sở dĩ họ không thể chuyển giao công nghệ vì các doanh nghiệp Việt không có nhân lực tiếp nhận công nghệ; trong khi các công ty Việt lại cho rằng, đó là bởi các đối tác nước ngoài không thông báo trước với họ… Ông nghĩ sao về những điều này?

Ông Đỗ Phước Tống: Vấn đề là ai chuyển giao cho ai và công nghệ ở đâu ra. Chuyển giao công nghệ thực tế là bài toán mua công nghệ! Doanh nghiệp nào thấy công nghệ đó tốt và nếu mình áp dụng nó vào sản xuất sẽ có hiệu quả kinh tế cao, thì họ sẽ mua về, và đương nhiên là sẽ chuẩn bị nguồn lực để tiếp nhận công nghệ.

Ở đây không có chuyện doanh nghiệp Việt Nam không thể nhận chuyển giao công nghệ, điều đó không chính xác, vì chẳng có lý do gì mà không tiếp nhận. Hiện tại, hiếm có chuyện công ty nước ngoài cung cấp công nghệ để làm ra sản phẩm mà họ cần, sau đó họ sẽ chuyển giao công nghệ đó lại cho doanh nghiệp Việt. Thường các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đi kiếm doanh nghiệp Việt Nam đã có những sản phẩm phù hợp yêu cầu của họ và họ sẽ đặt hàng.

Việc các doanh nghiệp nước ngoài nói các doanh nghiệp Việt thường không sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, ví dụ như không đưa người đi đào tạo, tôi nghĩ không đúng. Bởi, chuyển giao công nghệ là một quá trình, phải có hợp đồng và lộ trình, chứ không phải tự dưng nói chuyển giao và nói doanh nghiệp Việt không có nhân sự có thể tiếp nhận.

Muốn có công nghệ để sử dụng, các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ tiền ra mua, sau đó có thể nghiên cứu phát triển thêm theo nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp.Tuy nhiên, muốn làm gì với công nghệ đó, thì trước hết doanh nghiệp phải mua nó cái đã!

Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, chất lượng ngành công nghiệp hỗ trợ của mình còn thấp, khi mà mới chỉ làm được... vỏ hộp điện thoại của Samsung chứ chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cho họ. Sự thật như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Phước Tống: Ngành sản xuất hàng công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam từ lâu nay chưa phát triển, tức là chưa có sẵn, mà chưa có sẵn thì phải đầu tư sản xuất. Vì từ lâu chúng ta chưa có các doanh nghiệp lớn, chưa có nhu cầu đủ lớn để đầu tư sản xuất và chính sách nhà nước hỗ trợ cho ngành cũng còn hạn chế.

Trong ngành công nghiệp hỗ trợ, có 2 yếu tố mà các nhà đầu tư quan tâm trước khi đầu tư, đó là tính hiệu quả và tính an toàn, còn tất cả sản phẩm đều có công nghệ tương ứng, chỉ cần có công nghệ sẽ làm ra được sản phẩm, và thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm được nhiều sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu đi các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Châu Âu. Hơn nữa, điều quan trọng là hệ thống quản trị sản xuất phải đạt chuẩn thì mới có chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu và giá thành cạnh tranh, cũng như đáp ứng được tiến độ giao hàng.

Nếu đầu tư mới mà chỉ làm nhà cung cấp cho một doanh nghiệp FDI, hiệu quả kinh tế có thể đạt yêu cầu, nhưng hệ số an toàn thấp, bởi nếu nhắm mắt đầu tư, rồi đối tác không mua, thì doanh nghiệp Việt sẽ lâm nguy. Vì nguồn lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu nên họ chưa thể chấp nhận rủi ro cao.

Các doanh nghiệp Việt thường chỉ muốn đầu tư sản xuất ở những sản phẩm mà không bán được cho người này sẽ bán cho người khác, chứ không muốn đầu tư vào những “điểm sâu”, tức chỉ bán cho một khách hàng duy nhất, làm như vậy là không an toàn.

Theo ông, để ngành điện cơ khí – điện phát triển tốt hơn thì Nhà nước và doanh nghiệp cần phải làm những gì trong giai đoạn sắp tới?

Ông Đỗ Phước Tống: Theo tôi, chỉ cần chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho ngành tốt hơn – rõ ràng hơn, còn các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hơn, thì ngành sẽ phát triển tốt. Tuy nhiên, hai quá trình này sẽ phải đan xen bổ trợ nhau, nhà nước không thể để doanh nghiệp tự bơi và doanh nghiệp không thể ngồi đợi nhà nước hỗ trợ.

Tôi nghĩ, mục tiêu quan trọng trước mắt là các doanh nghiệp là cần đầu tư vào việc nâng cấp hệ thống quản trị trước khi đầu tư lớn về máy móc công nghệ vì đó là nền tảng của sự phát triển; trước khi nghĩ đến những mục tiêu xa hơn.

Hiện tại, nhà nước cùng nhiều tổ chức quốc tế và cả Samsung cũng đang hỗ trợ một số doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị của mình, tuy nhiên các doanh nghiệp này phải có nguồn lực nội tại đủ mạnh, còn các doanh nghiệp còn yếu thì đành chịu.

Ngoài ra, với ngành cơ khí – điện chúng ta không thể thúc đẩy nóng vội, vì đặc thù của ngành cơ khí điện là muốn có một nhà máy tử tế phải đầu tư hàng chục tỉ đồng đến cả trăm tỉ đồng, và khấu hao rất lâu nhưng doanh số không cao, chứ không như các ngành khác; thế nên, ít người dám đầu tư lớn ngay cả anh em trong ngành.

Đầu tư vào ngành cơ khí làm công nghiệp hỗ trợ thật sự không dễ dàng!

Xin cảm ơn ông!