VCSC: VN-Index sẽ đạt 1.250 điểm trong năm 2021

Trần Anh - 09:44, 21/02/2021

TheLEADERTín hiệu tích cực từ vĩ mô, lợi nhuận doanh nghiệp vượt dự báo ban đầu cũng như các luật mới nâng đỡ thị trường chứng khoán sẽ là nhân tố thúc đẩy thị trường.

Trong báo cáo chiến lược năm 2021, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá thị trường chứng khoán đầy tiềm năng khi dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt 1.250 điểm vào cuối năm, tăng 13% so với năm 2020. Tăng trưởng EPS các doanh nghiệp trên HOSE đạt mức 30%.

Dự báo mục tiêu của VN-Index năm 2021 của VCSC tương ứng với P/E trượt là 16,9 lần dựa theo EPS dự báo 2021 và P/E dự phóng 12 tháng tính đến cuối năm 2022 là 13,9 lần. Ngành ngân hàng là nhân tố dẫn dắt chính cho thị trường khi chiếm hơn 40% dự báo tổng thu nhập dự phóng năm 2021 của nhóm phân tích.

Yếu tố vĩ mô tích cực là yêu tố hỗ trợ hàng đầu cho dự báo của VCSC. việc phản ứng nhanh chóng và quyết liệt của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch Covid-19 đã mang lại thành quả to lớn, không chỉ từ tỷ lệ tử vong thấp so với các quốc gia khác trên thế giới mà còn giúp Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế sớm hơn, cũng như giảm thiểu các tác động đến kinh tế vĩ mô và đảm bảo sự ổn định về mặt tài chính.

VCSC dự báo tăng trưởng GDP sẽ phục hồi và tăng tốc đạt 6,7% trong năm 2021 từ mức 2,9% trong năm 2020, sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19. Cũng theo VCSC, triển vọng tăng trưởng cơ cấu cao của Việt Nam vẫn được duy trì, được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tiếp tục gia tăng. Tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt 6,5% vào năm 2022 và 2023.

Tăng trưởng được kỳ vọng sẽ tiếp tục với sự dẫn dắt của khu vực FDI/xuất khẩu do Việt Nam hưởng lợi từ quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang diễn ra khi diễn biến đi lại toàn cầu và chi tiêu đầu tư của doanh nghiệp phục hồi.

Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp sẽ hỗ trợ sự phục hồi của khu vực công và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng từ tác động của covid-19 mà không gây ra cú sốc lớn cho sự ổn định vĩ mô.

Trên thị trường chứng khoán, những yếu tố thuận lợi đến từ lợi nhuận vượt mức dự báo ban đầu và tỷ lệ P/E của các doanh nghiệp tăng mạnh.

Các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho thị trường chứng khoán, ví dụ như cải cách thị trường dẫn đến việc tăng tốc quá trình nâng hạng lên trạng thái thị trường mới nổi Trần sở hữu nước ngoài vẫn là một vấn đề quan trọng đối với Việt Nam trong đánh giá khả năng tiếp cận thị trường của MSCI.

Các luật đầu tư mới (luật đầu tư, doanh nghiệp và chứng khoán) có thể dẫn đến cải thiện khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của DNNN được thực hiện trở lại, có thể thu hút vốn mới và tăng/mở rộng vốn hóa thị trường và thanh khoản. Việc tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng, nếu thu hút thêm nhiều vốn nước ngoài hơn theo luật PPP mới cũng là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.

Ở chiều ngược lại, công ty chứng khoán cũng đánh giá sự tham gia ào ạt của nhà đầu tư cá nhân thời gian qua sẽ mang tới rủi ro điều chỉnh thị trường. Giá trị giao dịch hàng ngày trên HOSE vào thời điểm cuối năm 2020 đã tăng gấp nhiều lần so với đầu năm. Dư nợ margin liên tục đạt đỉnh và hiệu ứng TINA "không có sự thay thế khác” (cho cổ phiếu) sẽ là những tác nhân tiêu cực tới thị trường mà nhà đầu tư nên cẩn trọng.

Mặt khác, thị trường cũng sẽ chịu tác động xấu nếu kinh tế phục hồi thấp hơn dự kiến trì hoãn sự phục hồi thu nhập của hộ gia đình, cũng như niềm tin của người tiêu dùng và chất lượng tài sản của các ngân hàng.