VESS: Giá xăng dầu nên để thị trường quyết định

Kiều Mai - 11:11, 29/06/2023

TheLEADERTheo chuyên gia, Nhà nước chỉ nên giám sát chất lượng xăng dầu, còn giá bán lẻ nên để thị trường tự quyết định.

Giá xăng dầu cơ sở không theo kịp sự thay đổi của thị trường quốc tế

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) trong báo cáo mới đây về thị trường xăng dầu đánh giá, cách thức tính giá cơ sở hiện nay có nhiều điểm yếu, khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng giá xăng dầu thực tế, và không theo kịp sự thay đổi giá xăng dầu của thị trường quốc tế.

Đơn cử, cách tính thuế hoàn toàn theo tỷ lệ (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) hiện nay có thể khiến nguồn thu ngân sách bị động khi giá thế giới giảm đột ngột, hoặc khuyếch đại giá trong nước khi giá thế giới tăng mạnh và đột ngột (hiệu ứng gia tốc).

Cùng với đó, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đa phần sử dụng các khoản thuế tương đối để áp lên mặt hàng xăng dầu, đồng thời là quốc gia hiếm hoi áp trực tiếp đồng thời hai khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu.

“Trong bối cảnh thị trường xăng dầu biến động liên tục như hiện nay, cách tính các khoản thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể không còn phù hợp”, VESS nhấn mạnh.

VESS: Giá xăng dầu nên để thị trường quyết định
Việt Nam là quốc gia hiếm hoi áp trực tiếp đồng thời hai khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu. Ảnh: Hoàng Anh/TL.

Ủy ban Kinh tế tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu tháng 5 cũng cho rằng các quy định về phương pháp tính giá chưa phù hợp với biến động thị trường, không có tính cạnh tranh, chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Điều này dẫn tới nhiều cửa hàng xăng dầu đã ngừng kinh doanh, và hậu quả là thiếu xăng cục bộ tại Hà Nội, TP.HCM.

Tại hội thảo công bố báo cáo, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, cho rằng nên để thị trường quyết định giá xăng dầu, còn Nhà nước chỉ giám sát chất lượng, hoặc hình thành sàn giao dịch cung cấp xăng dầu để giải quyết vấn đề giá.

Theo đó, giá cơ sở xăng dầu cần được tính đúng, đủ, đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Các khuyến nghị

Với tỷ trọng thuế 25% (2022), thay đổi cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể thay đổi giá xăng dầu bán lẻ một cách đáng kể, VESS phân tích.

Theo đó, để giảm tỷ trọng thuế xăng dầu trong giá cơ sở, cũng như để tránh các khoản thu từ thuế tăng mạnh do giá xăng dầu thế giới tăng cao, khiến giá xăng dầu bán lẻ ở mức cao như năm 2022, VESS đề xuất thay đổi cách áp hai khoản thuế bảo vệ môi trường hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng như các quốc gia khác trên thế giới (gộp hai loại vào một, hoặc bỏ một trong hai).

VESS cũng đề xuất sử dụng thuế tuyệt đối thay vì thuế tương đối, cụ thể với thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức gợi ý là 2.000 VND/lít.

Đồng thời, lưu ý ngay cả các loại thuế tương đối vốn có (như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu), cũng cần cân nhắc một giới hạn tuyệt đối, ví dụ 3.000 VNĐ/lít. Những mức tuyệt đối này cần được điều chỉnh định kỳ theo điều kiện thị trường và xã hội.

Ngoài ra, để tăng tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh xăng dầu, nhóm nghiên cứu đề xuất nên xem xét loại bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu của Bộ Xây dựng, quy rõ trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho các bên tham gia trong thị trường.

Cùng với đó, sửa đổi chính sách liên quan như các quy định vận hành thị trường, chiết khấu, cho phép doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau.

Từ đó, tạo nên sự cạnh tranh trong giá/chất lượng xăng dầu bán lẻ giữa các doanh nghiệp với nhau, gián tiếp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước.