Vì sao chính sách quản lý chất thải chưa hiệu quả?

Hoàng Đông - 14:51, 02/06/2023

TheLEADERTheo chuyên gia, nhiều chính sách được ban hành để quản lý hiệu quả chất thải rắn, chất thải nhựa nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do mới chỉ có tính bao quát, chưa tạo ra động lực thúc đẩy các giải pháp, sáng kiến mới.

Đảm nhiệm công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn thành phố Hà Nội, những năm gần đây, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đang triển khai những giải pháp theo cách tiếp cận mới trong quản lý rác thải theo triết lý của mô hình kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, từ tháng 8/2020, URENCO kết hợp với một số doanh nghiệp như Nestlé, Unilever… triển khai chương trình đổi rác lấy quà. Chương trình được duy trì thực hiện trong suốt thời gian Covid-19 gây nhiều áp lực, tính đến nay đã thu gom được khoảng 6 tấn phế liệu mỗi ngày, bao gồm 2 tấn phế liệu nhựa.

Bên cạnh đó, URENCO cũng liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy tái chế nhựa PET. Dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025, ông Phạm Văn Đức, Phó tổng giám đốc URENCO, khẳng định, nhựa tái sinh đầu ra có đủ tiêu chuẩn để phục vụ cho thị trường châu Âu.

Là đơn vị thu gom, xử lý rác thải chính thức với nhiều năm kinh nghiệm “thực chiến” với rác thải tại Thủ đô, tuy nhiên, đại diện URENCO cho biết, công ty vẫn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thúc đẩy thu gom, phân loại, xử lý, tái chế rác thải theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Đó là khó khăn đến từ việc giá thành phế liệu bị đội lên cao, ít khả năng cạnh tranh, trong khi những cơ chế ưu đãi, ưu tiên từ phía Nhà nước vẫn chưa rõ ràng.

Những khó khăn ấy khiến cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn chưa được phát huy một cách triệt để, hệ quả là rác thải ngày càng tăng về cả số lượng và tính phức tạp, phải đem đi chôn lấp hoặc đốt, vừa gây ô nhiễm thứ cấp, vừa lãng phí nguồn tài nguyên quan trọng.

Vì sao chính sách quản lý chất thải chưa hiệu quả?
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm Đánh bại ô nhiễm nhựa - thực trạng và giải pháp tại Việt Nam do Viện Kinh tế môi trường, Tạp chí Kinh tế môi trường và UNDP tổ chức

Trước thực trạng rác thải hiện nay, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), đặt thắc mắc rằng dù có nhiều chính sách được ban hành, nhiều nhóm giải pháp được triển khai nhưng câu chuyện quản lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa “đến tận bây giờ vẫn chưa đạt được thành tựu nào đáng kể”.

Theo ông Thắng, nhựa là vật liệu có nhiều ưu điểm như nhẹ, bền, dễ sử dụng và đặc biệt là có giá rất rẻ. Sự tiện dụng của nhựa kéo theo thói quen tiêu dùng, sử dụng vô tội vạ, khó có thể từ bỏ chỉ trong “ngày một ngày hai”.

Để thay đổi thói quen tiêu dùng nhựa, đại diện ISPONRE đề xuất, cần phải đưa ra các giải pháp theo cách tiếp cận từ phía thị trường, tức sử dụng các công cụ thuế, phí để giảm cầu đối với sản phẩm nhựa dùng một lần, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy tái chế, giảm giá cho sản phẩm thân thiện với môi trường.

“Cần áp dụng một mức phí điều chỉnh, chẳng hạn đối với sản phẩm có hàm lượng tái chế cao thì mức phí thấp và ngược lại. Đây là công cụ kinh tế đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng”, ông Thắng cho biết.

Từ phía đơn vị chuyên nghiên cứu giải pháp công nghệ quản lý hiệu quả chất thải rắn, PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện trưởng Viện Khoa học và môi nghệ môi trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan, tạo ra tính bao quát, tuy nhiên chưa tạo được tính thúc đẩy.

Nhiều người không ủng hộ phân loại rác tại nguồn vì chính sách không chỉ ra được “phân loại xong thì làm gì”

Bà Tuyết cho biết, để tạo được tính thúc đẩy, chính sách cần có mục tiêu, xác định tiến độ rõ ràng và quyết liệt hơn. Lấy ví dụ như chính sách phân loại rác là một công cụ hết sức thiết yếu để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhưng vẫn có nhiều người không ủng hộ vì chính sách không chỉ ra được “phân loại xong thì làm gì”.

“Phân loại ra được phế liệu giấy, nhựa… để đưa vào tái chế thì doanh nghiệp áp dụng công nghệ tái chế giấy, nhựa phải có đất sống, còn nếu không thì việc phân loại trở nên vô nghĩa”, bà Tuyết đặt vấn đề.

Đồng quan điểm với ông Thắng, bà Tuyết nhấn mạnh tầm quan trọng của những chính sách ưu đãi mang tính thiết thực nhất là ưu đãi về tài chính đối với sản phẩm mới thân thiện với môi trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của nhóm sản phẩm này. Đây là cách để doanh nghiệp triển khai các giải pháp xanh hóa sản phẩm có thể “sống được”, từ đó “khơi thông dòng chảy” đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ mới.