Vì sao Việt Nam ít doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh?

An Chi - 15:48, 05/10/2018

TheLEADERTheo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, dù phát triển mạnh trong thời gian gần đây, nhưng doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn chỉ nép mình ở trong chừng mực nào đó, không muốn lớn, không dám lớn hoặc không thể lớn vì thiếu nguồn lực.

Nhiều rào cản doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh

Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề cập đến câu chuyện của Xúc xích Đức Việt như một ví dụ điển hình cho bài toán hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân. Theo ông Cung, đây là doanh nghiệp của một doanh nhân rất tâm huyết và có nghề nhưng họ buộc phải dừng lại và bán đi, bởi họ hiểu "nếu làm to nữa thì chết".

Cũng theo vị lãnh đạo này, sự đóng góp trong GDP của kinh tế tư nhân đã có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây, tuy nhiên khu vực này vẫn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với nền kinh tế thị trường. 

Từ năm 1991 khi Luật Doanh nghiệp thừa nhận về mặt pháp lý sự tồn tại của kinh tế thị trường tại Việt Nam đến nay, mới xuất hiện 4 tỷ phú. Con số này vẫn rất nhỏ so với thế giới và chưa có doanh nghiệp nào ngấp nghé ở top các doanh nghiệp hàng đầu. 

Tại Tọa đàm 'Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực: Rào cản và giải pháp' do Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức, ông Cung cho rằng, một trong những lý do chính là doanh nghiệp tư nhân có thể tự do kinh doanh nhưng lại không có sự an toàn trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều rủi ro về mặt thể chế. Doanh nghiệp Việt bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, rõ ràng, không công khai minh bạch, không hiệu lực và hiệu quả. 

Với sự áp dụng tùy ý tùy tiện, các doanh nghiệp khó tính toán được bài toán phát triển lâu dài, cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức. Tuy nhiên, càng không chính thức ở Việt Nam lại càng rủi ro.

Mặt khác, ông Cung cũng cho rằng, với những doanh nghiệp muốn lớn, họ cũng không thể lớn được. Bởi một doanh nghiệp khi có ý tưởng và chiến lược kinh doanh tốt, họ cần nhiều nguồn lực để phát triển, nguồn lực đó không thể đến từ vốn gia đình, bạn bè hay vốn của mình. 

Trong khi đó, tại Việt Nam nguồn lực lại được phân bố theo cơ chế xin – cho, thay vì dựa trên tiêu chí chất lượng. Có thể lấy thí dụ, giao dịch chuyển nhượng đất đai chủ yếu là hành chính, chưa hẳn là thị trường, thị trường trái phiếu chưa phải là thị trường huy động và phân bố nguồn lực.

Do thiếu các nguồn lực phát triển nên doanh nghiệp tư nhân không thể phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng để trở thành động lực chính cho nền kinh tế, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cũng cho rằng, trong những năm qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhưng thực tế khi triển khai công việc, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc. 

Theo đó, rào cản lớn nhất hiện nay là từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình đàm phán làm việc, doanh nghiệp này cho rằng họ chưa được đối xử bình đẳng. Khung pháp lý có rất nhiều bất cập, điển hình là xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. 

Các văn bản hành chính nhà nước ban hành thiếu tính thực tiễn. Trong vòng hơn 1 năm nhưng thông tư Bộ Tài chính ban hành tới 4 lần về cùng một vấn đề chính sách lãi vay. Và dự thảo lần cuối lại quay về đúng như một thông tư trước đó, gây lúng túng trong việc triển khai của doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo ông Thế, hệ thống tài chính của Việt Nam còn quá nhỏ về quy mô. Trong khi chính sách lại quy định doanh nghiệp /một nhóm doanh nghiệp có liên quan không được vay quá lần lượt là 15%/25% vốn điều lệ của một ngân hàng. Điều này giới hạn khả năng huy động nguồn vốn của doanh nghiệp.

Mặt khác, việc doanh nghiệp phải tiếp quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm toán dự án trong một năm, thanh tra chuyên ngành bộ kế hoạch, thanh ta bộ xây dựng, thanh tra Chính phủ, kiểm toán nhà nước cũng gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, ông Thế cho hay.

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân

Trước thực trạng này, ở góc độ cơ quan quản lý, GS. Nguyễn Mại cho rằng, tiềm năng lớn của kinh tế tư nhân cần được khai thác có hiệu quả bằng hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng. 

Do đó, Chính phủ cần kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa trong việc xoá bỏ các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân có điều kiện phát triển. 

Đồng thời, cần đẩy thực hiện Chính phủ điện tử. Theo ông Mại, để phát triển kinh tế tư nhân thì xây dựng Chính phủ điện tử là đòi hỏi của đổi mới quản lý nhà nước trong thời đại kỷ thuật số, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để đáp ứng từng loại doanh nghiệp, việc hoàn thiện luật pháp như sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cần có quy định riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và tập đoàn kinh tế.

"Chúng ta không thể dùng một chiếc áo cho nhiều người có kích cỡ khác nhau", GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân cần sự quyết tâm của cả nhà nước và nỗ lực của doanh nghiệp. 

"Dù là công nghiệp 4.0 hay 5.0 thì trước hết cũng phải cải thiện nền tảng doanh nghiệp và cần thúc đẩy để doanh nghiệp tư nhân phát triển', ông Thành nói.