Vị thế cung ứng của Việt Nam lung lay vì giãn cách kéo dài

Phương Anh - 08:23, 20/09/2021

TheLEADERĐứt gãy đáng kể trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam do dịch Covid-19 đang khiến nhiều nhà sản xuất nước ngoài xem xét lại quyết định chuyển dịch tới Việt Nam, cũng như rời một phần đơn hàng tại đây sang thị trường khác.

Khó khăn chồng chất vì Covid-19

Trong bối cảnh mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ bao gồm giãn cách xã hội kéo dài tại Việt Nam đang trở thành vấn đề lớn với các nhà bán lẻ, đặc biệt là các nhà sản xuất phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng giày dép và quần áo tại quốc gia này.

Tình hình đáng lo ngại trên là lý do công ty nghiên cứu BTIG hạ triển vọng cổ phiếu của Nike vào tuần trước, khi doanh nghiệp này được đánh giá đang phải đối mặt với một số vấn đề sản xuất nghiêm trọng.

Theo ước tính, Nike sản xuất khoảng 350 triệu đôi giày thể thao tại Việt Nam vào năm ngoái. Giãn cách kéo dài kể từ đầu năm tới nay có thể khiến Nike thiếu hụt sản lượng khoảng 160 triệu đôi, theo nhận định từ BTIG.

Không chỉ Nike, nhiều sản phẩm khác cũng đối mặt với rủi ro cao khi buộc phải chờ các cơ sở sản xuất tại Việt Nam hoạt động trở lại. Những khó khăn trong gián đoạn sản xuất vì Covid-19 đã khiến một số công ty cân nhắc dự định rời khỏi Trung Quốc và chuyển tới Việt Nam, tác giả Lauren Thomas viết trên CNBC.

Không ít nhà bán lẻ kỳ vọng căng thẳng chuỗi cung ứng sẽ giảm bớt trong thời gian tới khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng. Đơn cử, chuỗi nội thất cao cấp RH lên kế hoạch tái khởi động tại khu vực miền Nam vào tháng 10, hy vọng đạt công suất 100% vào cuối năm nay. 

Trước đó, hoạt động sản xuất chững lại cùng thời gian vận chuyển dài, cước vận tải cao khiến RH phải lùi kế hoạch ra mắt bộ sưu tập vào đầu năm tới.

Nguy cơ các đơn hàng 'chạy' khỏi Việt Nam 

Tác giả Lauren Thomas cho biết, một số doanh nghiệp đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam nhằm tránh thuế giá trị gia tăng tại Trung Quốc vài năm qua hiện đang cân nhắc quay trở lại thị trường tỷ dân.

Một CEO trong ngành thời trang cho biết gián đoạn sản xuất tại Việt Nam khiến nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng suốt sáu năm qua thành “công cốc” chỉ trong sáu ngày. Không ít doanh nghiệp nỗ lực rời khỏi Trung Quốc và bây giờ, một trong những nơi duy nhất có thể tìm thấy hàng hóa lại là quốc gia này.

Theo chuyên gia phân tích Camilo Lyon của BTIG, những khó khăn trong sản xuất tại Việt Nam hiện nay chưa ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh quý III, mà có thể gây ra vấn đề khi bước vào quý IV với kỳ nghỉ lễ cuối năm và khả năng cao là cả nửa đầu năm sau.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cắt giảm đơn hàng do lường trước hạn chế về công suất và độ trễ khi các nhà máy hoạt động trở lại sau thời gian dài giãn cách. Các thương hiệu lớn hơn quyết định chuyển, hoặc cố gắng chuyển một số hoạt động sang nước khác.

Bà Donna Dellomo, CFO hãng nội thất Lovesac, đầu tháng này cho biết công ty đã chuyển các đơn đặt hàng khỏi Việt Nam, đưa trở về Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro.

"Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sẽ phải chịu thuế quan cao, nhưng dù vậy, doanh nghiệp vẫn có thể ổn định được nguồn hàng tồn kho – điều đặc biệt quan trọng với cả doanh nghiệp và khách hàng", bà Dellomo nhấn mạnh.

Trong cuộc họp cấp cao đầu tháng này giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu với lãnh đạo Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cũng đưa ra cảnh báo về khả năng các doanh nghiệp nước ngoài rời đi nếu giãn cách kéo dài.

“Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực”, ông lưu ý.

Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông cho biết thêm đã có các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chuyển một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang nước khác, trong khi số khác đang cân nhắc.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng đây là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp và khẳng định cho đến nay, chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam.

Giữa tháng 8, thông tin từ Nikkei cũng cho biết Apple, Google đã tạm dừng chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh mẽ.

Theo đó, sản phẩm Pixel 6 của Google sẽ được sản xuất tại Trung Quốc, thay vì tại miền Bắc Việt Nam như kế hoạch hồi cuối năm ngoái.

Trong khi đó, Apple cũng thay đổi dự định sản xuất tai nghe AirPods khi sản phẩm này vẫn sẽ xuất xưởng từ nền kinh tế hàng đầu thế giới. Dù vậy, thương hiệu này cho biết dự kiến sẽ vẫn chuyển 20% sản lượng sang Việt Nam.