'Việt Nam cần thận trọng trước nguy cơ thành sân sau của Trung và Hàn'

Phương Anh - 08:44, 18/06/2020

TheLEADERTrong bối cảnh dòng đầu tư nước ngoài trên thế giới có sự dịch chuyển khỏi Trung Quốc cũng như vị thế kinh tế năng động, tham gia nhiều hiệp định, Việt Nam cần cẩn trọng trước nguy cơ thành điểm trung chuyển để xuất khẩu sang Mỹ.

Rủi ro từ sự dịch chuyển của dòng đầu tư toàn cầu

Sau hàng loạt những thành tựu to lớn của năm 2019 như tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiềm chế tốt, giá trị thương mại cao cũng như thâm hụt ngân sách, nợ công giảm, các thị trường tiền tệ và tài chính được đảm bảo, Việt Nam hiện được đánh giá có thể phải chịu tác động lớn và dễ bị tổn thương.

Việt Nam nổi lên là một nền kinh tế năng động, góp mặt trong các FTA thế hệ mới đã và sắp có hiệu lực, bao gồm Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), chưa kể tới hơn 10 hiệp định song phương, đa phương khác.

Chính độ mở cao của nền kinh tế khiến Việt Nam rất dễ chịu ảnh hưởng từ chính sách của các nước lớn, các xung đột thương mại, chính trị trong khu vực cũng như toàn cầu.

Thời gian qua, xu hướng dịch chuyển đầu tư từ các khu vực chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như căng thẳng Hàn Quốc – Nhật Bản đã tác động nhiều đến sự phân cực của kinh tế thế giới.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc tế hay thậm chí doanh nghiệp nội địa tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi căng thẳng đã lựa chọn dịch chuyển toàn bộ hoặc một phần sang nước thứ ba mà Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu.

Trong bối cảnh nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro như tăng trưởng, xuất khẩu, việc làm ngày càng phục thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thậm chí là một vài doanh nghiệp FDI, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trong báo cáo thường niên mới đây khuyến nghị: “Việt Nam nên thận trọng để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ”.

Theo đó, Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước cũng như giám sát chặt chẽ các quy định, nguyên tắc về nguồn gốc xuất xứ, tránh bị lợi dụng để xuất khẩu sang thị trường được ưu đãi.

Dự báo tăng trưởng 5,5% trong kịch bản lạc quan nhất

Theo VEPR, triển vọng kinh tế Việt Nam 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới.

Trong kịch bản lạc quan nhất với giả định hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường từ cuối tháng 4, thế giới nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 6, tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt khoảng 5,5%.

Trong kịch bản trung tính và bi quan với giả định dịch Covid-19 tái bùng phát tại nhiều trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của thế giới, các quốc gia phải kéo dài lệnh phong tỏa, Việt Nam được dự báo tăng trưởng lần lượt là 3,9% và 1,7%.

VEPR: Việt Nam cần thận trọng trước nguy cơ thành sân sau của Trung và Hàn
Triển vọng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới.

Trong ngắn hạn, thúc đẩy đầu tư công trong nửa sau của năm có thể bù đắp được những khó khăn tạm thời của nhiều ngành sản xuất và là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, thúc đẩy đầu tư công không phải là việc mở rộng đầu tư công một cách dàn trải, thiếu kiểm soát. Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và có sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc.

Các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai do tác động của giãn cách xã hội nên được ưu tiên hàng đầu và cần phải được triển khai nhanh chóng trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. 

Đặc biệt, lao động trong khu vực phi chính thức cần được quan tâm hơn khi chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác nặng nề nhất, và có thể nằm ngoài phạm vi được thụ hưởng của các chính sách hiện tại.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần có sự phân loại và tập trung hơn. Việc khoanh/ngưng hoặc miễn giảm các chi phí tài chính như lãi vay và tiền thuê đất nên được áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp phải dừng hoạt động; các chính sách hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, giảm lãi vay và khoanh nợ, giãn thu thuế VAT nên được thực hiện với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng còn hoạt động, nhưng phải có các tiêu chí rõ ràng về các mức độ hỗ trợ để tránh cào bằng, dàn trải.

Song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn hiện tại trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên tiếp tục và cải thiện những chính sách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.