Việt Nam có thiên thời, địa lợi, nhưng tại sao ngành nông nghiệp vẫn chưa cất cánh?

Trần Quân* - 11:04, 18/06/2018

TheLEADERTôi nhận ra rằng, chất lượng thực phẩm tại Việt Nam vẫn thua kém nhiều nước trong khu vực. Thậm chí, chúng ta còn thua cả Campuchia và Lào. Do vậy, nhất định chúng ta phải làm một điều gì đó để thay đổi nền nông nghiệp nước nhà.

Trong suốt 5 năm làm kinh doanh bán lẻ thực phẩm sạch tại Hà Nội, điều làm tôi lo lắng, suy nghĩ, trăn trở nhiều nhất là việc đảm bảo chất lượng nông sản. Tôi đã đi nhiều nơi, tìm hiểu và phát triển nhiều nguồn rau, thịt, hoa quả, hải sản… ngon nhất, để đảm bảo chất lượng thực phẩm đưa vào chuỗi cửa hàng Sói Biển.

Chi phí và công sức bỏ ra cho việc này - tôi nghĩ còn tốn kém hơn bất kỳ khoản chi phí nào trong hệ thống cửa hàng của chúng tôi. Tất nhiên, đổi lại chất lượng sản phẩm tại Sói Biển ngày càng được nâng cao.

Đến nay, tôi đã đi được gần ba phần tư các tỉnh thành cả nước và có được một cái nhìn rất tổng quan về ngành nông nghiệp, cách bà con nông dân đang nuôi trồng và tư duy sản xuất nông nghiệp của phần đông bà con hiện nay là kiểu tư duy ngắn hạn, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không có tư duy xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Tôi nhận ra rằng, chất lượng thực phẩm tại Việt Nam vẫn thua kém nhiều nước trong khu vực. Do vậy, nhất định chúng ta phải làm một điều gì đó để thay đổi nền nông nghiệp nước nhà, chúng ta - những người trẻ tuổi của đất nước cần phải thay đổi tư duy cũ, cách làm cũ, để thực hiện những cách làm nông nghiệp một cách có chiến lược dài hạn trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm có như vậy nền nông nghiệp mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm.

Việt Nam sở hữu 'mỏ vàng nông nghiệp'

Tôi được nghe câu nói này trên một chuyến đi tìm nguồn hàng xuyên qua các tỉnh Buôn Mê Thuật, Đà Lạt, Ninh Thuận… Vì sao lại nói vậy?

Vì Việt Nam có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, chất đất, lượng mưa, độ ẩm, ánh sáng…quá phù hợp để phát triển nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp - sản xuất đại trà và xuất khẩu.

Tôi dám chắc, trên thế giới có không quá 5 quốc gia có được khí hậu, thổ nhưỡng… tốt như Buôn Mê Thuật để trồng cà phê mang lại chất lượng cao.

Rất ít nơi trên thế giới có được điều kiện đặc biệt phù hợp để trồng Bơ Boot, Bơ Sáp ngon được như ở Đắk Lắk.

Ở nơi nào trên thế giới có được điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, thổ nhưỡng tốt như Đà Lạt để trồng hoa, rau, củ quả… Nhật Bản, Hàn Quốc họ hiểu điều này hơn Việt Nam nên mới qua thuê đất, trồng rau xuất ngược về quốc gia họ và xuất khẩu sang các nước khác.

Ở Ninh Thuận thì có nắng, gió, chất đất rất phù hợp cho việc phát triển trồng cây Nho cho năng suất, độ ngon, ngọt rất đặc trưng…

Miền Tây Nam Bộ thì khỏi phải nói về độ phì nhiêu của đồng bằng sông Cửu Long, quá phù hợp trồng cây ăn quả, trồng lúa….Tôi ngồi trên máy bay đáp xuống sân bay Cần Thơ mà nhìn thấy đồng bằng Sông Cửu Long bao la, rộng lớn vô cùng tiềm năng, nhưng chưa được khai thác. Đi vào tận nơi thì rất nhiều vùng còn để hoang, cây dại mọc khắp xen kẽ với cây ăn quả.

Miền Bắc mình có Cam Cao Phong, Cam Hà Giang, Bưởi Diễn, Gà Yên Thế, Gà đồi, lợn Hòa Bình. Và không kể hết được những điều kiện tạm gọi là thiên thời, địa lợi để phát triển ngành sản xuất nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao để sản xuất đại trà và xuất khẩu.

Bạn có thể Google "Khí hậu Việt Nam", hoặc "Trái cây đặc sản Việt Nam" sẽ ra rất nhiều thông tin hữu ích.

Những "thiên thời, địa lợi" này không phải bỏ tiền ra mà mua được, mà điều đó cần phải có hàng triệu năm thiên nhiên kiến tạo. Các nước như Nhật Bản, Israel phải đầu tư rất nhiều tiền để cải tạo đất, tiết kiệm từng giọt nước, cải tiến công nghệ hàng ngày, tiêu tốn rất nhiều tiền. Nhưng với Việt Nam thì không cần mất chi phí đó. Và đó chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Việt Nam có thiên thời, địa lợi, nhưng tại sao ngành nông nghiệp vẫn chưa cất cánh?
Trần Quân - Sáng lập & CEO chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển

Thiên thời, địa lợi như vậy, tại sao nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa cất cánh?

Tôi đi đến nhiều vùng có thiên thời, địa lợi như vậy nhưng cả một vùng quê, cả một tỉnh vẫn còn rất nghèo khó không biết phát huy được những thiên thời, địa lợi của địa phương. Tôi thấy thật đáng tiếc. Tôi mong mỗi một vùng quê đó chỉ cần xuất hiện một “nhân kiệt”, chỉ cần 1 người dám nghĩ, dám làm nông nghiệp có chiến lược xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đóng gói hoàn thiện đưa ra thị trường thành công thì cả một vùng quê rộng lớn sẽ thay đổi.

Tôi xin kể một câu chuyện về một người anh trong Buôn Mê Thuật tôi rất ngưỡng mộ và anh đang thực hiện một ý tưởng liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng Bơ Booth mà Sói Biển đang hợp tác bán lẻ rất thành công tại thị trường Hà Nội.

Anh là người chăm chỉ, chịu khó đọc sách mặc dù học kinh tế nhưng khi tìm hiểu về lợi thế của địa phương là 1 trong 5 nơi có thể trồng được loại bơ Booth cho trái ngon, chất lượng cao. Anh đã quyết tâm xây dựng thương hiệu bơ cho cả một vùng Tây Nguyên rộng lớn.

Sau 2 năm tìm tòi về cây bơ, cách chăm sóc, thu hái, bảo quản, anh đã trở thành một chuyên gia sành sỏi. Với đam mê, nhiệt huyết và quyết tâm thực hiện bằng được xây dựng chiến lược phát triển cho cả một vùng sản xuất bơ rộng lớn, dự án của anh bất cứ ai nghe thấy cũng ủng hộ, từ Bộ Nông Nghiệp cho tới các lãnh đạo tỉnh.

Thay vì cách làm cũ của bà con, thấy có người hỏi mua bơ thì ồ ạt trồng bơ sau đó đến vụ thu hoạch đợi thương lái đến mua và năm này qua năm khác vẫn là tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa hoặc bị thương lái ép giá. Anh bạn tôi đã hướng dẫn bà con trồng bơ theo tiêu chuẩn GlobalGAP, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định cao hơn thị trường, làm logo, nhận diện thương hiệu, đóng hộp, tem nhãn đầy đủ và quảng bá thương hiệu Bơ Tây Nguyên rất bài bản.

Từ dự án đó, người dân đã sản xuất và bán được trái bơ với giá cao. Bản thân anh sẽ gây được tiếng vang rất lớn, sẽ thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư, các nhà phân phối bán lẻ trên toàn quốc.

Hiện tại, bơ ngoài thị trường đang bán giá 60.000 đ/kg – 80.000 đ/kg, nhưng riêng bơ của anh luôn bán với giá trên 100.000 đ/kg với chất lượng vượt trội, đóng gói đẹp mắt, có tem chứng nhận xuất xứ và được đông đảo người dân tin tưởng mua về hàng ngày.

Anh không chỉ kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán bơ, mà giá trị anh mang lại cho địa phương, cho cộng đồng là vô cùng lớn.

Điểm cốt lõi ở đây là anh bạn tôi kinh doanh rất thông minh bằng cách dựa vào lợi thế của địa phương để kinh doanh, tương tự như việc đứng trên vai người khổng lồ để có được lợi thế cạnh tranh mà những doanh nghiệp địa phương khác đầu tư cả ngàn tỷ cũng không có được lợi thế cạnh tranh như của anh.

Bài học rút ra ở đây là chúng ta phải ngay lập tức thay đổi tư duy kinh doanh. Nghĩ lớn, làm lớn một việc gì đó để thay đổi cả một huyện, một tỉnh một địa phương bạn sinh sống. Hãy nghĩ ra cách làm mới để phát huy lợi thế địa phương bạn làm sao để có thể.

- Nâng cao chất lượng, đồng nhất chất lượng và số lượng nông sản.

- Xây dựng dự án kinh doanh, huy động nhiều nguồn lực xã hội, chính quyền địa phương, trung ương vào cuộc.

- Tập trung vào một sản phẩm, một khâu trong chuỗi cung ứng, nhưng số lượng phải là rất lớn.

Một gợi ý là các bạn hãy trăn trở, suy nghĩ thật kỹ xem địa phương mình có truyền thống trồng cây gì, nuôi con gì, có thiên thời, địa lợi là gì, rồi thực hiện các bước sau:

1. Nghiên cứu thật kỹ địa phương mình để tìm ra sản phẩm cần sản xuất, kinh doanh.

2. Tìm hiểu, nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế để xem trong tương lai sẽ phát triển được như thế nào.

3. Tìm kiếm nhân sự đồng hành, tìm kiếm thầy dạy, chỉ đường cho mình.

4. Dành khoảng 1 - 2 tuần ngồi lì trong phòng tập trung viết ý tưởng kinh doanh, tưởng tượng về tương lai khoảng 3 năm tới sẽ như thế nào? Chiến lược là gì? Kế hoạch cụ thể ra sao?

5. Mang bản kế hoạch đi thuyết phục gọi vốn các nhà đầu tư, nhân sự cốt lõi, chính quyền… Bằng cả sự dại khờ, đam mê, nhiệt huyết. Vì họ sẽ rất thích những điều đó ở bạn. Không cần phải quá hoàn chỉnh, chỉ cần ý tưởng cốt lõi tốt và đam mê với dự án bạn sẽ thuyết phục được họ hỗ trợ bạn.

Làm được những điều như trên nhanh thì 2 năm, lâu thì 4 năm tôi tin bạn sẽ đạt được thành tựu cho bản thân, gia đình và bắt đầu có thể thay đổi một phần địa phương mình, giúp cả một xã, huyện, tỉnh ngày càng phát triển hơn.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Trần Quân - Sáng lập & CEO chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển